Phòng khách sát đường đóng kín, Tô Hoài vòng qua phòng con mở cửa. Trong lúc con cả Đan Hà làm việc nhà, Tô Hoài tắt TV Sam sung 17 inche cũ gần giường ngủ, bỏ trận bóng đá Việt Nam - Malaysia. Bỏ cặp kính lão trên cuốn tiểu thuyết Người chậm của J.M Coetzee (nhà văn Nam Phi, Nobel 2003), ông kể về ngày bận rộn: “Tết này tôi viết một bài cho báo Sức khỏe & Đời sống, ông Vân Long mới đến lấy”. Chỉ viết một bài, sức yếu nhiều rồi.
Rượu, tình yêu và Tết xưa
Thế mà nhắc chuyện Mường Dơn (Sơn La), ông lại say sưa kể với con trai út. Chẳng là ông từng có bài ký Mường Dơn giải phóng và đang đề nghị Ủy ban Dân tộc của Quốc hội làm phim về vùng đất này.
Khai thác cụ “Dế mèn”, tác giả Chuyện cũ Hà Nội thì cơ man chuyện, đầy chi tiết ly kỳ, nhưng riêng “chuyện tình” thì ông giấu và lảng cực giỏi. Giới văn chương biết, Tô Hoài không “hiền” chuyện yêu đương. Nhìn các bút danh khác của ông: Mai Trang, Mắt Biển, Thái Yên, Hồng Hoa... tôi chẳng tin ông không yêu phái đẹp. Ông kể chuyện đi Tây thế này: “Sang Tây, tôi mê rượu, uống vodka nhiều loại, nặng cũng chơi. Tôi hay đi Liên Xô, bên ấy các cô đẹp thật. Tôi chủ động bảo họ: “Tôi ốm, bị tiêm, phải kiêng...” - “Thật chứ ạ?” - tôi hỏi. “Thật” (kéo dài), rồi ông cười tít, mắt có đuôi.
Tôi hỏi: “Nghĩa Đô, nơi có mối tình đầu của ông. Đọc Giăng thề, mới thấy chuyện tình đầu của tác giả, chẳng phải ai khác?”. Ông trả lời ngay: “Ai thì ai, ông thì ông. Hồi ký về xóm giếng ngày xưa. Tôi yêu một cô 15 tuổi cùng làng Nghĩa Đô (kém tôi 3 tuổi). Biết chuyện, ông bố đánh một trận nên thân, rồi bắt cô bỏ ra Kẻ Chợ ở với mẹ (đã ly hôn). Bà ấy tái hôn, gả cô đi lấy chồng. Cô ấy bị ốm nặng rồi chết. Được em trai cô báo, ấy là năm 1940, đang viết Dế mèn, cùng Nguyễn Bính, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, chúng tôi đến thăm cô, người đã nằm dưới mồ ở nghĩa trang Thanh Xuân”.
Năm 2010 vừa qua, Tô Hoài đoạt “cú đúp”: Giải thưởng Lớn Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội 2010 và giải Vàng sách đẹp của Hội Xuất bản Việt Nam cho Chuyện ngày xưa - 100 cổ tích.
Đời ông những năm đẹp, sôi động nhất, thuộc về quá khứ.
Giờ đây, nhớ lại hồi trẻ, không phải mỹ nhân, chỉ rượu mới làm ông cười hết cỡ, lộ 5 cái răng còn lại hàm trên... Rượu là “người tình” mà Tô Hoài say mê nhất. Đừng mong “quật ngã” ông chỉ bằng một chai vang, dù đó là món quà cắp nách nên đem tặng Tô Hoài, cùng lời chúc thay “lì xì” năm mới.
“Tết xưa đìu hiu lắm, gợn buồn nhiều”. Hoài niệm thường hay buồn, vì ta nhớ đến những người, đến thời đã mất. Ông đi kháng chiến và viết về Tết vùng cao. “Làng nào cũng ăn Tết trong rừng. Các mảnh ruộng chân rừng cạnh ngọn nước đã thấy cắm lên những cây tre thẳng tuột, quấn giấy vàng, trên đầu buộc những vòng tròn. Đấy là cột vòng để trai gái đánh còn, đánh yên. Các cô mặc áo chàm mới, đem ra những quả còn tua đỏ tua vàng vừa khâu xong. Chúng tôi cũng ra chơi còn. Đã ra vẻ Tết thật rồi. Kháng chiến vẫn có Tết như thường”.
Và đây, thật đẹp cảnh Xuân miền núi: “Nhớ năm ấy bao giờ tôi cũng nhớ mùa hoa mơ những ngày áp Tết. Hoa mơ nở trắng các bản làng, trắng đầy cánh đồng và đầu suối. Bạt ngàn, trắng ngần khắp rừng mơ Việt Bắc. Cái rét ngăn ngắt đến cả những cây mai nở trắng ngẩn ngơ...”
Bức tranh ấn tượng đầy ảo giác này đối chọi thông thường. Tô Hoài hay hồi tưởng và kể thiên về “giải ảo” hơn là “ảo hóa” người thật việc thật. Ông được thưởng thức nhiều phong vị Tết.
Truyện Tây Bắc (1953), Miền Tây (1967), Nhật ký vùng cao (1969) là những kết quả nhiều năm thực tế miền núi. Hỏi ông có nhớ những cái Tết vùng cao không, ông chậm rãi: “Nhớ lắm. Tôi đã ăn hai cái Tết chợ Rã, Ba Bể (Bắc Kạn), lúc là chủ nhiệm báo Cứu quốc Việt Bắc (1947, 1948), phát hành tại Cao - Bắc - Lạng. Hồi ấy có nhà văn Nam Cao, họa sĩ Nguyễn Đình Thọ, nhà báo Nguyễn Tiêu... Ăn Tết cùng người Tày, Dao. Tôi lại thích Tết H’Mông. Hồi ấy còn viết lời Bài ca hang đá, ông Nguyễn Văn Thương làm nhạc phim này. Tôi nhớ những chuyến thực tế Hà Giang. Giờ mà có bát rượu ngô thì hay biết mấy! Tết trên ấy giết lợn, ngựa, bò, ăn nhiều món nướng. Rượu ngô uống tha hồ. Lại còn được xem hoa hậu. Người Pháp tổ chức thi chọn người đẹp Thái, Mường, H’ Mông vào mùa Xuân”…
Hồi ức của ông cứ miên man, không dứt.
Cuốn sách đoạt giải vàng Sách đẹp của Tô Hoài
Tết nay của Tô Hoài
Hàng năm, cứ 20 tháng Chạp là con trai Nguyễn Phương Vũ lại đón ông lên phố ăn Tết đến hết tháng Hai về Nghĩa Tân với vợ chồng con gái cả. Tô Hoài thủng thẳng: “Tết bây giờ, món gì cũng chán, ngon chỉ món rượu!”. Có bệnh, phải kiêng, ông vẫn khó kiềm chế khi thấy rượu. Nói đến thứ này, Tô Hoài mắt sáng, điệu bộ linh hoạt hẳn.
Năm 2007, Tô Hoài mới rời hẳn các chức vụ cuối cùng: Phó Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Á - Phi - Mỹ La tinh, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Hà Nội.
Tết, Tô Hoài toàn ở nhà. Mấy năm liền, phóng viên VTV đưa ô tô đón nhà văn ra hồ Gươm trò chuyện lúc Giao thừa. Trở về, ông lì xì con cháu. Mùng Một, ai tới là ông lì xì. Ngoài nhà các con, ông không đến ai, ở nhà xem ti vi. Tuổi 90, ông túc tắc hết chai vang, nếu có bạn hợp ý, vui, các ông “bẻ cổ” vài chai là thường.
Ai đến, biếu rượu ngon thì được lòng ông lắm. Nếu Nguyễn Tuân, Văn Cao uống rượu kiểu nhâm nhi, Tô Hoài lại “khét tiếng” về tửu lượng. Nhà báo Nguyễn Phương Vũ (thư ký tòa soạn tuần báo Người Hà Nội), con trai út, gần gũi nhất, nguyên cớ của bút danh “Vũ Đột Kích” của bố, thú nhận: “Tôi từng sống ở Đức, trước uống nhiều, ngay cả lúc uống được nhất cũng không thể bằng ông. Khó ai theo được ông, không phải dung lượng, mà là cách uống. Rượu bia gì, ly, chén, to hay nhỏ, ông chỉ làm một hơi. Uống bia, là giải khát, chỉ chạm cốc lần đầu. Rượu, khi uống có thể chạm vài lần/ ly. Ông bảo thế mới Tây, mới văn minh, mấy lần nhậu uống bia, ai chạm cốc nhiều, bị ông phê bình ngay: “Không biết uống".
Vi Vi
Tags