Nhà văn Trần Nhã Thụy: Đọc sách phê bình để phê bình… chính mình!

Thứ Bảy, 12/12/2009 14:01 GMT+7

Google News
(TT&VH) - Năm 2008, Trần Nhã Thụy in cuốn tiểu thuyết đầu tay Sự trở lại của vết xước có tiếng vang trong giới sáng tác và phê bình văn học. Anh vừa in cuốn tản văn Cuộc đời vui quá, không buồn được (NXB Phụ nữ) được nhà phê bình, giáo sư Huỳnh Như Phương trân trọng đề lời giới thiệu.

Cuốn tản văn này không đơn thuần là... tản văn, vì nó “mô tả” được văn hóa đọc, văn hóa viết và văn hóa sống... hiện nay. Có thể ví nhiều tản văn của Trần Nhã Thụy như những tiểu luận đầy nội lực. TT&VH đã có cuộc trò chuyện cùng anh.


Nhà văn Trần Nhã Thụy

Tác phẩm “hay” không bằng “hên”

* Cuộc đời vui quá, không buồn được là một câu thơ của nhà thơ Tuân Nguyễn. Với một nhà văn “nhiều chữ” - tạm hiểu là viết nhiều như anh, sao lại chọn câu thơ này đặt tên cho cuốn sách?


- Chính xác thì đây là tựa của một bài tản văn và dùng đặt cho tựa sách. Tôi không dám nhận mình là người “nhiều chữ”, viết nhiều kiểu “bôi chữ” thì không thể gọi là “nhiều chữ” dù tôi hiểu ý bạn ở đây chỉ là “tạm hiểu”. Nói tóm lại, tôi chọn câu thơ Tuân Nguyễn bởi vì thấy đây là câu quá hay. Thường thì chúng ta hay nói: “Cuộc đời buồn quá, vui không nổi”, còn nhà thơ này thì nói ngược lại. Nó vừa hàm ngụ sự giỡn chơi, nói ngược nhưng đồng thời cũng thể hiện một cái nhìn mới, như là sự đắc đạo. Tuy nhiên, khi sử dụng câu này, tôi nhằm tập trung vào một ý, đó là cười vào những trớ trêu của cuộc đời vốn càng ngày càng nhiều.

* Anh gọi cuốn sách là tản văn, song nhiều “tản văn” giống như tiểu luận về văn hóa đọc, văn hóa viết, văn hóa sống... hiện nay. Vậy anh gọi tác phẩm của mình là tản văn bởi do anh khiêm tốn hay chủ quan hoặc anh đơn thuần viết văn chứ không có “âm mưu” viết phê bình như một vài đồng nghiệp khác?

- Tôi không viết phê bình, bởi tôi biết phê bình là khó, phải siêu lắm mới viết phê bình được. Thêm nữa, đời sống phê bình văn chương của ta xưa nay vốn không “sạch”. Có rất nhiều chuyện, nhưng tôi chỉ nói một ý này: về mặt khoa  học, không có một văn bản nào là hoàn hảo, cho nên nếu có thiện ý, người ta sẽ nhìn thấy cái tốt đẹp và bồi đắp nó, còn ác ý thì rất dễ soi mói, đạp đổ. Tôi thấy phê bình văn chương ở mình nghiêng về cái vế sau nhiều hơn. Nhưng cũng có cái lạ là, xưa giờ tôi đọc sách “công cụ” nhiều hơn là sáng tác, tôi đọc sách phê bình trước hết là để... phê bình chính mình, chứ không có ý truyền dạy cho ai. Ở những bài mà bạn đọc thấy mang tính chất tiểu luận thì đó là kết quả từ những suy nghĩ rất lâu dài. Tôi vốn không thông minh gì lắm, nên suy nghĩ rất chậm, có những suy nghĩ theo đuổi cả chục năm trời mới tích hợp được thành lời. Ví dụ, tôi thấy độc giả vốn chú ý đến văn chương ở những khía cạnh gây sốc, hơn là cái hay ẩn giấu. Chẳng hạn người ta chú ý đến Nguyễn Huy Thiệp từ Tướng về hưu, nhưng truyện này không thể so sánh với Muối của rừng cũng của Nguyễn Huy Thiệp. Nhưng thời điểm đó, nếu không có Tướng về hưu thì chưa chắc Nguyễn Huy Thiệp đã nổi tiếng. Cũng như khi nhắc tới Nam Cao, người ta hay nhắc truyện Chí Phèo, trong khi đó theo tôi truyện Lão Hạc thì hay hơn rất nhiều. Nhà văn Sơn Nam khi còn sống có nói câu: “Hay không bằng hên”. Tôi thấy đúng, văn chương không phải trò sổ xố, nhưng cũng hên xui lắm (cười).

Có người đọc vài ba cuốn triết bỗng thấy mình thành triết gia!

* Trong nhiều tản văn của anh có thêm phần “tái bút”, hình như anh không viết điều gì chỉ trong một lần, tất nhiên cũng không chỉ suy nghĩ một lần?

- Tản văn là sự kết hợp giữa suy nghĩ và cảm xúc bất chợt có thật. Nếu thiếu một trong hai thì coi như thất bại. Với tôi, tản văn hầu như thật đến 99%, không cấu trúc như truyện ngắn và tưởng tượng như tiểu thuyết. Phần tái bút cũng như một kiểu ghi chú, tại sao lúc đó mình viết bài này, cái bài này sau khi đăng báo thì có chuyện gì xảy ra?... Tái bút là phần “nói thêm”, cũng là phần “sống thêm” của tác giả trong một bài tản văn vốn rất ngắn ngủi.

Bìa cuốn Cuộc đời vui quá không buồn được

* Anh có phải là người hay hoài nghi, vì anh thường dùng dấu chấm thang bỏ trong ngoặc đơn - (!) và chấm thang bên cạnh chấm hỏi - (!?) sau mỗi câu. Lẽ nào anh hoài nghi cả những điều mình viết ra? Vậy người đọc sẽ tin cậy thế nào từ những điều anh viết?


- Tôi là người hoài nghi và hoang mang. Nhưng hoang mang không phải là sợ sệt và hoài nghi không phải là đa nghi hay không tin người. Như tôi có viết về câu nói của Descartes: “Tôi tư duy, tôi tồn tại” thì thực chất là sự hoài nghi về tồn tại, chứ không phải theo nghĩa thực dụng “tư duy” là tính toán, còn “tồn tại” là thành đạt. Còn với những điều tôi viết ra, cũng có khi tôi hoài nghi chứ, chắc gì mình đã đúng. Câu ngạn ngữ: “Chúng ta suy nghĩ còn Thượng Đế thì cười” theo tôi là hay tuyệt vời.

* Đọc nhiều cuốn sách thuộc nhiều thể loại của Trần Nhã Thụy, thấy anh thường trích dẫn danh ngôn hay tóm lược ý của một nhà văn khác. “Động tác” đó theo anh là khoe “sự đọc” của mình hay có ý gì khác? Vậy đọc sách - cũng có nghĩa là học - với anh có khái niệm thế nào?

- Việc trích dẫn để làm cho sự việc mang tính khách quan và sáng rõ hơn. Theo tôi ở đây không có chuyện “khoe đọc”, vì càng trích dẫn nhiều, chứng tỏ mình chỉ là cái bóng của người khác. Về chuyện này tôi cũng có viết trong một bài tản văn in trong sách rồi. Có người đọc sách nhiều đã ngộ nhận rằng mình đã thâu tóm được trí khôn của toàn nhân loại, một anh ôm vài ba cuốn triết bỗng thấy mình thành triết gia, một anh đọc vài cuốn giải Nobel chợt thấy mình cũng là nhà văn tầm cỡ, có người giỏi ngoại ngữ đọc được nhiều thứ cao siêu nhưng suốt ngày nói giọng người khác không phải của mình, như con vẹt học tiếng người... Với một người viết, theo tôi tầm cỡ hay không cuối cùng nằm ở tác phẩm của mình, còn đọc thực chất là học một cách âm thầm, là công việc đương nhiên, bình thường mà thôi.

* Xin cảm ơn!

     1/ “...Văn xuôi của Trần Nhã Thụy có thể không có cái dữ dội như trong tác phẩm của một số nhà văn khác, nhưng lại có một sức bền mà ngòi bút của anh muốn nuôi dưỡng để truyền trao đến người đọc, những người cũng mang những vết xước khác nhau và muốn được thuốc thang, chạy chữa kịp thời, không phải bằng những viên kháng sinh liều cao mà bằng những nắm lá thuốc Nam hái trên đồng cỏ hay trong rừng vắng. Và đến một lúc nào đó, người ta có thể miễn nhiễm với những vết xước cũng như có đủ nội lực để đương đầu với những trớ trêu của cuộc đời...” - nhà phê bình Huỳnh Như Phương.

     2/ Trần Nhã Thụy sinh năm 1973, đã in: Lặng lẽ rừng mai, Những bước chậm của thời gian, Chàng trẻ măng ở phố treo đầu (tập truyện ngắn), Thị trấn có tháp chuông đồng hồ (truyện dài), Sự trở lại của vết xước (tiểu thuyết), Gối đầu trên mây (tập tạp văn).


Hoàng Nhân (thực hiện)

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›