(Thethaovanhoa.vn) - Phóng viên báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có buổi trò chuyện với Nhạc sĩ Nguyễn Anh Trí, hiện ông là giáo sư, tiến sĩ y khoa, bác sĩ, nhà sáng tác thơ và nhạc, thầy thuốc Nhân dân và Anh hùng Lao động của Việt Nam, là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 14 (2016-2021) thuộc đoàn đại biểu thành phố Hà Nội về ca khúc 'Điều răn trong tháng cô hồn'.
* Xin chào nhạc sĩ Nguyễn Anh Trí chia sẻ về duyên cơ nào khi sáng tác ca khúc tháng cô hồn?
- Sáng ngày 7/8/2021, tình cờ tôi đọc được bài thơ “Cô hồn” của TS. Nguyễn Thành Hưởng đăng trên tường Facebook Trần Khởi. Tôi rất thích bài thơ này, vì đã viết về một chủ đề hiếm người viết, được thể hiện bằng một thể thơ mới mẻ, có những câu thơ hay và ẩn chứa một cách nhìn rất nhân văn.
Ca khúc 'Điều răn trong tháng cô hồn'
Ngay lúc đó trong đầu tôi vang lên một giai điệu vừa tâm linh, vừa hướng thiện rất độc đáo, khác lạ với hơn 60 ca khúc mà tôi đã từng sáng tác. Thế là tôi bắt tay làm ngay ca khúc và chỉ mất khoảng 30 phút là tôi đã sáng tác được ca khúc “Cô hồn”. Xin lưu ý là chỉ mới “sáng tác được”, còn “chưa xong” đâu nhé!.
Sáng tác bài hát này cũng có những cái khó rất thú vị. Khó khăn thứ nhất là cần có hiểu biết đúng hơn về “tháng cô hồn” để sáng tác ca khúc không bị lệch về chủ đề tư tưởng. Tôi phải dành thời gian đọc lại để hiểu kỹ hơn về tháng 7 (âm lịch), về tháng cô hồn, về ngày Lễ vu lan.
- Nhạc sĩ Xuân Trí thể hiện niềm tin chiến thắng Covid-19 trong ca khúc mới
- Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung lại gây 'sốt' với phiên bản 'Chiếc khăn gió ấm' mùa Covid
Qua tìm hiểu tôi sáng tỏ hơn một số điểm chính như sau: Ngoài việc, tháng 7 Âm lịch hàng năm có ngày lễ Vu lan hay còn gọi là Lễ báo hiếu, thì tháng 7 âm lịch theo tín ngưỡng dân gian là “tháng cô hồn”, với ngày Rằm tháng 7 Xá tội vong nhân, đó là ngày mở cửa ngục, ân xá cho vong nhân nên có lễ cúng cô hồn cho các vong linh không nơi nương tựa, không có thân nhân trên dương thế để thờ cúng, và đó là ngày mọi tù nhân ở địa ngục có cơ hội được xá tội, được thoát sanh về cảnh giới an lành.
Nhân gian có một quan niệm mang tính hướng thiện cao đó là. Nếu ai đó khi sống trên dương thế, mà làm việc thiện, tu thân tích đức thì khi mất sẽ được đầu thai kiếp khác; bằng không, nếu ngược lại sẽ bị đày xuống địa ngục, thậm chí lang thang quấy rồi người thường. Phong tục cúng cô hồn cũng xuất phát từ ý nghĩa ngày. Đây là ý nghĩa nhân văn chính của tháng cô hồn. Chúng tôi đã trao đổi với nhau và tập trung khai thác quan niệm nhân văn, hướng thiện này của tháng cô hồn.
Và tôi đã mất hơn 3 ngày, thậm chí có khi đang nằm ngủ, chợt tỉnh giấc vì có một ý tưởng hay thế là ngồi dậy mở máy tính sửa, nhằm tiếp tục chỉnh sửa về phần lời của ca khúc sao cho rõ, cho sáng và vẫn đảm bảo được tinh thần xuất xứ của bài thơ. Ví dụ, chỉ đầu đề thôi mà tôi đã mất mấy ngày sửa. Lúc đầu chỉ là “Cô hồn” – như tên bài thơ của Nguyễn Thành Hưởng. Sau đó, được sửa thành “Tháng cô hồn” và đã gửi đi làm nhạc.
Nhưng tại phòng thu tôi lại thấy chưa ổn, vì ca khúc này chỉ khai thác khía cạnh tích cực, hướng thiện của tháng cô hồn thôi nên nếu để “Tháng cô hồn” thì có thể là khêu gợi tò mò nhưng không đúng hẳn. Thế là, tại phòng thu âm, tôi đã sửa tên ca khúc là “Điều răn trong tháng cô hồn”. Và đó là tên cuối cùng của ca khúc này. Vậy có khó thật, nhưng bằng đào sâu suy nghĩ thì chúng tôi đã giải quyết được.
Rồi khó khăn nữa đó là lựa chọn chất liệu âm nhạc nào cho phù hợp, đặc trưng, độc đáo nhưng dễ phổ biến. Sau nhiều lần thay đổi, trong hơn 3 ngày làm “tinh chất hơn” ca khúc, thì cuối cùng một âm hưởng dân gian đương đại đã được “chốt”.
Thú vị là những nốt nhấn nhá với hư từ “Hư hừ hư” đã tạo ra những điểm nhấn cho ca khúc trở nên độc đáo hơn. Và nhất là câu: “Hàng năm có tháng cô hồn/ Cô hồn, cô hồn ơi!” đã được sử dụng một cách linh hoạt, được đặt đúng chỗ, được cân nhắc hát một lần hoặc 2 lần nên đã làm nhẹ hơn phần những đoạn lời mô tả, làm hợp lý hơn khi chuyển các đoạn của ca khúc và làm vui hơn, sinh động hơn cho ca khúc.
Nhưng cũng xin nói là, những khó khăn này đã được giải quyết khá tốt, khi Nhạc sỹ Trọng Phương làm hòa âm, phối khí đã tìm kiếm loại các nhạc cụ phù hợp, và nhất là một tiếng sáo trúc ma mị, rất gần gũi mà cũng rất xa xăm như trong cõi tâm linh.
Đặc biệt, khi ca sỹ Tùng Dương rất thông minh khi thể hiện những nốt nhấn, nốt cao, nốt trầm, hoặc qua những câu nói ráp, những cách thể hiện khác biệt khi hát đoạn điệp khúc. Và cũng cả nhạc sỹ thu âm, người mix bài nữa đã rất nhiệt tình tạo ra sự khác biệt, sự nổi bật và tính hiệu quả của từng câu, từng đoạn trong ca khúc.
Và khó khăn không nhỏ nữa là áp lực về thời gian phải thu âm cho xong kịp trong tháng 7 (âm lịch), nhưng thời gian này vì dịch bệnh nên Hà Nội đang thực hiện lệnh giãn cách. Rất khó giải quyết. Nhưng trong “cái khó đã ló cái khôn”.
Hầu hết chúng tôi đã làm trực tuyến, nhất là các công đoạn như làm nhạc hòa âm, phối khí, rồi mix, sản xuất tác phẩm, làm clip. Để rồi cuối cùng chúng tôi đã có được một tác phẩm thành công trọn vẹn và đã ra kịp trong tháng cô hồn – tháng 7 năm Tân Sửu (2021) này.
* Vì sao nhạc sĩ lại chọn Tùng Dương thể hiện ca khúc “Điều răn trong tháng cô hồn” mà không phải là những giọng ca khác?
- Lựa chọn Tùng Dương thể hiện ca khúc này là có ngay khi tôi vừa có ý định sáng tác ca khúc “Điều răn trong tháng cô hồn”. Trước hết vì chúng ta đã biết Tùng Dương là một ca sỹ nổi tiếng, đã trình bày rất thành công các tác phẩm mang âm hưởng dân gian đương đại khó và đặc sắc của nhiều nhạc sỹ hàng đầu của Việt Nam.
Tùng Dương cũng đã từng hát một số ca khúc của Nguyễn Anh Trí, như “Xúy Vân”, “Hào hùng Bạch Đằng Giang” nên tôi hiểu và tôi tin là Tùng Dương sẽ thể hiện thành công ca khúc “Điều răn trong tháng cô hồn” này. Và sự thật thì với cách hát nhiệt huyết, tích cực tìm kiếm cách thể hiện độc đáo, cách xử lý thông minh và một sự yêu mến tác phẩm say đắm Divo Tùng Dương đã làm tôi rất hài lòng khi hát thu âm ca khúc mới này.
* Và ca khúc “Điều răn trong tháng cô hồn” đã nhanh chóng được người nghe đón nhận tích cực. Là tác giả ca khúc, NS. Nguyễn Anh Trí có điều tâm đắc gì muốn nói?
- Điều mà tôi tâm đắc nhất đó là: Tác phẩm “Điều răn trong tháng cô hồn” thành công được chính là nhờ lòng nhiệt tình, sự hợp tác và đặc biệt là sự tôn trọng nhau trong ê kíp thực hiện ca khúc. Tất cả chúng tôi, bao gồm tác giả thơ – TS Nguyễn Thành Hưởng, người sáng tác hòa âm – nhạc sỹ Trọng Phương, người trình bày ca khúc - divo Tùng Dương, các Nhạc sỹ phòng thu XÈNG – nơi đã thu âm và sản xuất ca khúc với người sáng tác nhạc Nguyễn Anh Trí bàn bạc, tìm kiếm cách làm, đồng tâm sáng tạo vì sự hoàn thành và vì sự thành công của tác phẩm.
Ngay khi tác phẩm vừa xong, tôi đã gửi lời cảm ơn đến mọi người trong ê kíp. Tác phẩm “Điều răn trong tháng cô hồn” đã để lại cho tôi điều tâm đắc lớn về sự phối hợp, về sự tôn trọng. Đó thực sự là một giá trị! Trân trọng!
* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Hòa Nguyễn (Thực hiện)
Tags