(Thethaovanhoa.vn) - Trong rất nhiều năm, với rất nhiều chuyến đi đến các nơi trên thế giới, cho các giải đấu hàng đầu như EURO hay World Cup, tôi luôn tin rằng, mình không được phép giống bất cứ ai hay lặp lại chính mình. Và hơn 10 năm lang thang qua các giải đấu, tôi đã luôn thế, để trở thành tôi của hôm nay.
Có một lần đi nói chuyện với các sinh viên báo chí, tôi được hỏi câu này: “Thách thức lớn nhất đối với các phóng viên trong thời đại bây giờ là gì?”. Câu trả lời đương nhiên có liên quan đến con số 4.0, hàm chứa một điều cực kỳ quan trọng của thời kì số hóa.
Không chỉ là áp lực của “nhiều thứ trong một”…
Đấy là người phóng viên phải làm chủ được kỹ thuật công nghệ, phải rất nhiều thứ trong một. Chính tôi là một trong những người đã trải qua quá trình “chuyển hóa” ấy để đảm bảo đáp ứng được những đòi hỏi của thời cuộc, từ việc đi một giải đấu lớn cấp thế giới hơn 10 năm trước chỉ tập trung vào báo viết, với mỗi ngày đảm bảo ít nhất một trang A3 trong vòng hơn một tháng của giải và làm thế nào đó để có thể gửi về tòa soạn lên trang trước deadline, thì dần dần đã phải làm thêm nhiều việc khác nữa để làm “nóng” sự kiện, bằng các bài viết và ảnh cho trang web của báo, vốn được cập nhật thường xuyên, và còn phải đảm nhiệm việc quay phóng sự và hiện hình trong phóng sự - ghi nhanh truyền hình (hầu như hàng ngày theo dòng sự kiện) để gửi về nhà.
Đấy là một khối lượng công việc đồ sộ cuốn người phóng viên vào đó, và anh ta chỉ thực sự thoát ra được khi trái bóng thôi lăn.
Thời gian một ngày vẫn thế, nhưng áp lực về công việc đối với người làm báo theo các sự kiện thể thao tăng gấp bội. Anh không còn là anh nữa, thậm chí đôi khi không có cuộc sống của riêng mình trong những ngày EURO và World Cup nữa. Anh là một cỗ máy làm đủ thứ trong một guồng quay kinh khủng phải chạy theo sự kiện, bình luận, trong sự cạnh tranh của các đồng nghiệp khác, tờ báo khác. Một người phóng viên đi các sự kiện lớn như thế, ở nơi đăng cai giải đấu, do đó, không thể là một phóng viên bình thường, kiểu như các phóng viên phương Tây tôi hay gặp.
Một tay viết của tờ Guardian chỉ làm 2 việc, viết báo giấy và báo mạng cho tờ báo. Một phóng viên của đài truyền hình ESPN cũng chỉ có việc làm tin và lên hình hàng ngày. Còn những phóng viên ta như tôi thì phải làm tất cả. Mà cái sự “tất cả” ấy nhiều khi lại do tự thân thúc đẩy, vì tình yêu nghề, vì đam mê đi, chứ không chỉ vì áp lực công việc.
Và thêm một điều nữa, trong thời đại của mạng xã hội, thì người phóng viên cũng truyền tải các thông tin liên quan đến giải đấu mà mình đang theo dõi tại chỗ qua đó. Viết cho mạng xã hội bao giờ cũng dễ và nhanh hơn cho báo giấy, báo mạng. Nhưng đấy lại là một loại hình báo chí mới hết sức nhanh nhạy và có khả năng lan tỏa cao mà người làm báo thể thao hiện đại không thể bỏ qua. Về phần mình, tôi tin là mình cũng là một người biết làm báo trên Facebook.
… Mà phải là riêng, là thứ nhất
Nhưng tất cả những gì đã nói ở trên không phải là những áp lực thực sự lớn để buộc những người làm báo phải thay đổi và thích nghi để không bị gạt ra khỏi cuộc chơi lớn.
Tôi đã chứng kiến nhiều tay bút trẻ hào hứng lên đường, tận dụng tất cả những phương tiện kỹ thuật mà mình có để tác nghiệp. Nhưng năm năm tháng tháng qua đi, họ vẫn chỉ là những tay thợ viết, thợ chụp, không để lại những dấu ấn trong làng báo hoặc trong lòng độc giả. Có những người không tiến bộ lên được, người khác tụt lùi, và không ít tự hài lòng với những gì họ đang có, không muốn vươn lên nữa.
Cái mà họ có là công cụ, nhưng điều họ không hoặc chưa có là sự từng trải, thiếu phong cách, thiếu một cái Tôi mạnh mẽ, và đặc biệt quan trọng, những kĩ năng sống (tôi đánh giá điều đó cao không kém kĩ năng làm báo, bởi với một vốn sống tốt và sự nhạy cảm nghề nghiệp, người ta có thể đi được nhiều nơi, ngắm và cảm nhận nhiều thứ để đưa vào tác phẩm báo chí của mình).
Sau những hành trình đã đi qua trong những giải đấu EURO và World Cup, tôi nhận ra rằng, để thành công và ghi lại “dấu chân” của mình, phải nhận ra một điều rằng, ta chỉ có thể thành công nếu đi một con đường riêng, viết những chủ đề và khai thác những nhân vật theo một cách đặc biệt, thậm chí nhìn bóng đá theo một lăng kính khác, như tôi đã làm trong những năm qua, là nhìn EURO và World Cup qua cuộc sống của người dân các nước đăng cai, qua những niềm vui và nỗi buồn của người hâm mộ, và nhờ thế, tôi nhìn thấy, cảm nhận được những góc khuất, góc tối mà ánh sáng lung linh của truyền hình và ánh đèn trên sân vận động không thể rọi tới.
Tôi chỉ có thể làm được điều ấy khi không bao giờ tự hài lòng với những gì mình đã có, những gì đã viết, đã chụp, mà không ngừng học hỏi, nghiên cứu tư liệu, và luôn tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết cho những chuyến đi dài.
Và càng đi nhiều tôi càng nhận ra xu hướng ích kỉ của bản thân, nhưng đấy cũng là cách để duy trì cho mình phong cách và phát triển các ý tưởng dựa sự khám phá của bản thân: Tôi chỉ thích đi tác nghiệp một mình, tự lần mò tìm tòi các chủ đề và nhân vật riêng. Đấy là cách duy nhất để không phải chia sẻ nguồn tin, phương pháp tác nghiệp với bất cứ ai. Đó là cách mà tôi đã làm, đã đi trong những năm qua, và sẽ còn như thế nữa trong những năm tiếp theo nữa. Năm tới sẽ là EURO 2020, một giải đấu đặc biệt và không biên giới, vì được tổ chức ở 12 quốc gia châu Âu. Đấy sẽ là một hành trình rất mệt mỏi và đầy áp lực. Và vì thế, tôi sẽ phải chuẩn bị từ bây giờ, trước một năm.
Để không lặp lại chính mình, để luôn hướng về phía trước, để ghi dấu ấn trong lòng độc giả, và lại ra đời những cuốn sách du kí mới.
Trương Anh Ngọc hiện đang công tác tại báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) với cương vị Thư ký tòa soạn. Anh Ngọc là một trong những phóng viên, bình luận viên thể thao hàng đầu Việt Nam, đặc biệt về bóng đá và nhất là bóng đá Ý. Kể từ năm 2010, anh là phóng viên Việt Nam đầu tiên và duy nhất tới nay được tạp chí danh tiếng France Football mời tham gia bình chọn cho danh hiệu Quả bóng Vàng. Song song với công việc phóng viên, Anh Ngọc cũng đã cho ra mắt những cuốn ký sự viết về hành trình khám phá và tác nghiệp của mình. Cuốn sách đầu tay Nước Ý, câu chuyện tình của tôi được phát hành vào tháng 5/2012 và các cuốn bút ký tiếp theo là: Phút 90++ (2013), Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu (2017), Hẹn hò với Paris (2018). |
Nhà báo Trương Anh Ngọc
Tags