(Thethaovanhoa.vn) - Thông tin nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, tác giả của bộ ba tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng Hồ Quý Ly, Đội gạo lên chùa và Mẫu Thượng ngàn, qua đời ở tuổi 88 khiến giới trong nghề cũng như bạn đọc gần xa vô cùng tiếc nuối.
Từ nay, độc giả và những người yêu văn chương sẽ không được đợi chờ những tác phẩm chứa đựng nhiều bất ngờ, mới mẻ, bùng nổ mang thương hiệu Nguyễn Xuân Khánh nữa.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều khẳng định: Nguyễn Xuân Khánh là một nhà văn quan trọng, một nhà văn xuất sắc, một nhà văn mà chúng ta sẽ phải đọc lại ông rất nhiều lần trong thời gian tới.
Mỗi tác phẩm là kho tri thức về văn hóa, lịch sử
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh sinh năm 1933 tại Hà Nội. Ông đỗ tú tài Toán, học Trường Đại học Y khoa Hà Nội cho đến hết năm 1952 thì ra vùng tự do, tham gia quân đội cách mạng. Trong khoảng 10 năm ông ở một đơn vị pháo binh, rồi dạy văn hoá tại Trường Sĩ quan Lục quân trước khi chuyển về làm việc tại tạp chí Văn nghệ Quân đội. Từ năm 1966, ông là phóng viên Báo Thiếu niên Tiền phong trước khi về nghỉ hưu vào năm 1973. Những năm cuối đời, ông sống ở Hà Nội.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đến với văn học từ những năm 60 với tập truyện ngắn đầu tay mang tên Rừng sâu (xuất bản năm 1963), khẳng định dấu ấn trong làng văn Việt Nam. Bằng giọng văn chân thực và bình dị, xoay quanh đề tài "phẩm chất con người mới xã hội chủ nghĩa", những truyện ngắn trong Rừng sâu của Nguyễn Xuân Khánh đã chinh phục được giới phê bình và bạn đọc ngay từ những ngày đầu ra mắt.
Tuy nhiên, nhắc đến Nguyễn Xuân Khánh, độc giả các thế hệ sẽ nhớ đến ngay những tác phẩm đã làm nên thương hiệu của ông như Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng ngàn, Đội gạo lên chùa, Chuyện ngõ nghèo.
Năm 2000, khi tiểu thuyết Hồ Quý Ly - tác phẩm được ông ấp ủ và chuẩn bị trong hơn 3 thập kỷ, ra mắt đã gây tiếng vang lớn trên văn đàn. Tiểu thuyết kể lại giai đoạn lịch sử đầy biến động của Việt Nam vào cuối nhà Trần đầu nhà Hồ, từ góc nhìn về một nhân vật lịch sử gây tranh cãi - Hồ Quý Ly với bi kịch của kẻ mang trong mình khao khát duy tân đất nước nhưng không hợp thời. Chỉ trong vòng 3 năm, tiểu thuyết Hồ Quý Ly liên tiếp được tái bản 3 lần và trở thành một “hiện tượng văn chương” hy hữu, thuyết phục hầu hết người đọc và người cầm bút đương thời. Tiểu thuyết Hồ Quý Ly đã đoạt giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam giai đoạn 1998-2000, giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2001.
Vào những ngày hè năm 2006, tiểu thuyết Mẫu Thượng ngàn của ông ra mắt lại khiến văn đàn “nóng” lên. Đây cũng là tiểu thuyết viết về lịch sử, văn hóa phong tục Việt Nam, nhà văn đã phác họa nên bức tranh lịch sử xã hội tại miền Bắc trong bối cảnh thực dân Pháp xâm lược nước ta vào cuối thế kỷ XIX và đang tiến đánh thành Hà Nội lần thứ hai. Cuốn sách vừa ra mắt đã nhận được sự chào đón nhiệt tình của độc giả và các văn nghệ sỹ, giành Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2006.
Đội gạo lên chùa là cuốn tiểu thuyết lịch sử thứ 3 của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, ra mắt năm 2011, lấy chủ đề về Phật giáo. Nhà văn từng chia sẻ, ông dồn tất cả vốn sống và trải nghiệm của cuộc đời mình (khi đó ông 79 tuổi) vào tác phẩm dày hơn 900 trang này. Tiểu thuyết Đội gạo lên chùa đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2011.
Một trong những tác phẩm được nhiều người khen ngợi nữa của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh là tác phẩm Chuyện ngõ nghèo, xuất bản năm 2016, lấy cảm hứng từ chính cuộc đời tác giả và được coi là tự truyện. Tác phẩm viết về thời cả nước có sáng kiến nuôi lợn để cải thiện đời sống. Giới trong nghề nhận định đây là tác phẩm đỉnh cao của ông. Tiểu thuyết được nhà văn hoàn thành vào năm 1982 với cái tên Trư cuồng. Đến năm 2016, cuốn sách mới lần đầu ra mắt bạn đọc. Năm 2018, Chuyện ngõ nghèo của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh được trao Giải Sách hay lần thứ 8 ở hạng mục "Sách văn học". Cũng trong năm 2018, ông được Hội Nhà văn Hà Nội trao giải thưởng "Thành tựu văn học trọn đời".
Ngoài viết sách, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh còn dịch thuật nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Những quả vàng, Chuông nguyện cầu cho kẻ đã khuất, Bảy ngày trên khinh khí cầu, Hoàng hậu Sicile, Tâm lý học đám đông…
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh là một trong những nhà văn say nghề cho tới những năm cuối cuộc đời. Khi ngấp nghé 80 tuổi ông không ngừng viết. Ông kể ngày nào cũng ngồi vào bàn viết như thói quen. Chỉ đến khi không đủ sức cầm bút, ông mới thôi viết.
Một người làm việc bền bỉ, nghị lực
Dành cả cuộc đời cho sáng tác văn học và dịch thuật, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh được đồng nghiệp, các thế hệ cây bút trẻ ngưỡng mộ, yêu mến. Với độc giả, Nguyễn Xuân Khánh cũng là cái tên gần gũi. Mỗi một tác phẩm của ông là một kho tri thức về văn hóa, lịch sử nước nhà qua từng giai đoạn.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều đánh giá, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh là một trường hợp rất đặc biệt. Ông viết văn và cuộc đời ông rất nhiều thăng trầm. Những tưởng rằng sự thăng trầm ấy sẽ cuốn ông đi và có lẽ ông sẽ không thể tiếp tục cầm bút, hay cầm bút trong một tinh thần khác. Nhưng ông đã xuất hiện trở lại và những tác phẩm quan trọng tạo nên vị trí của ông trên văn đàn Việt Nam là nhiều cuốn tiểu thuyết lịch sử mang giá trị sâu sắc.
Ở đó, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã tạo ra những giá trị riêng biệt của loại hình tiểu thuyết lịch sử. Ông tôn trọng lịch sử, nhưng ông nhìn nhận nó với con mắt khoa học, đầy tính nhân văn và cho dù ông viết về quá khứ, câu chuyện của một thời nào đó thì những câu chuyện đó luôn chứa đựng tâm thế của thời đại mà ông đang sống. Bởi thế, tính chất của câu chuyện có thể ông viết xa, viết về chuyện lịch sử, nhưng nó vẫn mang nguyên vẹn giá trị, không chỉ gợi mở để nhìn thấy lịch sử đa dạng, sâu sắc hơn, mang theo cả thông điệp cho đương đại.
- 12 năm, hồi cố Nguyễn Xuân Khánh
- Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: Tự do trên “sân chơi” tiểu thuyết lịch sử
- Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh với “Đội gạo lên chùa”
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh là một người làm việc bền bỉ, nghị lực. Ông sống lặng lẽ, chìm sâu trong suy tưởng và đầy bản lĩnh, cũng như tạo ra một thế giới riêng của mình. Chính vì thế, các tác phẩm của ông được nhiều thế hệ nhà văn đọc, cả thế hệ ông, thế hệ sau và những người cầm bút trẻ đều đọc và thấy được những bài học rất lớn lao về bản lĩnh, cách làm việc nghiêm túc và bài học về tư duy khám phá ở cái tuổi xưa nay hiếm.
Giới trong nghề đánh giá, tác giả Nguyễn Xuân Khánh là một trong số ít nhà văn lớn tuổi nhưng luôn mang đến sự mới mẻ trong văn chương. Thông thường, với những nhà văn lớn tuổi, bạn đọc thường không chờ đợi nhiều bất ngờ. Nhưng với nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, mỗi tác phẩm mới của ông đều mang đến sự bất ngờ, mới mẻ, bùng nổ như những khám phá buổi đầu tiên của ông.
Ở Nguyễn Xuân Khánh luôn luôn chứa đựng sự bất ngờ, chúng tôi cũng như bạn đọc vẫn luôn đợi chờ những tác phẩm mới của ông, mặc dù ông đã cao tuổi. Thế nên khi ông ra đi, chúng ta sẽ không thể chờ đợi được những tác phẩm mang nhiều bất ngờ, mới mẻ, chứa đựng sự thú vị trong văn chương mang thương hiệu Nguyễn Xuân Khánh nữa - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều bày tỏ sự tiếc nuối.
Phương Lan/TTXVN
Tags