Trong buổi "rì rầm" hôm nay, tôi muốn bắt đầu bằng câu chuyện về những người da đen là "khách" - hay cộng cư - cùng những người Đông Sơn.
1. Như đã dạo đầu từ kỳ một tuần trước, đại đa số cư dân Đông Sơn mang đặc trưng xương cốt nổi bật với dáng sọ hình trứng với các yếu tố pha trộn giữa Australoid và Mongoloid, trong đó các yếu tố Mongoloid ngày càng mạnh hơn. Tuy nhiên, đồng thời trong các khu mộ táng chung thảng hoặc vẫn xuất hiện những sọ dài mang theo dấu ấn chứa đậm đặc trưng Australoid. Để dễ hiểu, thuật ngữ khoa học hay báo chí đôi khi dùng khái niệm "chủng đen" và "chủng vàng" để phân định hiện tượng khác biệt này, trong đó "chủng đen" đại diện cho Australoid và "vàng" đại diện cho Mongoloid.
Để minh chứng cho sự tồn tại của những người da đen tóc xoăn tồn tại trong văn hóa Đông Sơn, tôi muốn nhắc đến 3 câu chuyện.
Thứ nhất, là các nhà nhân chủng Pháp đã phát hiện nhiều bằng chứng người da nâu sẫm ngả đen, tóc xoăn, thấp lùn sinh sống ở Tây Nguyên nước ta hồi đầu thế kỷ 20. Hiện tượng này đồng nghĩa với việc các nhà khoa học Anh, Úc công bố về những bộ lạc "negrito" ở các đảo Andaman, Nicobar, miền tây Malaysia, Indonesia, Philipines và New Papua…và gần đây ở cả Đài Loan (Trung Quốc).
Xương cốt của những người săn bắt hái lượm vài ba chục ngàn năm trước trong văn hóa Hòa Bình, thậm chí đến 6.000 - 4.000 năm trước trong văn hóa Đa Bút xác minh sự tồn tại phổ biến và chiếm ưu thế của những người gần gũi với "chủng đen" hơn với "chủng vàng". Điều đó cho thấy, những cư dân Negrito đã từng là chủ thể nguyên thủy của vùng Đông Nam Á, trong đó có cả Việt Nam.
Hiện tượng này trùng với kết quả nghiên cứu sinh học phân tử (genetic) hiện đại cho rằng loài người hiện đại (homo sapiens, modern humans) đã di chuyển từ Đông Phi lan tỏa toàn cầu. Về phía Đông tạo nhánh Bắc và nhánh Nam qua Ấn Độ và tây bắc Đông Dương để lan ra Đông Á và Đông Nam Á. Khí hậu nhiệt đới nắng nóng đã giúp lưu giữ di truyền Đông Phi đó, tạo nên bức tranh mới của homo sapiens Đông Nam Á.
Ở Việt Nam, từ 4.500 - 4.000 năm trước, đời sống của những người săn bắt hái lượm gần "chủng đen" đã biến đổi đáng kể với làn sóng nhập cư của những người trồng lúa, trong đó đáng kể là những người trồng lúa gốc chủng đen đã có nhiều ngàn năm hòa huyết với chủng vàng phương Bắc. Từ đó, bên cạnh sự rơi rớt của những cư dân "đen" bản địa, dân cư tăng dần lớp người hỗn chủng sọ hình trứng trong xu thế tăng dần các yếu tố Mongoloid phương bắc. Cư dân bình tuyến Phùng Nguyên, tiền Đông Sơn và Đông Sơn về cơ bản là những cư dân đã biến thành những người "chủng vàng" phương Nam. Các thuật ngữ khoa học như Indonesien, Đông Nam Á cổ là ngầm chỉ hiện tượng này.
2. Câu chuyện Mai An Tiêm chính là câu chuyện thứ hai tôi muốn kể hôm nay. Năm 2021, nhân một hội nghị khoa học do Hội Sử học Việt Nam và Mai tộc Việt Nam đồng tổ chức, tôi có điều kiện đi sâu toàn diện về hiện tượng Mai An Tiêm thời Văn Lang cũng như Mai Thúc Loan (Hắc Đế) thế kỷ VII - VIII sau Công nguyên.
Công trình nghiên cứu khoảng 20 trang đã đăng trong kỷ yếu Hội nghị. Ở đây chỉ tóm lược như sau: Truyền thuyết về Mai An Tiêm được văn tự hóa chính thức ở thế kỷ XIII - XIV trong sách Lĩnh Nam chích quái kể về việc các thuyền buôn từ các vùng xa đến, gồm cả chuyện mang theo để bán nô lệ trong thời Hùng Vương. Mai Tiêm, một trẻ nô lệ được đem bán, vua Hùng thấy khôn ngoan đã nhận làm con nuôi, đặt tên Mai Tiêm, rồi sau gả con gái để thành con rể vua. Bị kết tội, Mai Tiêm cùng vợ con bị đày ra đảo, đã phát triển ngành trồng dưa (không phải dưa hấu mà là dưa thơm) buôn bán khắp vùng… Khảo cổ học đã phát hiện hàng trăm hạt dưa thơm trong các mộ táng vùng Nam Trung Quốc và Bắc Việt Nam đương thời.
Phục nguyên âm chữ Hán thế kỷ 14 trong sách Lĩnh Nam chích quái thì khi đó "Mai" có âm Mơl, Môl… gần với từ "người" trong cách tự xưng của người Mường hiện nay - gốc Nam Á, Môn-Khmer. Chữ "Tiêm" gốc Phạn ngữ, ám chỉ màu sẫm… Điều này trùng với quan điểm cho rằng Mai Tiêm là "người lạ" đến từ phương Nam, gần gũi với những tượng người tóc xoăn bưng đèn hay lồng đốt trầm.
3. Câu chuyện thứ ba liên quan đến ba bức tượng đồng người negrito rất hiếm phát hiện tại Đông Sơn (Thanh Hóa) và Sa Thày (Kon Tum).
Pho tượng thứ nhất là một tượng nam bằng đồng cao khoảng 12cm, thể hiện một thanh niên da đen, tóc xoăn, dương vật lớn, mắt to, mỗi bên má có hai vết rạch. Đây là pho tượng do giáo sư khảo cổ học Diệp Đình Hoa trực tiếp phát hiện trong một hốc núi thuộc khu di chỉ và mộ táng nổi tiếng Đông Sơn (Thanh Hóa) khi ông đang tiến hành khai quật khảo cổ học tại đây năm 1970.
Trong bài viết báo cáo kết quả khai quật và nghiên cứu về văn hóa Đông Sơn đứng tên cùng giáo sư Chử Văn Tần, trên tạp chí Khảo cổ học năm 1977, các tác giả đã công bố ảnh chụp bức tượng này. Khi đó, tôi đang phụ trách trị sự tạp chí Khảo cổ học đã rất ấn tượng với phát hiện này. Bức tượng phát hiện ở Đông Sơn nhưng rất xa lạ với văn hóa Đông Sơn.
Năm 1984, tôi sang Đức làm nghiên cứu sinh đã mang theo bức hình tượng này hỏi mọi bảo tàng mà tôi đến thăm, nhưng không một nơi nào có hiện vật tương tự. Năm 1986 - 1987 về lại Việt Nam công tác, bất chợt có một ông già tự xưng là người làng Đông Sơn (Thanh Hóa) mang một bức tượng cao khoảng 12cm, cùng phong cách như tượng nam tôi vừa nói tới, đến Viện Khảo cổ học Việt Nam.
Đó là một tượng nữ, dễ nhận nhờ cặp vú nổi cao. Tượng có đầu tóc xoăn, mắt to, môi dày và trên mặt cũng có các vết rạch trên hai má. Ông nói đào được trong vườn nhà. Dường như tượng nữ này với tượng nam phát hiện 1970 là một cặp. Vòng tay của tượng nam ôm khít thân của tượng nữ. Cả hai trong tư thế khỏa thân.
Tôi cùng cán bộ kỹ thuật Viện Khảo cổ kịp làm một khuôn đúc tượng trước khi trả lại chủ nhân.
4. Cuộc tìm kiếm của tôi về nguồn gốc các tượng Đông Sơn đó tiếp tục trong những chuyến đi hội nghị, thăm thú trao đổi khoa học trên khắp thế giới. Cho đến một ngày mùa Thu năm 2008…
Trong chuyến đi xuyên Việt năm 2008, tôi dừng xe tại Châu Ổ (Bình Sơn, Quảng Ngãi) để thăm sưu tập vớt biển của nhà sưu tầm Lâm Dũ Xênh. Và đương nhiên, tôi đưa ảnh và bản đúc hai bức tượng lạ tóc xoăn kể trên ra để hỏi. Xênh nói chưa gặp bao giờ.
Khi chia tay, Xênh ngỏ ý muốn đi cùng. Tôi đồng ý và Xênh vào nhà lấy ba lô, bất chợt anh kêu to và chạy ra chìa tôi xem một bức tượng: "Thầy ơi thầy, có phải tượng này không?". Tôi sững người, nghẹn ngào hồi lâu rồi nói: "Không đi tiếp nữa. Cho tôi một cái bàn và một chiếc ghế để làm việc".
Trước mặt tôi là tiêu bản thứ ba của những người "lạ" và vô cùng bí ẩn với kỹ thuật đúc cao siêu thể hiện một người đàn ông, dương vật to, đầu tóc xoăn ngắn, mắt to, môi dày trên má cũng có hai vết rạch. Tượng này dài rộng hơn hai tượng kia một chút. Từ kiểu vuốt chân, tay và nhất là cách tạo "đậu" rót đồng thành các trụ hình que, có ren xoắn chứng tỏ cả ba bức tượng được thực hiện bởi cùng một nhóm thợ đúc.
Câu chuyện phát hiện tượng thứ ba này đã hấp dẫn tôi: Năm 1980, Xênh cùng 2 nam thanh niên Quảng Ngãi làm thành tổ ba người trong đoàn Thanh niên xung phong lên biên giới Sa Thày, Kon Tum. Một trong ba chàng trai tổ ba người đó được dân bản tặng cho bức tượng này, nói là nhặt được khi làm rẫy. Chàng trai đó không may bị sốt rét không qua khỏi, trước khi qua đời đã nhờ người bạn trong tổ mang ba lô về cho gia đình và tặng lại bạn đó bức tượng đồng này.
Cho đến một hôm, sau hơn chục năm, người bạn đang sở hữu bức tượng nhận ra Lâm Dũ Xênh trên truyền hình, nói về sưu tầm và bảo về di sản, đã mang bức tượng đó đến cho Xênh. Từ đó, Xênh luôn đặt trong một hộp gấm đặt trước bàn thờ để tưởng nhớ người bạn đã mất và cầu may mỗi lần đi xa. Hôm nay anh tính đi với tôi nên đã thắp hương cầu may và lật ngửa bức tượng lên, bỗng nhận ra có cái gì đó giống với hai bức tượng tôi đã hỏi. Và, chỉ có thể nói được hai chữ HỮU DUYÊN.
Tôi lúi húi chụp, vẽ và mua bộ làm khuôn răng của phòng nha khoa cạnh nhà Xênh để đổ khuôn ngay bức tượng này. Từ năm 2019, Xênh giao bức tượng này cho tôi, trở thành báu vật của Bảo tàng Phạm Huy Thông do tôi sáng lập…
"Tượng có đầu tóc xoăn, mắt to, môi dày và cũng có các vết rạch trên hai má. Ông nói đào được trong vườn nhà. Dường như tượng nữ này với tượng nam phát hiện 1970 là một cặp…" - TS Nguyễn Việt.
(Còn tiếp)
Tags