(Thethaovanhoa.vn) - Tại giải thưởng Văn học năm 2019 vừa qua của Hội Nhà văn Việt Nam, một cây bút “tỉnh lẻ” hầu như chưa ai biết tới đã ẵm giải Văn xuôi cho tập truyện ngắn Quán thủy thần. Chị là Nguyễn Hải Yến - một giáo viên mới chỉ bước vào nghề viết lách từ năm 2016.
Như lời nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, tác giả này là một phát hiện thú vị của Hội Nhà văn Việt Nam: Viết ít, nhưng đóng góp cho văn học là không hề nhỏ.
Tác giả Hải Yến “tự bạch” với Thể thao và Văn hóa (TTXVN):
- Tôi thuộc thế hệ 7X đời đầu, sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo thuộc huyện Thanh Miện, Hải Dương. Năm 14 tuổi, vì nhiều lý do, tôi bắt đầu rời làng lên phố. Đi suốt mấy chục năm, chẳng có nhiều dịp về quê nhưng trong tâm trí tôi luôn có một góc để cho quê hương. Mỗi lần chạm nhẹ vào đó, tôi lại thấy ký ức với rạ rơm đồng bãi ùa về.
Tôi đi học, làm giáo viên ở một trường THCS thuộc một huyện nhỏ ở Hải Dương, sau đó lao vào vật lộn với cuộc sống, suốt năm không có một ngày nghỉ, nhưng vẫn không quên thói quen đọc sách bất cứ lúc nào rảnh rỗi. Mãi đến cuối năm 2015, tôi dùng Facebook, và viết những dòng đầu tiên trên đó - những ký ức về làng. Bạn bè tôi đọc rồi động viên, hối thúc, buộc tôi phải nhìn nhận vấn đề viết một cách nghiêm túc. Truyện ngắn đầu tay Nhân gian một cõi của tôi ra đời vào khoảng tháng 3/2016.
Có thể nói, người se mối nhân duyên của tôi với văn chương là mẹ tôi - một cán bộ trung cấp nông nghiệp kiêm đánh máy chữ ở Phòng Nông nghiệp huyện. Bà thường dẫn chị em tôi đi bộ hàng tiếng đồng hồ qua đồng sang phố huyện để mua sách cho con đọc, hay mỗi ngày Hè lại thả con cả ngày ở thư viện huyện, giữa đống sách mới ít, mối xông mọt đục thì nhiều. Chị em chúng tôi ham đọc sách và tự học qua sách cách viết của các nhà văn là vì thế.
* Chị sắp xếp công việc của một giáo viên, một người vợ, một người mẹ như thế nào để dành thời gian cho viết lách?
- Nghề nghiệp của tôi rất đặc thù, không có một ngày nghỉ ngơi cho đúng nghĩa. Thêm vào đó còn là những lo toan chu đáo cho gia đình. Tôi chỉ có thể tranh thủ viết vào giờ ra chơi, khi trống tiết hoặc vào tối muộn, sau khi kết thúc công việc. Nhìn chung, tôi vẫn phải cố gắng làm tốt nghề dạy học rồi mới quay sang đam mê của mình. Và cũng gặp không ít khó khăn khi xung quanh có những người không thấu hiểu, không cảm thông, bảo tôi mê mải với những thứ viển vông.
Nhưng tôi nghĩ văn chương đến với mình như cái nghiệp. Nói như Nguyễn Du: “Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”… Phải theo nó đến tận cùng bằng cái tâm của mình.
* Vậy, chị quan niệm như thế nào về văn chương? Chị thấy đời sống văn chương nước nhà hiện nay như thế nào?
- Tôi yêu văn chương từ ngày nhỏ, luôn coi văn chương cùng với các bộ môn nghệ thuật khác là nguồn nuôi dưỡng của tâm hồn, để tâm hồn con người được phong phú, đằm sâu và nhân ái. Yêu văn chương, tôi làm nghề dạy học, cũng mong thỏa một phần ước mơ làm sao cho nhiều người trẻ cũng yêu văn, cũng biết khám phá những vẻ đẹp ẩn sâu dưới những tầng ngôn ngữ, chuyên chở ý nghĩa cuộc đời, ý nghĩa và hạnh phúc được làm người. Đó là một việc khó, nhưng hấp dẫn.
Viết văn còn hấp dẫn hơn nhưng cũng khó khăn hơn bội phần. Bởi vì dạy văn là cùng học trò hưởng thụ, còn viết văn là làm, là tạo ra nguồn thực phẩm ấy. Dạy văn là nói với dăm ba chục người, còn viết văn là “nói” với mọi người. Cho nên tôi tự dặn mình, phải nỗ lực, nỗ lực không ngừng.
Tôi đọc nhiều, nhất là khi bạn bè tôi phần nhiều là người viết. Mỗi tác phẩm của họ dẫu dày hay mỏng đều là đứa con họ rứt ruột đẻ ra, nhìn đứa con ấy sẽ thấy bóng hình cha mẹ. Tôi trân trọng tất cả những đứa con tinh thần của người viết. Đứa khỏe mạnh, sáng láng thì trân trọng, tự hào. Đứa còn yếu thì nâng niu, dìu dắt. Nhưng tôi cũng sợ khi thấy sách in ngày một nhiều, ai cũng có thể in sách, nhưng người đọc ngày một ít. Sợ cái cảm giác sau mỗi cuộc hội thảo, những cuộc ra mắt sách, tôi cứ phải nán lại sau cùng để nhặt những cuốn sách tặng, nhưng ai đó vô tình hay cố ý bỏ quên, để cất vào túi mang về. Lòng thầm mong tác giả không nhìn thấy.
* Vì sao chị lại chọn viết về nông thôn Bắc bộ với hai phong cách: hiện thực và hiện thực huyền ảo?
- Người viết phải hướng về người đọc thì tác phẩm mới có đất sống. Tôi nghiệm ra rằng, đối tượng đọc của tôi chia ra hai phe. Một phe thuộc kiểu như mẹ tôi, rất thích những truyện có giọng văn tưng tửng, hài hước, dí dỏm như kiểu: Giếng mắt rồng, Nhân gian một cõi… Nhưng có một phe khác lại rất thú cái thâm trầm, đậm chất văn chương huyền hoặc như Quán Thủy thần, Phía trước nhà có giàn mơ dại. Tôi cũng đã từng loay hoay thử nhiều cách viết, và rất may tìm được sở trường của mình ở hai kiểu viết trên. Mỗi loại đề tài sẽ có kiểu viết riêng cho phù hợp.
* Chị là một “nhà văn trẻ”, hẳn là khi viết về một “vấn đề đã cũ”, về một thực tế xã hội, chắc chị phải đọc nhiều và nghiên cứu rất kỹ càng?
- Là một “nhà văn trẻ” viết về “vấn đề cũ”, tôi nhận thấy phải tìm đường đi cho riêng mình để không bị khuất dưới bóng hàng trăm, hàng ngàn cây đại thụ.
Thú thực, tôi cực kì thú vị với đề tài nông thôn. Nông thôn Việt Nam dẫu ngày xưa hay bây giờ, đang trong cơn chuyển mình mạnh mẽ, đều chứa trong lòng nó bao nhiêu điều hấp dẫn. Nhưng viết thế nào cho không nhạt, không nhàm chán lại là bài toán khó với mỗi nhà văn. Tôi phải đọc, phải học điều đó từ những bậc thầy đi trước.
* Đề tài nông thôn đồng bằng Bắc bộ trong quá trình chuyển đổi hiện nay được xem là mỏ vàng không bao giờ cạn. Nhưng để khai thác được cái mỏ vàng này, theo chị cách viết phải như thế nào?
- Khi vào nghề viết, tôi xác định rằng mình chỉ là một hạt cát lọt giữa sa mạc. Làm thế nào để hạt cát ấy, dẫu bé nhỏ, cũng có tiếng nói riêng? Đó là điều trăn trở, cũng là ước mơ không phải chỉ của tôi mà còn là của tất cả những người cầm bút.
Tôi biết, đề tài viết về nông thôn rất cũ, rất nhiều tác giả viết, vậy mình viết thế nào? Tôi viết: “Hôm ấy cuối năm nhưng ấm trời, bác trưởng thôn mặc áo cộc tay còn mụ Tẹo Loa diện quần cộc chân…”. Từ “quần cộc” rất bình thường nhưng khi chuyển thành “quần cộc chân” thì lại rất thú vị. Tôi vận dụng triệt để cách diễn đạt và ngôn ngữ đời thường của nhân dân. Ví dụ như cách một bà vợ mắng chồng vì dám nhận chức trưởng thôn khi chưa được vợ đồng ý: “Mả tổ táng hàm chó gặp cơn gió cất vó về hàm rồng. Cả đời lông bông cuối đời còn bày đặt, giở thói kéo rào ngược, trốn việc nhà a dua làm quan…”. Cái cách các bà, các mẹ nói, ví von như hát ấy rất hấp dẫn, không được để nó mai một theo thời gian.
* Được biết, chị đang hoàn thiện cuốn “Ma đồng bằng Bắc bộ”. Nhân đây xin chị có thể tiết lộ về “đứa con tinh thần” này?
- Đó là những câu chuyện ma của bà, của mẹ, lưu truyền từ đời này sang đời khác trong cái âm âm u u của làng quê mái tranh vách đất ngày xưa. Tôi sẽ kể lại nó bằng cách kể mới nhưng vẫn xuất phát từ nền tảng, gốc rễ trầm tích nông thôn Bắc bộ và chuyển tải thêm những thông điệp thời đại. Tôi sẽ cố gắng giữ gìn bản sắc nhà quê riêng biệt, thuần chất trong đó. Âu cũng là một cách bảo tồn những giá trị văn hóa tinh thần trong bước biến chuyển nghiệt ngã của thời gian.
* Xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Hải Yến về cuộc trò chuyện!
Phạm Huy (thực hiện)
Tags