(Thethaovanhoa.vn) - Những người bạn thích công nghệ đang rủ tôi mua một chiếc Bphone của Bkav. Họ bảo, đấy là một sản phẩm công nghệ nổi bật của người Việt, làm cho người Việt và hãy mua để ủng hộ hàng Việt.
Tôi không phải là không có điện thoại, nhưng cũng như những người khác, tôi bị lôi cuốn bởi những lời quảng bá về sự vượt trội của nó so với các dòng sản phẩm khác.
Nhưng cùng lúc, tôi cũng đặt ra một câu hỏi: tại sao tôi phải bỏ tiền ra để mua nó, trong khi tôi đã có một chiếc smartphone, và nữa, chẳng hạn nếu tôi chưa có điện thoại, tại sao tôi phải mua BPhone, kể cả khi giá cả của nó rất cạnh tranh, và nó được tung hô là siêu việt?
Sự đắn đo khi đứng trước rất nhiều sản phẩm cùng loại của nhiều nước cũng như sự hoài nghi của một bộ phận trong giới tiêu dùng về các sản phẩm nội là chuyện rất bình thường.
Nhưng tôi nghĩ, một khi ta mua một sản phẩm nào đó chỉ để "ủng hộ" nhà sản xuất, nghĩa là ta đã bị những yếu tố tình cảm chi phối hơn là các quy luật của thị trường.
Công bằng mà nói, một người tiêu dùng thông thái thường... ích kỉ, vì họ phải quan tâm đến chính mình,họ luôn lựa chọn những gì là tốt nhất và hợp lí nhất cho mình. Nếu họ không mua sản phẩm nội với giá thấp mà chọn mua các sản phẩm cùng loại của nước ngoài, dù phải trả một giá cao hơn, nhưng chất lượng chắc chắn tốt hơn, thương hiệu tốt hơn và họ có thể tin cậy được thì cũng đừng quy kết là bệnh sính ngoại, mà là một sự lựa chọn bắt buộc và khả dĩ trong điều kiện cho phép.
Vì thế, nhà sản xuất nội không thể đổ lỗi cho người tiêu dùng sính ngoại và không yêu nước để che giấu đi sự yếu kém của họ trong việc tạo ra sản phẩm không có sức cạnh tranh với sản phẩm của nước ngoài trong một thị trường mở. Đối với sản phẩm công nghệ cao, đấy là một thách thức.
Nhà sản xuất nội phải chinh phục người dùng trong nước bằng chính chất lượng và giá cả sản phẩm của mình, trước khi phải hô hào“mua để ủng hộ hàng nội” .
Tôi cũng có suy nghĩ ấy khi nghe tin về sản phẩm của "Quảng nổ". Những chiêu thức đánh bóng thương hiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có mạng xã hội và so sánh với iPhone 6 của BKAV trên thực tế đã tạo ra sự chú ý của người tiêu dùng.
Nhưng chất lượng của chiếc máy vẫn là dấu hỏi. Sản phẩm đã được giới thiệu, nhưng chưa đến được tay người tiêu dùng. Nhiều người bạn tôi cũng bảo rằng, Quảng nổ thật, nhưng được việc, còn hơn ối người "chém" và vô tích sự.
Tôi nghĩ đấy là cách mà chúng ta đang AQ lẫn nhau, trong một xã hội mà những giá trị thực ảo hỗn độn, sự a dua bầy đàn kiểu số đông và cả sự hoài nghi tồn tại.
Cuối cùng vẫn phải là chất lượng. Mà muốn kiểm tra chất lượng thì người tiêu dùng phải có sản phẩm trong tay, chưa kể, còn phải có thời gian để kiểm nghiệm. Việc đó còn phải chờ...
Hãy nói ít và làm nhiều hơn, với chất lượng ngày càng cao hơn, để người Việt có thể tự hào khi dùng hàng Việt.
Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Thể thao & Văn hóa
Tags