- Nhạc kịch - "Cầu nối nghệ thuật" (kỳ 6): Hành trình xây dựng cộng đồng nhạc kịch trẻ Việt Nam
- Nhạc kịch thế giới và Việt Nam - "Cầu nối nghệ thuật" (kỳ 5): Huyền thoại Philip Quast truyền cảm hứng nhạc kịch đến Việt Nam
- Nhạc kịch thế giới và Việt Nam - "Cầu nối nghệ thuật" (kỳ 4): Kéo thế giới về gần để có thể vươn xa!
Sự nở rộ các dự án nhạc kịch ở Việt Nam trong thời gian gần đây là một thực tế không thể phủ nhận. Bên cạnh những tín hiệu đáng mừng, các sân khấu nhạc kịch ở Việt Nam hiện nay cũng tồn tại không ít những vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nghệ thuật của các vở nhạc kịch.
Ví dụ, có một thực trạng đáng quan tâm, đó là những kỹ năng hát, múa, diễn của các diễn viên nhạc kịch có sự chênh lệch khá lớn, chưa thực sự đồng đều để đáp ứng quy chuẩn của loại hình nghệ thuật đặc thù này.
Để giải quyết thực trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng cần chú trọng tới công tác đào tạo để tạo ra một lực lượng diễn viên, nghệ sĩ biểu diễn nhạc kịch chuyên nghiệp. Song, thực tế ở Việt Nam hiện nay, ngành đào tạo diễn viên nhạc kịch mới chỉ được quan tâm bước đầu và đặt ra gần đầy.
Chia sẻ với Thể thao và Văn hóa (TTXVN) về vấn đề này, thạc sĩ Cao Thị Phương Dung (giảng viên Khoa Sân khấu, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội) cho rằng: "Ngày nay chúng ta cần những người nghệ sĩ vừa biết diễn vừa biết hát vừa biết nhảy múa để có thể biểu diễn nhạc kịch đúng với phong cách thể loại. Để thực hiện được điều đó, việc đào tạo diễn viên nhạc kịch một cách bài bản và chuyên nghiệp là một việc làm hết sức cần thiết".
"Nó cho phép chúng ta tiếp cận và làm phong phú hơn các hình thức biểu diễn của nghệ thuật sân khấu, đồng thời đáp ứng nhu cầu người thưởng thức, góp phần xây dựng một đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn nhạc kịch chuyên nghiệp là nền tảng để duy trì và phát triển nhạc kịch Việt Nam, hướng tới khát vọng hòa nhập với sân khấu nhạc kịch thế giới".
Mất cân bằng trong kỹ năng biểu diễn
* Ở góc độ nghiên cứu, xin bà cho biết thêm về những tiêu chí, yêu cầu cơ bản được đặt ra với nghệ sĩ nhạc kịch chuyên nghiệp?
- Diễn viên nhạc kịch khác với một số các thể loại sân khấu khác ở chỗ bản thân họ phải thành thạo nhiều kỹ năng cùng một lúc: vừa hát hay, vừa nhảy đẹp, lại vừa có kĩ năng diễn xuất tốt. Cả 3 kỹ năng này được rèn luyện đều nhau cùng một lúc. Bởi trên sân khấu nhạc kịch lúc thì diễn viên hát, lúc thì diễn viên nhảy múa, lúc lại chỉ diễn xuất, và có những lúc họ dùng cả 3 kỹ năng cùng một lúc trong một đoạn diễn.
Do đó tiêu chí cơ bản được đặt ra đối với các nghệ sĩ nhạc kịch chuyên nghiệp là đảm bảo 3 yếu tố hát - nhảy - diễn xuất phải đều giỏi như nhau.
Bên cạnh đó, tiêu chí về khả năng ngoại ngữ cũng khá cần thiết. Hiện nay, nhạc kịch Việt Nam chưa có nhiều, bởi ít người sáng tác được thể loại này. Kịch bản nhạc kịch hiện nay phần lớn đều lấy nguồn từ nước ngoài. Các diễn viên hát trực tiếp bằng tiếng nước ngoài, chủ yếu là tiếng Anh, hoặc nếu có thì được dịch ra tiếng Việt. Do đó, nếu không có khả năng ngoại ngữ, diễn viên nhạc kịch Việt Nam khó có thể chuyển tải nội dung vở diễn tới người xem một cách trơn tru và hấp dẫn. Hoặc họ chấp nhận đóng những vai quần chúng ít thoại, hoặc không thoại.
* Từ những tiêu chí, yêu cầu đặt ra của loại hình nghệ thuật này, theo bà thực trạng của nghệ sĩ biểu diễn trên các sân khấu nhạc kịch ở Việt Nam hiện nay đang diễn ra như thế nào?
- Từ góc nhìn của một khán giả theo dõi nhiều vở nhạc kịch, tôi thấy sự mất cân bằng trong kỹ năng biểu diễn nhạc kịch.
Ví dụ, ở Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam và Nhà hát nhạc vũ kịch TP.HCM là 2 đơn vị đầu ngành biểu diễn nhiều vở nhạc kịch từ xưa tới nay, diễn viên biểu diễn nhạc kịch thường mạnh về hát và múa, nhưng lại yếu về diễn xuất. Còn Nhà hát Tuổi trẻ, IDECAF và một số nhóm nhạc kịch tư nhân khác lại mạnh về diễn xuất, mà yếu về kỹ năng hát và múa.
Sự mất cân bằng này là do nước ta chưa có trường nào đào tạo chuyên ngành diễn viên nhạc kịch. Nguồn diễn viên của các nhà hát nhạc vũ kịch phần lớn từ Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam, Học viện múa Việt Nam, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội…
Còn nguồn diễn viên từ các nhà hát kịch và nhóm nhạc kịch tư nhân phần lớn lại là các diễn viên từ các trường nghệ thuật đầu quân vào. Sự mất cân bằng này dẫn tới chất lượng vở diễn dù được đầu tư đến đâu cũng bị giảm sút phần nào, người xem vẫn chưa thực sự "đã" con mắt, "sướng" lỗ tai và thăng hoa về cảm xúc.
"Phải có chuyên ngành diễn viên nhạc kịch"
* Rõ ràng sự mất cân bằng kỹ năng biểu diễn của các diễn viên có ảnh hưởng khá lớn đối với chất lượng của một vở nhạc kịch. Vậy theo bà, để giải quyết được những tồn tại này cần có giải pháp cụ thể nào?
- Dưới góc độ của một nhà nghiên cứu, theo tôi để giải quyết vấn đề tồn tại này, chúng ta nên hướng tới một vài giải pháp cụ thể.
Thứ nhất, chúng ta hổng chỗ nào, lấp chỗ đó, yếu chỗ nào thì bổ sung chỗ đó cho vững chắc. Có nghĩa là bên đơn vị nào yếu về diễn xuất thì đi học diễn xuất, yếu về hát, nhảy múa thì đi học về hát, nhảy múa. Có nhiều cách khác nhau để giải quyết vấn đề này.
Cụ thể, các đơn vị nghệ thuật thường xuyên tổ chức những cuộc tập huấn chuyên môn. Đơn vị nào yếu cái gì tập huấn cái đó. Đợt tập huấn có thể dài hoặc ngắn tùy theo kinh phí của nhà hát. Có thể liên kết với các trường đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp, các chuyên gia trong nước và nước ngoài có kinh nghiệm để lên kế hoạch cụ thể cho việc tập huấn. Hoặc, cử người đi học hoặc khuyến khích diễn viên nhà hát đi học những kỹ năng còn thiếu. Theo cách này, nhà hát hỗ trợ kinh phí từ 50% đến 100%.
Thứ hai, về lâu dài, cần thiết phải có chuyên ngành diễn viên nhạc kịch được đào tạo một cách bài bản và chuyên nghiệp để cung cấp nguồn cho các nhà hát và đơn vị nghệ thuật biểu diễn nhạc kịch.
* Rõ ràng, có thể coi việc đào tạo diễn viên nhạc kịch là một giải pháp lâu dài và bền vững để nhạc kịch Việt Nam có được một lực lượng chuyên nghiệp, đội ngũ chất lượng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc đào tạo một cách chính quy và bài bản ngành này cũng mới chỉ được quan tâm gần đây. Đơn cử như từ năm nay Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội mới tuyển sinh khóa diễn viên nhạc kịch đầu tiên. Như vậy để bám sát điều kiện thực tế, theo bà công tác đào tạo ngành diễn viên nhạc kịch cần chú trọng tới những khía cạnh nào?
- Trong nhiều năm gần đây, thể loại nhạc kịch khá nở rộ. Khán giả trẻ ưa thích thể loại sân khấu này. Họ kéo nhau đi xem rất đông. Từ nhu cầu thực tế, bắt đầu từ năm nay, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội chính thức đào tạo chuyên ngành diễn viên nhạc kịch. Và, hiện nay đây là trường đầu tiên và cũng là duy nhất đào tạo chuyên ngành này. Dĩ nhiên, bước đường phía trước còn nhiều chông gai và thử thách, nhưng tôi tin trường chúng tôi sẽ vượt qua.
Để bám sát thực tế và có chất lượng, theo tôi trong công tác đào tạo ngành diễn viên nhạc kịch cần chú trọng tới một số khía cạnh như: Nguồn tuyển đầu vào chất lượng, có nguồn tuyển tốt ắt sẽ có những sinh viên chất lượng; Đội ngũ giảng viên giỏi, chuyên nghiệp, nhiệt tình, tận tâm; Cơ sở vật chất tốt đáp ứng được các yêu cầu về mặt chuyên môn.
Cùng với đó, đơn vị đào tạo cũng cần có sự liên kết với các nhà hát, đơn vị nghệ thuật biểu diễn nhạc kịch để sinh viên được đi xem biểu diễn nhạc kịch, hoặc được thực tập tham gia vở diễn, dù là vai quần chúng, nhằm giúp sinh viên được cọ xát với nghề và có kinh nghiệm biểu diễn; cũng như có thể mời các chuyên gia nước ngoài lĩnh vực nhạc kịch về giảng dạy để sinh viên có cơ hội biết thêm những phương pháp mới.
* Cảm ơn bà đã chia sẻ!
"Diễn viên nhạc kịch khác với một số các thể loại sân khấu khác ở chỗ bản thân họ phải thành thạo nhiều kỹ năng cùng một lúc: vừa hát hay, vừa nhảy đẹp, lại vừa có kĩ năng diễn xuất tốt. Cả 3 kỹ năng này được rèn luyện đều nhau cùng một lúc" - giảng viên Cao Thị Phương Dung.
Tags