Nhà thơ Nguyễn Thái Dương: Vẫn muốn trốn tìm như thời con nít

Chủ nhật, 24/05/2015 18:07 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Như trò chơi trốn tìm của bọn trẻ, nhà thơ Nguyễn Thái Dương đi tìm Thời gian trốn ở đâu? (tập thơ thiếu nhi vừa được NXB Kim Đồng ấn hành) ở tuổi ngoài 60. Hoá ra, khi người ta lớn tuổi thì họ sẽ trở lại như thời con nít chơi trốn tìm.

Nói đến Nguyễn Thái Dương, thế hệ cầm bút trưởng thành từ bút nhóm Vòm Me Xanh gần như ai cũng biết đến ông. Một thời những tờ báo của tuổi hoa mộng hoa mơ như Mực tím, Hoa học trò có đăng các sáng tác trẻ, thì ở Vòm Me Xanh của Mực Tím nhà thơ Nguyễn Thái Dương đã góp phần “làm bệ phóng” được rất nhiều cây bút hiện nay.

Nhà thơ “thăm quê lại hỏi người”

Trong Nguyễn Thái Dương có “bao con người”: nhà giáo, nhà báo và nhà thơ. Ông sinh ra ở Bình Định nhưng từ năm 1972 đến nay sống ở Sài Gòn. Sau năm 1975, Nguyễn Thái Dương dạy học ở huyện Cần Giờ, thời đó có tên là huyện Duyên Hải thuộc TP.HCM.

 Sau này ông chuyển lên Sài Gòn làm báo dành cho tuổi “ô mai” gồm Rùa Vàng, Nhi Đồng, Mực Tím thuộc Thành Đoàn TP.HCM. Tiếp xúc với Nguyễn Thái Dương mới thấy, cả “ba con người” này đều hoà một trong ông.


Nhà thơ Nguyễn Thái Dương

Nhưng nói đến Nguyễn Thái Dương, người ta nhớ đến ông là nhà thơ nhiều hơn hết. Nhớ đến ông qua các tập thơ đã xuất bản: Bầu trời thơ, hạt bụi thơ(1987); Chút tình riêng thuở ấy (1988); Cổ tích về quả banh (1995); Tàn trăng (1995); Uốn khúc (2003); Hạt bụi thơ, bầu trời thơ (2013)… Và có lẽ “con người” nhà thơ trong Nguyễn Thái Dương nổi trội hơn cả bởi đôi khi “tâm hồn ở tận đẩu đâu”.

Khoảng 2010, cùng đi với nhà thơ Nguyễn Thái Dương về Bình Định quê ông. Nhà thơ có nhã ý rủ cả nhóm về thăm nhà ông ở Đập Đá vẫn còn nhiều người thân sinh sống. Thế nhưng, khi xe về đến gần nhà thì ông không nhớ nhà mình ở đâu, dù năm nào ông cũng về quê đôi lần.

Ông đi hỏi hàng xóm nhà ông ở đâu, cũng may hàng xóm cũng là người trong họ hàng nên biết mặt ông và đưa ông về tận nhà. Cả nhóm “hết hồn”, vì chỉ có nhà thơ mới “thăm quê lại hỏi người” kiểu như Nguyễn Thái Dương.

Khi xưa, Chế Lan Viên về lại An Nhơn sau mấy chục năm, Chế Lan Viên viết: “Trở lại An Nhơn tuổi lớn rồi/ Bạn chơi ngày trước chẳng còn ai/ Nhà cũ giờ thành cơ quan mới/ Chẳng lẽ thăm quê lại hỏi người”. Thì nay, Nguyễn Thái Dương về An Nhơn thăm nơi “chôn nhau cắt rốn” mà cũng hỏi thăm người thì ông không là thi sĩ thì còn ai?


Bìa tập “Thời gian trốn ở đâu?”

Tìm lại tuổi thơ trong cháu con

Tập thơ đầu tay Bầu trời thơ, hạt bụi thơ được Nguyễn Thái Dương in năm 1987 thì khi về hưu năm 2013 ông lại in Hạt bụi thơ, bầu trời thơ. Hoá ra, con người cũng vậy, giữa bầu trời hay hạt bụi thì có gì khác nhau trong cõi mênh mông này. Chỉ có thơ là quan trọng với nhà thơ để cuộc đời biết mình đang hoặc đã tồn tại.

Đọc thơ Nguyễn Thái Dương, nhà phê bình văn học Huỳnh Như Phương, nhận định: “Nhà văn Tô Hoài có lần bảo rằng viết cho tuổi thơ phải cố gắng đạt được hai điều: nghịch và đẹp. Tập thơ Thời gian trốn ở đâu? của Nguyễn Thái Dương đáp ứng hai yêu cầu đó. Tuổi thơ mà không nghịch thì đâu là tuổi thơ. Viết cho tuổi thơ mà nghiêm nghị thì sẽ mất vui, như “ông cụ non”.

PGS,TS Huỳnh Như Phương, cho rằng: “Nguyễn Thái Dương cả đời viết văn, làm báo cho tuổi thơ, tuổi trẻ. Thơ ông luôn giữ được nét trong sáng, nhân hậu và ân tình. Đó là suối nguồn sẽ còn tiếp tục chảy trong thơ ông, tưới mát những dòng chữ và tưới mát tâm hồn người đọc”.

Theo người viết bài này, tạo nguồn cảm hứng cho thơ thiếu nhi của Nguyễn Thái Dương chính là con cháu trong gia đình của ông. Mỗi ngày nhìn vào cháu con trong nhà, ông nhà thơ ngoài 60 tuổi tìm lại được tuổi thơ của mình.

Hoàng thượng đi khai trường
 
Tấm mền ấm lạnh bao năm
Một hôm bị thủng lỗ, nằm… lẻ loi
Có người tròng thử cho vui
Hiện hình… bộ áo quyền uy: hoàng bào
 
Cầm thanh gươm nhựa: long đao
Nhà vua bé bỏng ngẩng đầu xưng vương:
“Người đâu, chuẩn bị… cơm sườn
Trẫm xơi rồi trẫm tới trường Mầm Non!”
 
Mẹ từ dưới bếp lon ton
Ba từ gác lửng bon bon xuống nhà:
“Xin hoàng thượng chớ nhẩn nha
Ăn nhanh cho kịp giờ ra khai trường!”…
 

(Thơ Nguyễn Thái Dương)

Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›