Nhà thơ Thu Nguyệt: Để tới được phút ngẫu hứng lý qua cầu

Thứ Hai, 01/07/2024 16:16 GMT+7

Google News

Hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), nhà văn Trần Quốc Toàn vừa hoàn thành bản thảo chân dung về 50 văn nghệ sĩ đã và đang sống, làm việc tại TP.HCM hoặc từng có nhiều gắn bó với mảnh đất này.

Cuốn sách viết về nhiều nhân vật nổi tiếng như Á Nam Trần Tuấn Khải, Sơn Nam, Thy Ngọc, Nguyễn Nhật Ánh…, trong đó có một cái tên thú vị là nhà thơ Thu Nguyệt.

Từ "người thầy" đầu tiên

Đề cao nữ tính trong thơ Thu Nguyệt, nhà phê bình Vũ Nho không ngại so sánh: "Trong mấy câu thơ đề từ cho tập Cõi lạ (tập thơ được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2000) có một câu quan trọng: "Chuông không ai gióng mà buồn cứ ngân". Người đọc không thể không nhớ đến câu thơ Hồ Xuân Hương cũng về quả chuông lòng: "Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om". Tiếng buồn ngân và tiếng sầu om của quả chuông không gióng và chẳng đánh của hai nữ sĩ, hai thân phận ở hai thời khác nhau quả thật khác nhau. Xuân Hương nghiêng về đau, còn Thu Nguyệt thì  nghiêng về trong trẻo".

Lắng nghe tiếng chuông, nữ sĩ xinh đẹp thời @, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, ở một lúc khác, có câu xuất thần: "Chùa xa cuối nẻo đường mòn/ Mặt trời đỏ chạm tiếng chuông bỗng vàng (Núi ở biển, Thu Nguyệt).

Nhà thơ Thu Nguyệt: Để tới được phút ngẫu hứng lý qua cầu - Ảnh 1.

Nhà thơ Thu Nguyệt trong vườn nhà mình

Để thành tác giả, cô bé Thu Nguyệt đã từng: "Đi lượm từng mẩu giấy báo gói bánh mì để đọc cho thỏa mãn cơn thèm đọc chữ, đó là tuổi thơ của mình khi được sinh ra ở một vùng quê nghèo chơn chất. Ngày ấy, từ nhà ra chợ xã không có đường đi, chỉ có thể bơi xuồng qua một con sông nhỏ và một dòng kinh nước chảy xiết. Vậy mà mình vẫn xung phong bơi xuồng cho má đi chợ, chỉ nhằm để lượm từng mẩu giấy báo để đọc. Chợ quê, người ta gói mọi thứ bằng lá chuối và lá sen… chỉ có ổ bánh mì là sang trọng nhất được gói bằng giấy báo, người bán tiện tặn cắt ra từng mẩu nhỏ. Đọc xong, lau quẹt những hành ngò, thịt mỡ vương dính trên mẩu giấy, mình xếp lại để dành từng xấp vuông vắn, như những "cuốn sách" nho nhỏ, báu vật của tuổi thơ mình!" - Thu Nguyệt kể.

Vậy là một trong vài người thầy đầu tiên của tác giả Thu Nguyệt là các tiệm bán bánh mì ngày trước.

Duyên may, khi đã là sinh viên, Thu Nguyêt lại gặp một ông thầy "bánh mì" khác. Chị kể: "Đối với tôi, anh Bế Kiến Quốc là một người anh, một người thầy, một người bạn thơ vô cùng thiêng liêng. Tôi may mắn được gặp anh vào năm 1984, trong trại sáng tác văn học Đồng Tháp lần thứ nhất. Năm ấy, tôi là một con bé nhà quê, sinh viên trường sư phạm, mới tập tễnh bước vào lĩnh vực văn chương, tôi đã được anh tận tình chỉ bảo. Anh đã dạy tôi từ cách đọc và hiểu thế nào là một bài thơ hay đến những kỹ thuật sơ đẳng nhất của một người sáng tác. Anh còn đãi tụi tôi cà phê, bánh mì".

Chị kể thêm: "Anh đã mất nhiều ngày đêm để chép tay (anh từ Hà Nội đi công tác vào Nam nên không có máy đánh chữ) một quyển sổ những bài thơ hay của Việt Nam và thế giới từ xưa đến nay, gần cả trăm trang "giáo án" về phương pháp sáng tác để tặng cho tôi. Xúc động nhất là những bài học vỡ lòng về phương pháp sáng tác mà anh tự nghĩ ra, đúc kết kinh nghiệm xưa nay của mình để cung cấp cho tôi kiến thức, chỉ vẽ cho tôi cách làm thơ như thế nào. Tôi còn nhớ rất rõ những trang viết ấy có nhiều chữ bị nhòe vì mồ hôi của bàn tay anh… Rất là tiếc, lúc đó còn non trẻ, chưa ý thức được hết mọi việc, nên đã đem cả trăm trang tâm huyết ấy của anh chia sẻ cho một cô bạn (cũng mới tập làm thơ như tôi) mượn để rồi bị thất lạc".

Trăm trang "giáo án thi pháp" mồ hôi tay thì đã mất, nhưng "tập thơ lời nói" mà thầy tặng trò vẫn còn. Tháng 4/2007, tạp chí Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam giới thiệu tập thơ này, bắt đầu bằng lời tòa soạn: "Nhà thơ Đỗ Bạch Mai chuyển cho tạp chí Thơ, thật quý và cũng thật… bất ngờ - bản thảo tập thơ Lời nói được nhà thơ Bế Kiến Quốc (1949 - 2003) viết từ hơn hai mươi năm trước. Chị Đỗ Bạch Mai - bà quả phụ Bế Kiến Quốc - cho biết, có được những trang quý giá này là nhờ tấm lòng gìn giữ trân trọng của nhà thơ Thu Nguyệt. Toàn bộ ba mươi bài thơ của Lời nói chỉ dành riêng cho những say đắm cũng như đau khổ về tình yêu, được viết trong thời gian khá ngắn ngủi, của một chuyến thực tế vào đồng bằng Nam bộ, song mỗi dòng thơ đều tràn đầy cảm xúc chân thành".

Nhà thơ Thu Nguyệt: Để tới được phút ngẫu hứng lý qua cầu - Ảnh 2.

Tới bài "Lý qua cầu" 

Trong tập Lời nói của Bế Kiến Quốc có bài Lý qua cầu viết ngày 16/7/1984 tại thị xã Cao Lãnh, một nỗi lòng riêng với Thu Nguyệt:

"Bằng lòng đi em…

Nhưng má anh đã mất

Mịt mù xa Nam - Bắc khó đưa dâu.

 

Bằng lòng đi em…

Nữa mai rồi cách mặt

Chuyện tâm tình muốn nói dễ chi đâu.

 

Bằng lòng đi em…

Dẫu chỉ nhờ câu hát

Có chiếc xuồng ba lá của riêng nhau.

 

Bằng lòng đi em…

Mỗi khi buồn muốn khóc

Một mình anh ca điệu lý qua cầu…".

Có một nhịp cầu giữa 72 âm tiết thơ Bế Kiến Quốc viết năm 1984 với 307 âm tiết ca từ Ngẫu hứng lý qua cầu của nhạc sĩ Trần Tiến viết sau đó, khi nhạc sĩ này đưa ban nhạc Đen Trắng tới biểu diễn "nội bộ" ngay tại tòa soạn báo Văn nghệ (17 Trần Quốc Toản, Hà Nội) và được bạn thơ Bế Kiến Quốc đọc cho nghe bài "thơ tình" kia.

Người viết bài đã đếm từng chữ như thế và thấy những câu khởi nhịp "bằng lòng đi em…" và những câu đẩy dòng nhạc lên cao trào "mỗi khi buồn đến khóc/ một mình anh ca điệu lý qua cầu" của nhạc sĩ rất tương thông.

Có lẽ Trần Tiến đã sớm nhận ra lời than thân "khó đưa dâu" bị ẩn giấu kia, nên đã đưa vào điệp khúc, để tạo điểm nhấn. Hóa ra nàng thơ 2 lần "nhỏ xíu" trong ca khúc nổi tiếng kia chính là Thu Nguyệt.

Từ năng khiếu sẵn có và từ tình thơ trong sáng với Bế Kiến Quốc, Thu Nguyệt đã thành một tác giả, với nhiều bài thơ lục bát ấn tượng, được nhiều người yêu thích. Sau Điều thật, Ngộ, Cõi lạ, Hoa cỏ bên đường thì Thu Nguyệt viết thêm các tập Theo mùa, Thật và chỉ có vậy… góp phần làm phong phú cho văn mạch Nam bộ trong dòng chảy văn học Việt Nam.

Vài nét về Thu Nguyệt


Sinh năm 1963 tại Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Các giải thưởng chính: Giải C tại Cuộc thi sáng tác văn học 1998 - 2000 của báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam; Giải B tại Giải thưởng văn học năm 2000 của Hội Nhà văn Việt Nam; Giải thưởng Văn học nghệ thuật TP.HCM 2000 - 2002; Giải A tại Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Đồng Tháp lần thứ I (1945 - 2005)…

Trần Quốc Toàn

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›