(Thethaovanhoa.vn) - Thực ra, không phải đợi đến khi báo chí và cả dân trong nghề lên tiếng, người ta mới biết cái mặt sân Mỹ Đình tệ đến đâu. Vấn đề này đã được đề cập nhiều trên Thể thao & Văn hóa, mỗi bận ĐTQG thi đấu ở đây.
SVĐ quốc gia Mỹ Đình nằm trong tổ hợp Khu liên hợp Thể thao quốc gia Mỹ Đình, bao gồm nhiều hạng mục như bể bơi, sân tập và các nhà chức năng khác… Cũng tựa như Trung tâm Thể thao Thống Nhất (TP.HCM), với SVĐ Thống Nhất có Ban quản lý riêng, với mô hình hoạt động tự thu tự chi, lời ăn lỗ chịu (nhóm 1)
Đợt dịch Covid-19 thứ 4 kéo dài, tất cả cán bộ nhân viên của sân Thống Nhất đều bị cắt trừ lương và người ta đã tính đến phương án xin xuống nhóm 2 (cán bộ - viên chức thuộc biên chế sẽ nhận lương cứng từ Sở), duy chỉ người đứng đầu là lắc. Bởi chuyển đổi không phải là chuyện dễ dàng xét về nhiều mặt.
Vì tự thu tự chi, nên ngay cả ĐTQG khi tập luyện hay thi đấu ở Thống Nhất hay Mỹ Đình, đều phải làm hợp đồng thuê sân. Có bận, theo lời cựu danh thủ Nguyễn Quang Hải - người từng cùng đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2008 ngay tại sân Mỹ Đình thì xe bus chở đội đến sân nhưng bảo vệ không cho vào, vì không được thông báo. Một bận khác, cựu tuyển thủ quốc gia Mai Tiến Thành chia sẻ, đội bóng phải tập trong bóng tối luôn, cũng vì... không có kế hoạch, dù là ĐTQG đi nữa!
Dù thuê mướn, hay mượn, thì chức năng của sân Mỹ Đình vẫn là phục vụ ĐTQG và cũng chính là bộ mặt của nền bóng đá trong các trận đấu quốc tế. Nhưng có vẻ như, nhà quản lý sân bóng chỉ quan tâm đến việc thu (ngay cả với mục đích sử dụng đánh golf), mà thiếu tu bổ, bảo trì, mới dẫn đến việc mặt sân nom như đám ruộng cày dở. Rõ nhất là trận đấu với Australia mới đây.
Liên quan đến cái mặt sân Mỹ Đình, lại phải nhắc các phòng chức năng và cả cái nhà vệ sinh (WC) của sân bóng này. Từ cửa 5 hay 7, tầng 5 khán đài A sân Mỹ Đình, khu vực dành cho các phóng viên, rẽ trái là WC, nhưng mùi của nó phải nói là cực hôi thối. Cạnh đó là các khu vực bán đồ ăn nhanh. Chỉ không rõ, khu vực khá đài VIP phía dưới thế nào...
Chưa hết, ở Mỹ Đình, phòng họp báo đặt sâu dưới tầng hầm, đến sóng điện thoại cũng mất, chứ đừng nói wifi không thể phát. Và thế là, sau mỗi buổi họp báo sau trận đấu, cánh phóng viên phải nhanh chóng rời khỏi phòng mới có mạng đặng tác nghiệp, gửi tin bài, trước khi được thông báo… tắt điện.
Nói hay viết về những tồn tại của SVĐ quốc gia Mỹ Đình, thì có mà cả ngày không hết chuyện. Vấn đề là tại sao và như thế nào, vắt qua bao đời quản lý lại không thay đổi, hay không ai bắt họ phải thay đổi?! Trách nhiệm của người đứng đầu ở đâu? Các nguồn thu khổng lồ mỗi sự kiện lớn trôi về đâu?
Nếu muốn có một thứ bóng đá tử tế, yếu tố đầu tiên quan trọng nhất là mặt sân phải đạt chuẩn. Đây là điều tất-lẽ-dĩ-ngẫu. Bởi nếu mặt sân không đạt chuẩn, thì các ý tưởng về chiến thuật có tân tiến đến đâu, cũng phá sản. Đấy là chưa kể các nguy cơ chấn thương. Mà Mỹ Đình không hề thiếu những viện dẫn về các ca chấn thương nặng của quân mình.
Sau trận đấu với Australia trong khuôn khổ vòng loại thứ 3 World Cup 2022 vừa rồi, báo chí quốc tế đã chê bai không tiếc lời mặt sân Mỹ Đình và ngay cả báo chí trong nước cũng phải thừa nhận - đấy thực sự là điều rất xấu hổ, rất xót xa cho 1 cái sân bóng được gắn với cái tên quốc gia.
Cuối cùng, trở lại với dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, trả lời báo chí, 1 lãnh đạo Khu liên hợp Thể thao quốc gia Mỹ Đình cho biết - Gần một năm qua đơn vị này đã gửi Bộ VH,TT&DL đề án xin khai thác, quản lý, sử dụng tài sản công của khu liên hợp nhưng bộ chủ quản và các bộ ngành liên quan chưa có ý kiến. Nếu tình trạng này kéo dài, có khi còn không trả được tiền điện, nước và phải dừng hoạt động!
Ơ! Nếu sân quốc gia dừng hoạt động, thì ĐTQG đá sân nào...
CCKM
Tags