'Người mây' Trần Quốc Long

Thứ Sáu, 16/12/2022 08:22 GMT+7

Google News

Gần như bức nào của Trần Quốc Long cũng có một đám mây. "Nhân vật" mây và những người đàn bà cùng bay, cùng trôi. Một biểu tượng, một ẩn ý gì đằng sau "người mây" ấy chăng? Triển lãm cá nhân Như mây liêu xiêu trưng bày 22 bức tranh sơn mài của Trần Quốc Long diễn ra ngày 16/12/2022 tại Alpha Art station, 271/5 Nguyễn Trọng Tuyển, TP.HCM

1. Sơn là một nguyên liệu cổ truyền của người Việt. Hiện vật nhiều tuổi nhất là chiếc mái chèo sơn then (đen) trong ngôi mộ thuyền ở Việt Khê -  Hải Phòng có tuổi khoảng 2.500 năm (khai quật 1961). Hoặc dụng cụ chế tác sơn như thép (bút vẽ), bàn vặn sơn, bát đựng sơn… trong một ngôi mộ ở Thủy Nguyên - Hải Phòng có tuổi khoảng 2.000 năm (khai quật năm 1972).

Nhựa sơn từ cây sơn là nguyên liệu chính của nghề sơn. Cây sơn có ở nhiều nơi, nhưng tốt nhất là ở vùng trung du, Yên Bái, Phú Thọ. Các nước châu Á đều có cây sơn, cây sơn Việt Nam thuộc giống Rhus succedenes, chất lượng rất tốt và tốt hơn so với một số nước.

'Người mây' Trần Quốc Long - Ảnh 1.

Họa sĩ Trần Quốc Long

Các sản phẩm chế tác từ sơn thân thuộc trong đời sống của người Việt từ đồ thờ trong đình chùa như tượng thờ, hoành phi, câu đối, cửa võng, ngai thờ, cuốn thư, hộp đựng sắc phong, mõ, mâm bồng… đến đồ gia dụng như tủ, bàn, mâm, khay… Sơn có thể phủ trên nhiều chất liệu làm cốt như gỗ, đất, đá, đồng. Ở chùa Đậu (Thường Tín - Hà Nội) có hai pho tượng phủ sơn mà cốt là hai vị thiền sư sau khi tịch diệt, niên đại thế kỷ 17. Đây là một dẫn chứng về cách ứng dụng sơn rất đặc biệt của cha ông ta. Ngoài sơn mài còn có sơn mài khảm trai, sơn quang dầu…

Ở các bảo tàng lớn trên thế giới đều trưng bày tác phẩm sơn mài Việt Nam như: Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ (New York), Bảo tàng Guimet (Paris)…

'Người mây' Trần Quốc Long - Ảnh 2.

Tranh của họa sĩ Trần Quốc Long

Năm 1925, Trường Mỹ thuật Đông Dương thành lập. Các ông thầy người Pháp ngoài dạy vẽ sơn dầu còn khuyến khích sinh viên nghiên cứu chất liệu truyền thống trong đó có sơn mài, chính vì vậy nên mỹ thuật Việt Nam hiện đại có nhiều tên tuổi bậc thầy gắn với chất liệu này như Nguyễn Gia Trí (Vườn xuân Trung Nam Bắc), Nguyễn Sáng (Chùa Phổ Minh), Nguyễn Tư Nghiêm (Thánh Gióng), Kim Đồng (Lò gốm)… Như vậy là ngoài sơn mài mỹ nghệ thì Việt Nam có thêm sơn mài mỹ thuật. Đó cũng là một nét độc đáo. Các giai đoạn phát triển của mỹ thuật Việt Nam kế tiếp thế hệ bậc thầy mỹ thuật Đông Dương đều có những họa sĩ thành danh với chất liệu sơn mài như Trương Bé, Bùi Hữu Hùng, Đinh Quân, Công Kim Hoa…

"Những người đàn bà là biểu tượng của cái đẹp. Có cái đẹp nào trong cõi nhân gian này mà chẳng phù du? Nghệ thuật cũng vậy, nó đẹp vì nó phù du" – họa sĩ Lê Thiết Cương.

 2. Trần Quốc Long là một trong những họa sĩ chuyên tâm với sơn mài, tiếp nối các bậc thầy, các họa sĩ lớp trước. Sơn mài suy cho cùng cũng chỉ là chất liệu, như sơn dầu, bột màu, lụa… Mỗi nghệ sĩ phải tìm ra được một cách ứng xử với sơn mài riêng cho mình. Mỗi nghệ sĩ phải tìm ra một cách trò chuyện với sơn mài. Sơn mài là một ngôi nhà, mỗi họa sĩ phải biết cách mở cánh cổng để bước vào ngôi nhà ấy.

Sơn mài là một chất liệu truyền thống nhưng truyền thống ấy cần phải được làm mới, cần phải đưa được thẩm mỹ hiện đại vào nó. Chất liệu thì truyền thống nhưng phải kết hợp với tư duy tạo hình hiện đại. Có nghĩa là phải tạo ra một truyền-thống-mở.

'Người mây' Trần Quốc Long - Ảnh 4.

Tôi nghĩ những quan niệm này cũng là trăn trở của Trần Quốc Long. Xem tranh của anh thì thấy rõ kỹ thuật và chất liệu hoàn toàn truyền thống nhưng tư duy hội họa lại rất hiện đại. Con thuyền truyền thống chở hội họa của Long đến hiện đại. Vẫn là then, son, cánh gián, vàng bạc quỳ nhưng dưới bàn tay của Long thì nó vừa là nó mà lại là một nó khác. Long đặc biệt ưa thích bạc rây, bạc vụn, vàng thì chôn ở dưới son, then rồi mài moi, phẳng mà nhám nên không bị mỹ nghệ. Long không thích thếp, không thích tương phản, đỏ đen, son then quá mạnh. Nếu có son, là son nhì đỏ bầm. Long chủ yếu dùng bảng màu trung độ.

Sơn mài hợp với tư duy đồ họa, mảng phẳng. Long chỉ gợi hình chứ không vẽ kiểu tả kể, tỉ mẩn, vờn tỉa. Long thích đề tài những người đàn bà đứng nằm, ngồi với nhiều dáng vẻ và đặc biệt bàn tay rất biểu cảm, những bàn tay biết nói. Gần như bức nào của Long cũng có một đám mây. "Nhân vật" mây và những người đàn bà cùng bay, cùng trôi. Một biểu tượng, một ẩn ý gì đằng sau "người mây" ấy chăng? Mây trôi nước chảy là tự nhiên, là tự do. Những người đàn bà khỏa thân cũng là tự nhiên, tự do. Đám mây là phù du. Những người đàn bà là biểu tượng của cái đẹp. Có cái đẹp nào trong cõi nhân gian này mà chẳng phù du? Nghệ thuật cũng vậy, nó đẹp vì nó phù du. Nghệ thuật là tự do.

Nghệ sĩ là con người tự do, tự do đọc và hiểu thế giới theo cách của mình. Hiện thực khách quan là một. Nếu có một nghìn nghệ sĩ thì sẽ có một nghìn cách hiểu hiện thực ấy khác nhau.

Cái cách mà Trần Quốc Long gọi sơn mài, trò chuyện với sơn mài như đã phân tích ở trên cũng là cái cách mà Trần Quốc Long gọi mình, trò chuyện với mình, làm mình, định nghĩa mình, trở về với mình.

Xin chúc họa sĩ Trần Quốc Long, đám mây Trần Quốc Long tiếp tục tự do để về với mình.

Họa sĩ Trần Quốc Long, sinh năm 1981. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Đã triển lãm cá nhân: 3.600 Ngày tại Hà Nội năm 2014; triển lãm Hoa về trong đêm 2018 tại Landmark 81, TP.HCM năm 2018; triển lãm nhóm Gặp gỡ Đà Lạt 2022…

Họa sĩ Lê Thiết Cương

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›