Nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn 'chat' với các triết gia

Thứ Năm, 12/05/2016 13:19 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Triết học luôn là thể loại “khó nuốt” đối với người đọc mọi lứa tuổi. Với giới trẻ, triết học càng khó thu hút người đọc, dù ai cũng biết đỉnh cao trí tuệ đều nằm trong các cuốn sách của các triết gia.

Ngày 11/5, NXB Trẻ, NXB ĐH Quốc gia TP.HCM và nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn có buổi ra mắt tủ sách “Triết học cho bạn trẻ”. Nhân dịp này, NXB Trẻ và NXB ĐH Quốc gia TP.HCM đã ấn hành ba cuốn sách của Bùi Văn Nam Sơn với cách viết và dịch gần gũi, giản dị với người đọc.

Ba cuốn sách này gồm: Chat với John Locke, Chat với Hannah Arendt và Ý niệm hiện tượng học của Edmund Husserl (Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải).

Trong vai một kẻ hậu sinh, Bùi Văn Nam Sơn đã trò chuyện với nữ triết gia Hannah Arendt (1906 - 1975), một gương mặt nổi bậc của tư tưởng thế kỷ 20. Cuốn Chat với Hannah Arendt mở đầu cho tủ sách “Triết học dành cho bạn trẻ”.


Nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn (trái) tại buổi giao lưu, ra mắt tủ sách “Triết học cho bạn trẻ” do ông biên soạn

Hannah Arendt quan niệm về triết học khi trả lời Bùi Văn Nam Sơn: “Cám ơn bạn đã “ưu ái” đối với phụ nữ! Và, có lẽ cũng chính vì là phụ nữ, tôi hiểu triết học trước hết là nỗ lực của con người, qua việc thấu hiểu, làm chính mình. Chúng ta cho quả đất này, thế giới này, cuộc đời này trở thành ngôi nhà ấm cúng của một mái nhà thật sự của mình và cảm thấy an toàn, hạnh phúc trong đó, đúng không? Thấu hiểu thì sẽ giảm bớt sự xa lạ, khó hiểu đang vây phủ chúng ta!”.

Một nhà nghiên cứu của thời hiện tại đã trò chuyện bằng hình thức “chat” với những triết gia quá cố mang đến hình thức mới, nhẹ nhàng trong việc chuyển tải nội dung kiến thức triết học tưởng chừng khô khan nếu viết một cuốn sách nghiên cứu nghiêm cẩn. Thông qua hình thức đối thoại, con người của thời hiện tại sẽ hiểu được suy nghĩ của các bậc tiền nhân trong quá khứ, dù tư tưởng triết học của họ vẫn còn được thế hệ hôm nay và mai sau tìm hiểu.

Bùi Văn Nam Sơn, cho biết: “Dữ quân nhất dạ thoại, thắng độc thập thiên thư. Đọc sách mười năm không bằng một đêm được… giao lưu “trực tuyến” (tưởng tượng) với các… cụ. Thật thế chăng, thưa không dám chắc! Và làm sao có chuyện ấy được? Nhưng, vui và gây cảm hứng để các bạn tự tiếp tục lên đường, đó là mục đích… của chương trình phát sóng này”.

Bằng sự tưởng tượng khi “chat” với các triết gia lừng danh trên thế giới, Bùi Văn Nam Sơn “đính kèm” nhiều thông tin thú vị liên quan đến người Việt của thời xưa. Chẳng hạn, khi “chat” John Locke(1632 - 1704), đại triết gia người Anh thế kỷ 17, Bùi Văn Nam Sơn đã liên tưởng đến “quân sư” Đào Duy Từ và xã hội Việt Nam thời kỳ đó.

Mở đầu những dòng “chat” với John Locke, Bùi Văn Nam Sơn viết: “Thưa Cụ, được hân hạnh hầu chuyện Cụ hôm nay, không hiểu sao, tôi lại chớt nhớ đến cụ Đào Duy Từ của nước tôi!”. John Locke trả lời rằng: “Cũng đúng thôi! Cụ Đào tạ thế hai năm sau khi tôi ra đời, coi như bậc cha chú thuộc thế hệ trước. Cụ Đào “lòng nuôi chí lớn, bụng có mưu hay”, quả là người có hùng tâm tráng chí, lại đa tài. Giá cụ sinh ra ở châu Âu như tôi, có cơ hội tiếp xúc với nhiều danh sĩ ở các nước lân bang, hẳn cụ không chỉ xây một Lũy Thầy! Sau khi cụ qua đời, nước các bạn bắt đầu rơi vào cuộc Nam Bắc phân tranh thảm khốc suốt bốn mươi lăm năm, kể từ năm tôi sinh ra, 1632, với bảy lần đại chiến. Buồn nhỉ! Bên tôi cũng có nội chiến!”.

Chỉ thông qua mấy dòng trả lời của John Locke, xã hội Việt Nam thời Đào Duy Từ hiện lên rất khái quát, đây không còn là câu chuyện đơn thuần triết học mà còn bao hàm cả lịch sử. Sau hai cuốn sách “chat” với John Locke và Hannah Arendt, nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn sẽ tiếp tục “chat” với các triết gia lừng danh: Martin Heidegger, Jean Paul Sartre và Rene Descartes.

Thanh Kiều
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›