Kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít: Mẹ Tổng thống Nga Putin từng suýt... bị chôn sống

Thứ Bảy, 09/05/2015 07:06 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Lễ kỷ niệm Ngày chiến thắng 9/5 thu hút sự quan tâm lớn của người Nga bởi một sự thật đơn giản: đa số các gia đình Nga đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ Thế chiến thứ 2.

Ngay cả Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng có những trải nghiệm buồn đau vì cuộc chiến.

Gia đình nào cũng có mất mát

Gần đây ông đã viết một câu chuyện về lịch sử gia đình mình, đăng trên tờ Russkiy Pioner, kể lại nỗ lực của cả nhà nhằm sống sót qua cuộc chiến.

Vào thời điểm Thế chiến thứ 2 bắt đầu, cha đẻ của ông Putin, cũng có tên Vladimir Putin, đã gia nhập một nhóm quân nhân Liên Xô chuyên thực hiện các nhiệm vụ phá hoại nhằm vào quân Đức như đánh bom cầu, đường sắt và các điểm chiến lược khác. Nhưng do bị chỉ điểm, một lần đơn vị của ông Putin cha đã bị lính phát xít phục kích và truy đuổi.


 Chiến tranh vẫn để lại những ký ức đau buồn cho nhiều người Nga. Người phụ nữ này có cha và bố chồng từng tham gia Thế chiến thứ 2

Khi những tên lính phát xít Đức đuổi theo các chiến sĩ Nga trong rừng, ông Putin cha đã cố gắng trốn thoát bằng cách nấp dưới một đầm lầy. Ông lặn xuống dưới nước trong nhiều giờ, chỉ thở bằng một cây sậy, khi lính đối phương chạy rầm rập gần đó. Ông kiên nhẫn chờ cho tới lúc tên lính Đức cuối cùng rời đi rồi mới ngoi lên.

Sau lần chết hụt đó, ông Putin cha được điều tới vùng Nevsky Pyatachok - một trong những chiến trường đẫm máu nhất nằm quanh Leningrad (St Petersburg hiện nay). Trong một lần đụng độ với lính Đức, ông đã bị thương vì lựu đạn nổ gần. Về sau này, mảnh lựu đạn đã nằm lại chân ông cho tới hết đời.

Thời gian Putin cha dưỡng thương tại bệnh viện ở Leningrad, con trai cả của ông đã qua đời do bệnh bạch hầu. Thi thể người con đã được chôn cất ở nghĩa trang Piskaryovskoye của thành phố, nơi có chứa di hài của khoảng 470.000 dân thường và binh lính trong các hố chôn tập thể. Cần biết rằng cuộc chiến Leningrad đã chứng kiến màn bao vây chết chóc nhất trong lịch sử. Nạn đói hình thành từ cuộc bao vây đã khiến hàng trăm ngàn người thiệt mạng.


Cha mẹ của Tổng thống Putin, ông Vladimir Putin và bà Maria. Ảnh: viola.bz

Sau khi bình phục và xuất viện về nhà, Putin cha phát hiện thấy các bác sĩ quân y đang đưa nhiều thi hài từ tòa nhà có căn hộ của ông đi chôn cất. Rồi ông thấy vợ mình nằm trên một chiếc cáng. Khi tới gần, ông phát hiện vợ vẫn còn thở nên đã vội hô lên. Những các viên bác sĩ đáp lại rằng chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi vợ ông qua đời. Phẫn nộ, ông đã dùng cây nạng của mình đánh họ, yêu cầu đưa vợ mình trở lại nhà. Tự tay ông đã chăm sóc, hồi phục sức khỏe cho vợ.

Cả 2 ông bà cùng sống sót qua cuộc chiến và về sau sinh hạ Tổng thống tương lai của nước Nga vào năm 1952. Mẹ ông Putin sống tới tận năm 1999 mới qua đời, còn bố ông mất năm 1998.

Nhiều nhà quan sát tin rằng tác động từ chiến tranh lên gia đình đã định hình thế giới quan của Putin. Nó khiến ông sợ bị kẻ khác phản bội và chỉ tin tưởng vào một nhóm nhỏ bạn bè, đồng minh.

Tác động tới tính cách của cả dân tộc

Chiến tranh hiển nhiên không chỉ tác động lên mỗi gia đình ông Putin. Nó đã để lại dấu ấn khó phai vào bản sắc của nước Nga, chiếm một vị trí quan trọng trong tâm hồn người Nga.

Theo một cuộc thăm dò gần đây do Trung tâm Levada thực hiện, 52% người Nga thừa nhận họ mất ít nhất một người thân trong Thế chiến thứ 2. Nhiều người lớn lên cùng các câu chuyện do cha ông kể lại, về những cuộc vật lộn để sống sót qua chiến tranh.

Có lẽ vì thế, không ngạc nhiên khi tới 42% người Nga được hỏi xem Ngày chiến thắng là sự kiện quan trọng nhất năm, chỉ đứng sau lễ mừng năm mới và sinh nhật - những sự kiện hướng về gia đình.

Cuộc thăm dò cũng cho thấy tinh thần dân tộc của người Nga tăng lên khi bàn tới vai trò của đất nước trong Thế chiến thứ 2. Cụ thể, 69% người Nga tin rằng Liên Xô hoàn toàn có thể một mình giành chiến thắng trước phát xít Đức mà không cần sự trợ giúp của các nước đồng minh. Con số này đã tăng 12% so với cách đây 5 năm.

Nga tổ chức lễ diễu binh hoành tráng nhất từ trước tới nay để kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít

Kết quả thăm dò mới cho thấy một sự dịch chuyển mang tính quyết định trong câu chuyện của người Nga về lịch sử. Trước đây, người Nga chỉ xem mình đang góp sức vào nỗ lực chung, cùng các đồng minh phương Tây nghiền nát chủ nghĩa phát xít. Nhưng quan điểm đó đã dần thay đổi. "Câu chuyện hiện nay là chúng ta đóng vai những người chiến thắng chủ chốt trong cuộc chiến và các đồng minh chỉ đóng vai phụ" - ông Alexei Makarkin, Phó giám đốc nhóm tư vấn chính trị Center for Political Technologies có trụ sở ở Moskva nói với tờ Moscow Times.

Khi niềm kiêu hãnh của người Nga với chiến thắng tăng lên, hoạt động ăn mừng cũng cần phải hoành tráng. Năm nay Nga tổ chức cuộc diễu binh lớn nhất trong lịch sử giai đoạn hậu Liên Xô. Tại cuộc phỏng vấn gần đây với hãng tin RT, Chánh văn phòng Tổng thống Nga Sergei Ivanov cho biết chính quyền đã dành ra 28,5 tỷ rúp (562 triệu USD) để tổ chức các lễ mừng ngày chiến thắng và đại đa số tiền dùng để phục vụ cựu chiến binh, như xây nhà cửa, chi phúc lợi xã hội.

Trang tin RBC ước tính rằng khoảng 7 tỷ rúp sẽ được chi vào hoạt động bắn pháo hoa, hòa nhạc, xây tượng và tổ chức các cuộc diễu binh lớn trên khắp nước Nga. Riêng cuộc diễu binh ở Moskva sẽ có nhiều vũ khí mới, gồm hệ thống tên lửa đạn đạo RS-24 Yars và xe tăng chủ lực T-14 Armata.

Theo Vladimir Gelman, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học châu Âu ở St. Petersburg, với những biến động gần đây, Nga đang có nhu cầu phô ra hình ảnh mạnh mẽ. Đó là điều mà chỉ các tuyên bố xuông thôi không thể làm được, nhưng một cuộc diễu binh thì lại hoàn toàn có thể.

Tường Linh (Theo Moscow Times)
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›