(Thethaovanhoa.vn) - Chúng tôi về thăm quê hương nhà thơ Nguyễn Khuyến (1835-1909) - Thôn Vị Hạ, xã Trung Lương, Bình Lục, Hà Nam. Hơn trăm năm đã trôi qua với bao dâu bể, cảnh sắc làng quê Tam Nguyên Yên Đổ đã thay đổi nhiều nhưng cảm giác “ngõ trúc quanh co” dẫn vào ngôi nhà của thi sĩ vẫn như xưa. Những hàng cau, bụi tre thân thuộc bao đời với làng quê Việt phủ bóng trên con đường nhỏ.
Qua chiếc cổng gạch thấp, trên có dòng chữ "Môn Tử Môn" (Cổng dành cho học trò), chúng tôi vào thăm căn nhà Nguyễn Khuyến đã sống 26 năm, kể từ khi từ quan về ở ẩn cho đến cuối đời, nay là từ đường thờ nhà thơ.
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, năm nay 78 tuổi, cháu đời thứ năm và là người coi sóc từ đường, ngôi nhà này vẫn giống như khi cụ thân sinh Nguyễn Khuyến dựng cách đây hơn 200 năm. Đây là nơi đã được công nhận là di tích quốc gia và thu hút nhiều du khách gần xa mến mộ nhà thơ đến thăm.
Bên trong từ đường, những di ảnh, hiện vật liên quan đến Nguyễn Khuyến được trưng bày một cách giản dị và trang trọng. Ban thờ trầm mặc khói hương. Gian chính có hình ảnh nhà thơ, tấm biển "Ân tứ vinh quy", "Nhị giáp tiến sĩ " do vua Tự Đức ban tặng. Liền bên là bức tượng Nguyễn Khuyến cầm gậy trúc, dáng vẻ khoan thai, thư thái.
Trong số nhiều cây trái trong vườn nhà có ba cây nhãn, theo lời người thân trong gia đình kể lại thì chính Nguyễn Khuyến trong một lần vào cung đã xin vua ba hột nhãn về trồng, tượng trưng cho bảng nhãn đỗ đầu ba khoa thi của mình.
Trên gian chính từ đường còn treo bài thơ tiến sĩ Dương Khuê mừng Nguyễn Khuyến:
Ba lượt văn trường ba lượt quán quân
Hùng phong khí thế tuyệt kinh nhân
Vị Xuyên như thế ai địch nổi
Cùng lứa chúng mình lại có anh
Bốn đời văn nghiệp còn ghi bảng
Bảy tuần tiên giáng ngọn đào xuân
Non sông còn hẹn ngày quay lại
Bầu cơm giỏ nước gặp mây xanh
(Bản dịch của Trần Đức Toàn)
Chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Thanh Tùng tại từ đường. Câu chuyện gợi lại những hình ảnh một thời của Tam Nguyên Yên Đổ, từ một cậu học trò nghèo sau những lận đận thi cử, đỗ đạt và tham gia vào chốn quan trường giữa cảnh nước mất nhà tan, triều đình suy vong, ngoại bang xâm chiếm, xã hội nhiều bế tắc nhiễu nhương.
Là người chính trực, thẳng thắn, việc Nguyễn Khuyến từ quan về quê nhà ở ẩn khi mới 50 tuổi cũng là điều dễ hiểu. Có lẽ chính Nguyễn Khuyến cũng không ngờ, sự nghiệp văn thơ của ông, nhất là trong 26 năm cuối đời, với hàng trăm bài thơ chữ Hán, chữ Nôm đã đưa ông lên vị trí những nhà thơ tiêu biểu của dân tộc. Bởi vì, trong bài thơ Đề ảnh, Nguyễn Khuyến đã tự đặt câu hỏi: Nghìn năm sau ta sẽ là ai? Một câu hỏi day dứt, phân vân về thân phận và những gì một trí thức, văn nhân để lại cho hậu thế.
Gia tài văn học Nguyễn Khuyến gồm các tác phẩm Quế Sơn thi tập, Yên Đổ thi tập, Bách Liêu thi văn tập... Ngoài ra, ông còn viết nhiều bài ca, bài hát ả đào, văn tế, câu đối. Ông sáng tác cả bằng chữ Hán và chữ Nôm.
Nguyễn Khuyến vừa là nhà thơ trào phúng vừa là nhà thơ trữ tình. Lĩnh vực nào ông cũng có những tác phẩm để lại dấu ấn đặc sắc. Nhưng nổi tiếng nhất có thể nói chùm ba bài thơ Thu của Nguyễn Khuyến. Nhà thơ Xuân Diệu từng nhận xét: "Nguyễn Khuyến nổi tiếng nhất trong văn học Việt Nam là về thơ Nôm. Mà trong thơ Nôm của Nguyễn Khuyến, nức danh nhất là ba bài thơ mùa Thu: Thu vịnh, Thu điếu, Thu ẩm".
Trời Thu xanh ngắt mấy từng cao,
Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu
Nước biếc trông như tầng khói phủ
Song thưa để mặc bóng trăng vào
(Thu Vịnh)
Ao Thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo...
(Thu Điếu)
Nhà thơ đã gửi hồn mình với bao tâm trạng, hoài cảm vào cảnh sắc non nước mùa Thu quê hương bằng một thứ tiếng Việt trong trẻo và gợi cảm lạ lùng. Những mùa Thu ấy mãi mãi sống trong thơ ông với tất cả vẻ đẹp, hương sắc, âm thanh của thiên nhiên cây cỏ và nhận được sự yêu mến, đồng cảm của nhiều thế hệ người đọc sau này.
Một ngày Thu. Bầu trời xanh cao. Vườn nhà Nguyễn Khuyến rợp bóng cây xanh. Ở nơi đã được công nhận là di sản văn hoá quốc gia này, quang cảnh vẫn như khi Nguyễn Khuyến còn sống. Vẫn những bụi tre bụi trúc thân thuộc, chiếc thuyền nhỏ trên mặt ao Thu nước trong veo. Tưởng như thấy bóng thi nhân ngày trước đang buông cần dưới bóng trúc, lắng tai nghe tiếng cá đớp động chân bèo trong yên tĩnh thanh bình làng quê.
Bài và ảnh: Trần Mai Hưởng
Tags