Những ngày qua, phương án sắp xếp các đơn vị hành chính của Hà Nội đã được công bố rộng rãi tại toàn bộ 30 quận, huyện trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, việc triển khai phát phiếu lấy ý kiến nhân dân cũng đã sớm được hoàn thành. Trong bối cảnh chuẩn bị bước sang một giai đoạn mới, rất nhiều độc giả có nhu cầu nhìn lại và tìm hiểu về lịch sử phát triển của các "phường" - đơn vị hành chính quen thuốc trong suốt chiều dài hơn 1000 năm của Thăng Long - Hà Nội.
Để hiểu thêm về vấn đề này, Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đã có cuộc trò chuyện với tác giả Nguyễn Ngọc Tiến, người từng có nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử Hà Nội trong những năm qua.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến cho biết:
- Như nhiều đô thị, lịch sử hành chính của Thăng Long - Hà Nội cũng có những lần biến đổi về địa giới và tên gọi trong suốt hơn 10 thế kỷ qua. Ở đây, tôi chỉ xin phép bàn về tên phường trong vùng nội đô cũ.
Khái niệm phường - vốn vừa có ý nghĩa là một đơn vị hành chính, vừa có nghĩa như môt nhóm người làm cùng nghề - xuất hiện khá sớm trong lịch sử Hà Nội, có thể ngay từ thời Bắc thuộc. Sang thời Lý, sau khi Lý Công Uẩn dời đô, Thăng Long dần được tổ chức thành 61 phường. Tiếp đó, qua thời Trần, con số các phường này cũng được giữ nguyên.
Về cơ bản, xuyên suốt các vương triều Lý, Trần và nhà Hồ, mô hình hành chính Thăng Long tạm có thể coi là 2 cấp, gồm cấp Kinh thành và cấp phường. Sang tới thời Lê, thêm một cấp trung gian là huyện được hình thành để tạo thành 3 cấp "phủ - huyện - phường". Thăng Long có phủ Trung Đô (sau đổi thành Phụng Thiên) gồm 2 huyện Quảng Đức và Vĩnh Xương (sau đổi ra Vĩnh Thuận và Thọ Xương).

Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến
Đáng nói, với cơ cấu này thì Thăng Long được phân lại gồm 36 phường, chia đều cho 2 huyện. Việc rút gọn lại số lại các phường này đến từ nhiều lý do. Trước hết, thời Lê, triều đình bổ chức quan về cấp phường, xã, nên việc giảm số phường sẽ giảm số quan và tiết kiệm ngân khố. Ngoài ra, có thể các vua Lê cũng không muốn khu vực Thăng Long bị phân tán quá rộng vào nông nghiệp, mà có thêm thủ công và buôn bán.
* Vậy tên gọi của các phường Thăng Long trong suốt giai đoạn này được đặt ra như thế nào?
Đây là vấn đề cần được nghiên cứu làm rõ thêm - đặc biệt là tên các phường trong thời Lý - Trần. Nhìn chung, dù thu gọn lại, một số tên phường vẫn được giữ từ thời Trần sang thời Lê. Nhiều tên phường thời Lê đã được ghi lại trong sử liệu, và ta có thể định vị được vị trí của chúng như Yên Hoa (nay là Yên Phụ), Quảng Bá, Nghi Tàm, Nhật Chiêu (nay là Nhật Tân), Xã Đàn, Thịnh Quang, Nhược Công (nay là Thành Công), Giang Khẩu (sau đổi thành Hà Khẩu)… Các phường này nằm ở chủ yếu ở quận Hoàn Kiếm và một phần quận Ba Đình, Hai Bà Trưng hiện nay.
Tuy nhiên, sang thời Nguyễn, 36 phường này được chia thành 249 xã, thôn, phường khác nhau thuộc 2 huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận, ngoài ra một cấp trung gian là "tổng" xuất hiện. Điều này trước hết tới mục đích xóa bỏ các địa danh của nhà Lê, vì người dân Bắc thành vẫn còn tư tưởng nhớ về vương triều cũ. Bên cạnh đó, nhà Nguyễn không bổ nhiệm chức quan địa phương mà có các chức danh xã trưởng, phường trưởng, thôn trưởng do dân bầu nên khuyến khích duy trì số lượng lớn để quản lý người dân.

Pano chào mừng 50 năm thống nhất đất nước trước cửa UBND thành phố Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Tên gọi các địa danh của Hà Nội thời điểm này thường là các âm Hán Việt, một số phường có tên chữ Nôm bên cạnh tên chính thức, thường mang nghĩa diễn giải dân dã. Tới năm 1831, trong đợt cải cách hành chính lớn thời Minh Mạng, 2 huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận được rút xuống 116 phường, thôn, xã. Các tên gọi cũng thay đổi theo chỉ dụ trước đó của Minh Mạng: "Những tên Nôm và mặt chữ không nhã thì bàn định đổi đi".
Đáng chú ý, một thời gian sau đó, khoảng vào thời Tự Đức, khái niệm "phố" cũng bắt đầu xuất hiện, nằm trong đơn vị phường, đứng đầu các phố là những người do dân bầu. Khái niệm này sẽ tác động rất lớn tới các địa danh hành chính của Hà Nội trong thời Pháp thuộc
* Ông có thể nói cụ thể hơn?
- Sau khi chiếm Hà Nội, người Pháp bắt đầu quy hoạch lại đô thị và dần đặt tên chính thức cho các phố. Điển hình, theo một nghị định của Thống sức Bắc kỳ vào tháng 4/1890, 71 phố của Hà Nội được công bố tên gọi, trong đó có 39 "phố Hàng", 2 phố mang các tên Gia Long và Đồng Khánh, 10 phố mang tên người Pháp.
Như vậy, từ thời điểm này, các địa danh hành chính Hà Nội bắt đầu bao hàm cả yếu tố chính trị, thay vì chỉ là tên gọi bản địa như trước.Tới tháng 7/1945, khi được chính phủ Trần Trọng Kim mời làm thị trưởng Hà Nội, bác sĩ Trần Văn Lai đã cho đổi lại nhiều tên phố từ tiếng Pháp sang chữ Quốc ngữ, từ tên người Pháp sang các danh nhân văn hóa Việt Nam hoặc địa danh, sự kiện lịch sử. Việc một số phường của Hà Nội sau này mang tên danh nhân hoặc địa danh lịch sử cũng đến từu những con phố này.

Hà Nội rực rỡ sắc cờ Tổ quốc chào mừng 50 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Ảnh: TTXVN
* Vậy trong lịch sử Hà Nội sau 1954, các phường nội đô xuất hiện như thế nào?
- Vắn tắt, sau năm 1954, nội thành Hà Nội được chia làm 4 quận với 36 khu phố. Sau đó, chúng ta lại có môt số lần thay đổi danh xưng, chẳng hạn thay đơn vị "quận" thành "khu phố", dưới nữa là các tiểu khu.
Tới năm 1981 thì các tiểu khu của Hà Nội được đổi thành phường. Khu vực nội thành khi đó gồm 4 quận Ba Đình (15 phường), Đống Đa (24 phường), Hai Bà Trưng (22 phường) và Hoàn Kiếm (18 phường).
Tên gọi các phường của Hà Nội chủ yếu gắn với tên gọi của các tiểu khu trước đó. Còn tên gọi các tiểu khu thì thường được thực hiện theo cách đơn giản và gần gũi: chọn tên những trục phố chính đi qua phường, vừa mang ý nghĩa địa danh tiêu biểu, vừa giúp người dân định vị dễ dàng về địa lý.
Thật ra, cũng từng có một giai đoạn ngắn, một vài đơn vị khu phố (sau là tiểu khu) của Hà Nội có tên được đánh số thứ tự, nhưng sau dần đều chuyển sang tên riêng. Cá biệt, một vài tiểu khu thì đặt theo những cái tên có ý nghĩa trong giai đoạn chống Mỹ.

Đường phố Hà Nội khoác lên màu áo mới với rực rỡ cờ hoa, khẩu hiệu, pano...chào mừng 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.Ảnh: TTXVN
* Vậy theo nhận xét của ông, cư dân Hà Nội thường gắn bó với khái niệm "phường" như thế nào?
Trong quá trình mở rộng và hình thành thêm các quận nội đô sau này, những phường mới của Hà Nội xuất hiện thêm, trong đó khá nhiều phường gắn với tên các xã ngoại thành trước đó, hoặc theo địa danh địa phương.
Về cơ bản, với cộng đồng, phường cũng có giá trị định vị, nhưng dần dần không mạnh bằng đơn vị phố trong các đô thị hiện đại. Chẳng hạn, khi trò chuyện, ta thường hỏi xem nhà của bè bạn ở phố nào, thay vì ở phường nào. Hoặc, muốn tìm địa chỉ, thường ta cũng sẽ nói tới những tuyến phố cụ thể.
Bù lại, nhiều phường theo lịch sử thời gian cũng mang nghĩa biểu trưng với cộng đồng. Chẳng hạn, có những xã (sau đổi thành phường) từng được vinh danh vì các thành tích khác nhau trong thời kháng chiến hoặc chiến tranh chống Mỹ, thì cái tên của nó cũng ít nhiều gắn với niềm tự hào của người dân địa phương.
* Hà Nội hiện đã công bố phương án sáp nhập các phường, xã mới và tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Ông có thể chia sẻ quan điểm của mình về những tên gọi mới?
- Nhìn chung, tôi thấy tên gọi dự kiến của các phường, xã tại Hà Nội sau sáp nhập có sự hợp lý về cơ bản. Chúng ta vẫn giữ được khá nhiều các tên phường quen thuộc với người dân, và với lịch sử thành phố.
Có những tên gọi mới xuất hiện, nhưng cũng dễ hiểu và có ý nghĩa, chẳng hạn như phường Hồng Hà - vốn liền kề với sông Hồng. Hoặc có những tên gọi tưởng như hơi dài, nhưng vẫn có sự hợp lý, như trường hợp của phường Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Bởi trong lịch sử, thực ra Văn Miếu và Quốc Tử Giám là 2 kiến trúc có chức năng khác nhau và đều gắn với lịch sử Nho học Thăng Long.
CÒn lại, tôi cũng hiểu, và chia sẻ với chút hoài niệm, bâng khuâng của một số người khi xã, phường nơi mình đang sống sẽ mang một tên gọi mới. Nhưng đặt trong bối cảnh hiện tại - khi việc sáp nhập các đơn vị hành chính là cần thiết -, chúng ta cũng nên nhìn câu chuyện một cách nhẹ nhàng. Xét cho cùng, toàn bộ các tên gọi xã, phường cũ của Hà Nội vẫn được lưu lại trong lịch sử thành phố, và vẫn sẽ được nhắc tới khi chúng ta cần nghiên cứu về một địa danh cụ thể.
* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện!
Lộ trình sắp xếp các các đơn vị hành chính của Hà Nội
Theo phương án của các quận, huyện, thị xã trình UBND thành phố Hà Nội, sau sắp xếp, số lượng phường, xã trên toàn thành phố sẽ được điều chỉnh, giảm từ 526 xuống còn 126 đơn vị.
Hiện tại, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân tại các đơn vị đã được hoàn thành trước cột mốc 21/4 để báo cáo lên cấp huyện. Cấp huyện tổng hợp và thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, báo cáo kết quả lên UBND Hà Nội trước ngày 26/4.
UBND TP Hà Nội sẽ hoàn thiện hồ sơ trình HĐND thành phố thông qua chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cơ sở mới, dự kiến xong trong ngày 29/4. Sau đó, thành phố sẽ hoàn thiện đề án và hồ sơ để trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 1/5.
Trên toàn quốc, từ ngày 1/7, khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, các đơn vị hành chính cấp huyện sẽ dừng hoạt động. Các đơn vị hành chính cấp xã sẽ đi vào hoạt động chậm nhất vào ngày 15/8. Các đơn vị hành chính cấp tỉnh đi vào hoạt động chậm nhất vào ngày 15/9.
Tags