Nhà văn Lê Văn Ba (kỳ 1): 'Độc hành kỳ đạo' vì văn nghệ Hà Nội thời tạm chiếm

Thứ Tư, 15/08/2018 07:47 GMT+7

Google News

Chú thích ảnh

  (Thethaovanhoa.vn) - Dẫu không phải người Hà Nội "chính hiệu", nhưng tình yêu của nhà văn Lê Văn Ba dành cho Thủ đô không thể kể xiết. Ông thể hiện tình yêu với Hà Nội bằng đặc thù nghề nghiệp của mình, dù đề tài ông chọn có vẽ hẻo lánh và "ngốn" khá nhiều thời gian: viết hồi ức và biên khảo.

Tính đến nay, ông đã nhiều năm "độc hành kỳ đạo" với đề tài văn nghệ Hà Nội thời tạm chiếm, cho dù mãi đến năm ngoái mới "khởi đầu" bằng cuốn Văn nghệ Hà Nội những năm 1947-1954.

Từ anh Ba Hỏa Lò...

Nhà văn, nhà báo Lê Văn Ba tên thật là Trần Khắc Cần, sinh năm 1934 ở xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, Hưng Yên. Năm 1952, khi còn là học sinh trường Trung học Chu Văn An, Hà Nội, ông đã có phóng sự, truyện ngắn đăng báo. Ông từng bị thực dân Pháp bắt giam một năm ở Hỏa Lò, được các "đồng song" (những người bị giam cùng sau song sắt) gọi là anh Ba Hỏa Lò.

Chính nhờ một năm "nếm mùi tù ngục" ấy, nhà văn Lê Văn Ba đã được chứng kiến đời sống văn chương rất sôi nổi của các chí sĩ yêu nước. Nên sau ngày thoát khỏi "địa ngục trần gian", đặc biệt là sau ngày giải phóng Thủ đô (1954), ngoài viết truyện ngắn, tiểu thuyết, ông chủ yếu viết hồi ức, biên khảo và hầu như cuốn nào cũng "dính dáng" đến Hà Nội.

Chú thích ảnh
Nhà văn Lê Văn Ba

Nhà văn Lê Văn Ba cho biết, diện mạo văn nghệ Hà Nội thời tạm chiếm có phần đóng góp không nhỏ của dòng văn học trong nhà tù, trại giam thực dân. Trong những năm tạm chiếm, Hà Nội có tới 20 nhà tù. Các nhà tù chính thức có Hỏa Lò, Nhà Tiền, Thanh Liệt… được đánh số từ 1 - 13. Ngoài ra là các nhà tù lẻ. Các tác phẩm ra đời trong nhà tù, trại giam sau này cũng được truyền bá ra ngoài và tỏa đi khắp nơi.

Chỉ xoay quanh nhà tù Hỏa Lò nhà văn Lê Văn Ba đã lần lượt cho ra đời các cuốn như Kể chuyện nhà tù Hỏa Lò (2004); Thơ viết trong nhà tù Hỏa Lò (2006), Nhà tù Hỏa Lò, trường học yêu nước và cách mạng (2009).

Hay đáng nể hơn là cuốn Nhà văn Việt Nam trong nhà tù quân xâm lược dày gần 1.500 trang.

"Tôi nghĩ, văn học viết trong nhà tù, trại giam của địch chưa được nhiều nhà văn quan tâm nên tôi theo đuổi nó" - nhà văn Lê Văn Ba nói - "Có những chuyện thật được tôi viết ra, nhưng để in thành sách, tôi đã phải lặn lội tìm kiếm lại nhân vật, cho họ đọc và được họ xác nhận kèm chữ ký hẳn hoi mới dám in".

Điều đó cũng đủ nói lên rằng, trong lao động viết văn nhà văn Lê Văn Ba đã rất cần mẫn trong việc sưu tầm, khảo cứu các tư liệu và luôn tôn trọng "người thật, việc thật", không vì cái riêng làm "mếch lòng" các "nhân vật" của mình.

Chú thích ảnh
Nhà văn Lê Văn Ba năm tròn 20 tuổi

Đặc biệt, nhiều năm trước, ông cùng các bạn văn gồm Hoàng Công Khanh, Giang Quân, Vân Long, Băng Sơn, Nguyễn Bắc Lê Ngọc, Hoài Việt từng dự định sẽ cho ra đời cuốn Tổng tập văn học nghệ thuật Hà Nội 1950 - 1954.

Theo bản thảo được nhà văn Lê Văn Ba lưu giữ, cuốn tổng tập tập hợp bản thảo từ năm 2005, tập hợp được hơn 100 tác giả với các tác phẩm văn xuôi, thơ, kịch, nhạc, họa...

Bất ngờ, năm 2007, thành viên chủ chốt là nhà thơ Kiều Liên Sơn đột ngột qua đời. Thiếu kinh phí in, các thành viên cùng trao đổi và đi tới quyết định dừng làm tổng tập. Các tài liệu, bản thảo đã tập hợp được "tạm thời giao cho anh Lê Văn Ba, ai muốn lấy lại thì xin trao trả".

"Chúng tôi lập biên bản về cuộc họp dừng làm tổng tập rồi cùng ký tên. Mỗi lần đọc lại, tôi thấy đau quá!" – ông tâm sự.

Tiếp tục "độc hành kỳ đạo" vì văn nghệ Hà Nội

Từ sau ngày ký vào biên bản đẫm nước mắt ấy, nhà văn Lê Văn Ba tâm sự, có lần đã định không theo đuổi đề tài này nữa. Nhưng vì "nợ" chưa trả xong, dòng văn học thời kỳ này vẫn bị chìm vào quên lãng, các nhà văn thời kỳ ấy vẫn chưa được khẳng định thực sự nên ông lại tiếp tục "đơn thương độc mã" làm tiếp cuốn hồi ức – biên khảo Văn nghệ Hà Nội những năm 1947 - 1954, dày gần 400 trang (NXB Hội Nhà văn 9/2017).

Gọi là hồi ức - biên khảo nhưng Văn nghệ Hà Nội những năm 1947 - 1954 được đánh giá là một cuốn lịch sử văn học Hà Nội thời 1947-1954 bởi trong sách có đánh giá về đội ngũ văn nghệ sĩ, nhận xét về thể loại, đánh giá về tác phẩm, danh sách các tác giả... đặng giúp bạn đọc có được cái nhìn toàn cảnh về một giai đoạn văn học vì nhiều lý do chưa được nhiều người biết đến, nhớ đến, thậm chí còn có những cái nhìn, đánh giá thiên lệch.

Chú thích ảnh
Nhà văn Lê Văn Ba (thứ 2 từ trái qua) và các bạn văn từng tham gia làm "Tổng tập văn học nghệ thuật Hà Nội 1950-1954".

Theo nhà văn Lê Văn Ba, văn nghệ Hà Nội thời kỳ 1947 - 1954 vừa là văn nghệ công khai, hợp pháp, vừa là văn nghệ bí mật. Nhưng dù là văn nghệ công khai, hợp pháp hay bí mật thì tựu chung đều ghi dấu lại một thời hào hùng của rất nhiều gương mặt văn nghệ sĩ tiêu biểu của Thủ đô, với những trang viết mạnh mẽ, kêu gọi đấu tranh, góp phần đánh trả quân thù ngay trong vùng địch chiếm, một lòng vì công cuộc kháng chiến giải phóng Thủ đô.

Đặc biệt, trong công trình này, nhà văn Lê Văn Ba đã cho thấy sự công phu của mình trong việc sưu tầm và lập danh sách 43 văn nghệ sĩ Hà Nội thời tạm chiếm 1954, vì nhiều lý do khác nhau đã "Nam tiến". Ai trong số này cũng đều được nhà văn Lê Văn Ba in kèm ảnh chân dung, trích ngang tiểu sử và có những lời nhận xét rất xác đáng về họ, đồng thời xác định vị trí tương xứng của họ đối với nền văn học nước nhà.

"Trong khi chờ đợi những tuyển tập truyện ngắn, những cuốn tiểu thuyết, tuyển tập thơ, kịch... hợp thành toàn tập văn học nghệ thuật Hà Nội thời tạm chiếm 1947 - 1954 ra đời, cùng với đó là những công trình nghiên cứu của các nhà lý luận, văn học sử phải nhiều năm nữa mới hoàn thành, tôi làm cuốn sách này để chỉ góp một phần nhỏ vì việc khảo cứu, biên soạn, sưu tầm là không hề dễ dàng, bởi thời gian đã quá xa, chắc chắn nhiều tư liệu đã thất thoát, nhân chứng ngày càng thưa vắng" – nhà văn Lê Văn Ba khiêm tốn nói.

Chú thích ảnh
Biên bản quyết định dừng làm Tổng tập văn học nghệ thuật Hà Nội 1950-1954. Biên bản này được nhà văn Lê Văn Ba đánh máy lại từ biên bản viết tay của nhà nghiên cứu Giang Quân
Chú thích ảnh
Biên bản dừng làm Tổng tập văn học nghệ thuật Hà Nội 1950-1954 do nhà nghiên cứu Giang Quân thảo
Chú thích ảnh
Bìa cuốn "Kể chuyện nhà tù Hỏa Lò"
Chú thích ảnh
Bìa cuốn "Văn nghệ Hà Nội những năm 1947-1954"
Chú thích ảnh
Báo "Tiền Phong" số đặc biệt đón mừng ngày Giải phóng Thủ đô được nhà văn Lê Văn Ba lưu giữ vì gắn liền với những tháng ngày làm báo bí mật của ông cho tờ báo này
Chú thích ảnh
Thẻ căn cước do Nha Cảnh sát và Công an Phủ Thủ Hiến Bắc Việt cấp cho Hoàng Đính Tầm (tên giả của nhà văn Lê Văn Ba)
Chú thích ảnh
Chứng minh thư của nhà văn Lê Văn Ba (tên thật là Trần Khắc Cần) do Ủy ban Hành chính TP.HN cấp năm 1955
Chú thích ảnh
Một Chứng minh thư khác do Ủy ban Quân chính TP.HN cấp cho nhà văn Lê Văn Ba năm 1954

 

Các đề cử hạng mục giải Tác phẩm – Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội 2018

1. Tập thơ Ta còn em của nhà thơ Phan Vũ

2. Cuốn sách Văn nghệ Hà Nội những năm 1947-1954 của tác giả Lê Văn Ba

3. Sách tranh về Hà Nội mang tên Lặng phố của họa sĩ Phạm Bình Chương và nhà văn Nhật Linh

4. Phim Hà Nội của tôi (Mon Hanoi) của cựu Đại sứ Pháp tại Hà Nội Jean - Noel Poirier

Lễ trao Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 11 năm 2018 dự kiến diễn ra vào ngày thứ Ba, 28/8/2018 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.

(Kỳ sau): Cần phục dựng lại không gian văn chương Hà Nội 1947-1954

Sách tranh 'Lặng phố': Một 'Bùi Xuân Phái' giữa phố cổ Hà Nội thời nay

Sách tranh 'Lặng phố': Một 'Bùi Xuân Phái' giữa phố cổ Hà Nội thời nay

"Lặng phố" - tác phẩm nghệ thuật giới hạn số lượng bản in về Hà Nội - ra mắt công chúng vào tháng 2/2018 là sự kết hợp giữa họa sỹ 7x Phạm Bình Chương và nữ nhà văn 9x Lê Nguyễn Nhật Linh.

Huy Thông

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›