(Thethaovanhoa.vn) - Nữ văn sĩ Canada từng đoạt giải Man Booker Margaret Atwood vừa trở thành người đầu tiên đóng góp tác phẩm vào dự án Future Library (Thư viện Tương lai), nơi sẽ lưu giữ 100 cuốn tiểu thuyết thuộc dạng “của để dành” và chỉ xuất bản trong năm 2114.
Dự án Future Library được nghệ sĩ Scotland trẻ có tên Katie Paterson thai nghén và thực hiện từ đầu Hè năm nay, bắt đầu từ việc trồng 1.000 cây xanh trong một khu rừng ở Nordmarka, ngoại ô thủ đô Oslo (Na Uy).
Dự án kéo dài cả thế kỷ
Những cây này sẽ dần lớn lên và trở thành cổ thụ trong thế kỷ tới. Song song với đó, từ nay đến năm 2114, cứ mỗi năm lại có một nhà văn được mời đóng góp tác phẩm mới vào bộ sưu tập của Future Library. Sau khi các tác phẩm được lựa chọn, những cây xanh kể trên sẽ được đốn hạ để lấy gỗ làm giấy in sách cất trong thư viện.
Trong khuôn khổ dự án, tiểu thuyết mới của Atwood sẽ được cất giữ trong một căn phòng được thiết kế đặc biệt nằm tại thư viện công cộng Deichmanske – công trình dự kiến sẽ được khai trương vào năm 2018 ở Oslo. Căn phòng này sẽ được trang trí bằng gỗ lấy từ các cây xanh kể trên, bên cạnh tên các nhà văn cùng tiêu đề tác phẩm của họ.
Nữ văn sĩ Canada Margaret AtwoodMỗi năm, ban quản lý Future Library, gồm nhiều chuyên gia văn học và Paterson (cô sẽ tham gia ban quản lý cho tới khi qua đời) sẽ mời một nhà văn xuất chúng tham gia đóng góp vào dự án. Ban quản lý này còn có trách nhiệm bảo vệ các cây xanh nằm trong khu rừng và đảm bảo rằng đúng 1 thế kỷ sau, các cuốn sách tham gia dự án sẽ được xuất bản.
“Các nhà văn có thể viết bất cứ thứ gì họ thích, từ truyện ngắn tới tiểu thuyết, sử dụng bất kỳ ngôn ngữ nào… Chúng tôi chỉ đưa ra yêu cầu về chủ đề và thời điểm. Tôi nghĩ rằng sẽ rất ý nghĩa nếu như các tác phẩm phản ánh những gì diễn ra trong thời đại này, để khi độc giả tương lai đọc sách, họ sẽ hiểu được thời kỳ chúng ta đang sống” – Paterson nói.
Một cuốn thiểu thuyết thú vị
Nhà văn Atwood hiện từ chối tiết lộ các chi tiết sẽ có trong cuốn tiểu thuyết mà bà đang viết. Tuy nhiên bà vẫn “bật mí” về đề tài của cuốn sách. “Tôi sẽ kể cho các bạn nghe một câu chuyện hết sức thú vị về ngôn ngữ của tộc người bản xứ Haida. Nó nằm trong nhóm ngôn ngữ ở một vùng duyên hải Bắc Mỹ. Haida từng có một nền văn hóa và ngôn ngữ phát triển thịnh vượng. Nhưng khi bệnh dịch từ châu Âu lan tới, tộc người này đã giảm quy mô xuống chỉ còn chưa đầy 100 người. Đó là những năm 1900. Trong số 100 người sống sót qua dịch bệnh có 2 nhà thơ” – bà nói với tờ Guardian.
Bà cho biết người Haida không có ngôn ngữ viết. Đây là một nền văn hóa truyền miệng. Giống như nhiều nền văn hóa truyền miệng khác, bao gồm nền văn hóa đã cho ra đời các tác phẩm Iliad và Odyssey, người Haida có truyền thống làm thơ dài, dễ nhớ, có kỹ thuật ngâm và trình diễn các bài thơ mang tính sử thi.
2 nhà thơ còn sống kia có thể đã nghĩ rằng “nền văn hóa của chúng ta sẽ chết và chúng ta chẳng có cách nào truyền lại các bài thơ của mình cả”. Nhưng đó là lúc một nhà nhân chủng học người Mỹ xuất hiện. Ông không nói được tiếng Haida và phải làm việc thông qua một phiên dịch viên, người biết cả tiếng Haida lẫn tiếng Anh. Các nhà thơ đã đọc lại từng bài thơ cho nhà nhân chủng học. Ông ghi lại chúng theo ngữ âm Haida và viết lại phần dịch thô ý nghĩa của bài thơ.
Tất cả các bài thơ đó đã nằm lại trong thư viện thêm 100 năm nữa và không ai đọc chúng, cho đến khi một nhà ngôn ngữ học tên Robert Bringhurst tìm tới. Ông tự học tiếng Haida, chép lại bài thơ và cho ra đời bản dịch chuẩn hơn. Thời điểm đó, những bài thơ này được coi là truyện cổ dân gian, bởi Bringhurst chép chúng lại dưới dạng văn xuôi. Song ông vẫn biết rõ đây là những bài thơ, dù thể loại thơ này không giống với các thể loại hiện đại. Atwood cho biết ngày hôm nay bản dịch của Bringhurst vẫn có thể được tìm thấy trong tuyển tập mang tên A Story as Sharp as a Knife.
"Đây là ví dụ về một tác phẩm nằm yên lặng trong hơn 100 năm, trước khi nó sống dậy trở lại” – Atwood nói. Bà cho biết không bận tâm lắm với việc trong thời gian mình còn sống, sẽ chẳng có ai được đọc cuốn sách nằm trong dự án Future Library. "Thật không thể dễ chịu hơn. Mình sẽ chẳng còn sống nữa khi cuốn sách được giới phê bình đánh giá và nếu người ta khen hay, nhà xuất bản sẽ nhận lấy công trạng, còn nếu người ta chê dở, đó là lỗi của mình” – bà pha trò.
Việt Lâm (lược dịch)
Thể thao & Văn hóa
Tags