(Thethaovanhoa.vn) - Tiểu thuyết Oán thù trớ trêu của Lại Văn Long (sinh 1964 tại Đà Lạt) vừa phát hành như là phần tiếp theo của tiểu thuyết hình sự Mật danh Đ9. Vậy nhưng, trong năm 2019, tác giả này lại dự định xuất bản thêm 3 tiểu thuyết khác, để gộp với 2 cuốn này thành một bộ tiểu thuyết hình sự dày từ 2.500-3.000 trang.
Theo dự kiến của Lại Văn Long, 3 tiểu thuyết này sẽ có những cái tên Gia tộc tướng cướp, Lật án tử hình và Vỏ bọc thần thánh. Và gộp với Mật danh Đ9, Oán thù trớ trêu, 5 cuốn sách sẽ tạo thành bộ tiểu thuyết hình sự Hồ sơ lửa với độ dày “kỷ lục” của một bộ tiểu thuyết hình sự.
Lại Văn Long có cuộc trò chuyện với báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) quanh chuyện cầm bút viết về cái ác.
* Tiểu thuyết của anh thường xoáy vào những mặt trái của các tội ác và hành động rùng rợn, có sự biến chất của công lý, có sự đáng thương của kẻ thủ ác, kẻ sát nhân… Vì sao anh chọn lối tiếp cận này?
- Tôi thường bắt đầu từ những vụ án kinh hoàng, gây bức xúc cho xã hội. Sau đó bằng tài nghệ, lương tâm và nỗ lực của lực lượng phá án, các vụ án phức tạp, chồng chéo thậm chí là bí ẩn... lần lượt được giải mã, tháo từng nút thắt cho đến lúc kẻ sát nhân hoặc đối tượng chủ mưu núp trong bóng tối bị lần ra, truy bắt và chịu hình phạt của pháp luật.
Tuy nhiên, trong quá trình phá án khó khăn, cam go như vậy, các điều tra viên, trinh sát đôi khi phải “sốc” vì đụng phải những thế lực đen hình thành từ sự thoái hóa, biến chất của một số cán bộ giữ trọng trách trong các cơ quan bảo vệ pháp luật. Họ làm mọi cái để bảo vệ cho bọn tội phạm, cho cái ác. Họ trót sa ngã vào đồng tiền, sắc đẹp, nên phải trở thành tôi tớ cho những ông bà trùm xã hội đen. Đây có thể nói là một “nguyên tắc truyền thống” của truyện trinh thám, hình sự, các tác giả xưa nay đều theo xu hướng này mà sáng tạo.
* Anh muốn nói điều gì phía sau của các tội ác ấy?
- Truyện hình sự đương nhiên phải có vụ án, có kẻ gây án và có các nạn nhân của tội ác. Mỗi vụ án đều để lại cho xã hội nỗi đau và những bài học thấm thía về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Có những lý do gây án đáng chê trách, nhưng cũng có những trường hợp cần được nhìn nhận độ lượng hơn, nhất là khi chúng ta xem xét động cơ gây án trong mối quan hệ với nhiều sự việc, hiện tượng liên đới.
Ví dụ trong tiểu thuyết Mật danh Đ9 (được giải Cây bút vàng của Bộ Công an năm 2018), tôi viết về Đạt “sát thủ” bằng sự cảm thông. Hoặc kẻ sát nhân Nguyễn Trọng Danh trong Oán thù trớ trêu đáng thương hơn đáng trách. Tôi nghĩ nhà văn không cần mô tả tội ác đơn thuần, mà phải gạn đục khơi trong, phải biết nâng niu cả những giá trị nhân cảm phía sau của tội ác.
* Vậy trong tiểu thuyết vừa xuất bản là “Oán thù trớ trêu”, các mặt trái của một vấn đề mà anh tiếp cận là gì?
- Nạn chạy chức, chạy quyền, chạy án đã gây ra những bất công và là nguyên nhân sâu xa gây ra những án mạng thảm khốc, làm liên lụy, đau đớn cho nhiều gia đình. Đó là mặt trái của xã hội...
* Các tiểu thuyết của anh thường có tựa rất “hình sự” kiểu báo chí, ví dụ “Gia tộc tướng cướp”, “Vỏ bọc thần thánh”, “Lật án tử hình”, “Làm đĩ triệu đô”…, trong khi nội dung của nó lại chuyên chở những câu chuyện sâu lắng về tình người sau cơn giông bão. Đây có phải do “bệnh nghề nghiệp” mà anh tung ra những tựa đề dễ gây hiểu lầm là câu khách?
- Đã tìm đến truyện hình sự dĩ nhiên độc giả cần sự thu hút của câu chuyện, kịch tính dồn dập bị đẩy đến đỉnh điểm trước khi bùng nổ thành điều bất ngờ. Cái khó khi viết truyện, làm phim hình sự chính là ở điều này. Nếu không làm được, tác phẩm sẽ tẻ nhạt, kém hấp dẫn. Sự thu hút phải được tính toán ngay khi đặt tên cho tác phẩm.
Với gần 30 năm làm việc tại báo Công an TP.HCM, tôi có khá nhiều kiến thức và cảm xúc khi viết thể loại hình sự. Không một người cầm bút nào, không một nhà làm phim nào lại muốn tác phẩm của mình kém hấp dẫn trước độc giả, khán giả...
* Từ những ý vừa chia sẻ, anh quan niệm như thế nào về sứ mệnh của nhà văn trong cuộc sống hôm nay?
- Mỗi người sáng tác đều có lý do riêng để tạo ra nhân vật và tác phẩm của mình. Nếu tác giả là người có tài, có tâm thì tầm của tác phẩm cũng giúp thị hiếu của độc giả, khán giả được nâng lên qua giá trị văn học của câu chuyện. Nhưng trớ trêu là các tác phẩm như vậy bây giờ lại rất khó tìm đầu ra. Trong khi công nghệ lăng-xê lại đẩy ra thị trường quá nhiều sản phẩm chất lượng kém, thậm chí là bậy bạ về nội dung, nhố nhăng về hình thức. Nhiều nhà văn chân chính đành ngậm ngùi: “thế tạo nên thời, nên… phải thế!”.
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thẳng thắn này.
Như Hà (thực hiện)
Tags