Người Đông Sơn (kỳ 17): Những tượng rời Đông Sơn dùng để gắn vào một đồ vật khác

Thứ Năm, 01/02/2024 20:04 GMT+7

Google News

Kỳ này, tôi muốn đặc tả một số trường hợp với những chứng cứ để kết luận rằng trong thời Đông Sơn, mỹ thuật thực hành chủ yếu nhằm vào mục đích ứng dụng. Tức là, chúng không phải là một tác phẩm mỹ thuật độc lập chỉ để riêng rời mà luôn để gắn vào một vật dụng khác, như vũ khí, đồ trang sức, nhạc khí, lễ khí…

1. Một trong những người gợi ra nhận xét này sớm nhất có lẽ là nhà khảo cổ học Thụy Điển Olov Janse khi ông được Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp mời sang khảo cứu di vật và khai quật một số địa điểm khảo cổ học ở Việt Nam (trong đó có các khu mộ tại địa điểm Đông Sơn, Lạch Trường, Bỉm Sơn…) vào những năm 1936 - 1937. 

Ông là một chuyên gia khảo cổ học có hạng thế giới về khảo cổ học Viễn Đông và đã có một nhận xét hết sức tinh tế về bức tượng đôi hai người thổi khèn, cõng nhau do Pajot khai quật ở Đông Sơn và chuyển giao cho Bảo tàng Luis Finot do EFEO quản lý ở Hà Nội. Phần tượng này hiện đăng ký Bảo vật quốc gia của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam.

Người Đông Sơn (kỳ 17): Những tượng rời Đông Sơn dùng để gắn vào một đồ vật khác - Ảnh 1.

Khối tượng hai người cõng nhau thổi khèn (Bảo vật Quốc gia hiện trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam): Hình bên trái mới được chụp gần đây. Hình giữa là ảnh chụp của Olop Janse và hình bên phải là bản đồ họa của Hồ Đức Long.

Đây là một khối tượng đồng kích thước nhỏ, chỉ cao chừng 9 - 10cm, thể hiện hai "kỹ nhạc công" cõng nhau. Người ngồi trên lưng nhỏ hơn, hai tay ôm bầu khèn. Người bên dưới to lớn hơn trong tư thế đứng tấn. Đoạn khố phía sau chấm đất tạo thành thế tựa có thể để đứng bức tượng như kiềng ba chân. Hai kỹ nhạc công đầu đội mũ chỏm nhọn, đặc trưng của những kỹ nhạc công gốc "rợ Hồ" đương thời.

Người đầu tiên công bố bức tượng này là tiến sĩ Goloubev, thành viên chuyên trách nghiên cứu tiền sơ sử của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO), vào năm 1929 trong một chuyên luận lớn về thời đại Đồng thau ở Bắc Việt Nam đăng trong tập san của Viện đó (BEFEO). Tuy nhiên, trong công trình chuyên khảo đó ông chưa nhận ra đó là một khối tượng dùng để gắn vào một vật khác mà cho rằng đó là một khối tượng độc lập bị gãy phần chân đế.

Người Đông Sơn (kỳ 17): Những tượng rời Đông Sơn dùng để gắn vào một đồ vật khác - Ảnh 2.

Tượng hai người ngồi trên đốc dao găm Đông Sơn được đúc rời rồi gắn vào khuôn khi đúc (sưu tập Zephia, Hà Nội)

Phải đến khi Olov Janse tham gia chỉnh lý đồ đồng Đông Sơn trong kho bảo tàng L. Finot, kết hợp với chiếc ấm đồng Đông Sơn có vòi dài (cũng do Pajot phát hiện ở Đông Sơn) có tượng người ngồi trên vòi, ông mới nảy ra ý tưởng giả thiết rằng, khối hai tượng người thổi khèn cõng nhau là phấn nắp đậy của chiếc ấm đồng. Theo Janse, đây không phải là một khối tượng rời độc lập hoàn chỉnh mà là phần gắn vào một vật khác, ví dụ đưa ra là chiếc nắp ấm. Giả thiết thú vị của Janse sau đó bị lãng quên, mãi đến hơn 30 năm sau mới được Besacier nhắc lại trong công trình nghiên cứu về mỹ thuật cổ ở Việt Nam.

Người Đông Sơn (kỳ 17): Những tượng rời Đông Sơn dùng để gắn vào một đồ vật khác - Ảnh 3.

Giả thiết của Olov Janse: Khối tượng đôi cõng nhau có thể là phần gắn vào nắp đậy của chiếc ấm Đông Sơn

Sau này, việc bắt gặp hiện tượng gắn tượng đúc sẵn vào đồ đồng (như tượng cóc vào mặt trống hay quai trống, quai thạp vào thân hiện vật) cũng như việc trực tiếp phát hiện những tượng rời có phần chân chờ để gắn vào đồ vật khác (như tượng cóc tôi khai quật được ở Gò Ghệ, Phú Thọ năm 1972) đã giúp tôi nhận ra điều mà trước đó Janse ngờ ngợ.

Người Đông Sơn (kỳ 17): Những tượng rời Đông Sơn dùng để gắn vào một đồ vật khác - Ảnh 4.

Các góc chụp tượng voi chở người với phần chân đế chờ để táp vào một đồ đồng khác, như nắp thạp hay mặt trống…

Thực tế, nghệ thuật Đông Sơn chưa đạt đến trình độ tạo tượng độc lập phục vụ thẩm mỹ, mà thẩm mỹ Đông Sơn luôn thông qua việc trang điểm cho đồ vật. Cái mà tôi thấy rất gần gũi với nguyên lý của khái niệm "mỹ thuật công nghiệp" hiện nay (applied art).

"Nghệ thuật Đông Sơn chưa đạt đến trình độ tạo tượng độc lập phục vụ thẩm mỹ, mà thẩm mỹ Đông Sơn luôn thông qua việc trang điểm cho đồ vật. Cái mà tôi thấy rất gần gũi với nguyên lý của khái niệm "mỹ thuật công nghiệp hiện nay" (applied art)" - TS Nguyễn Việt.

2. Tôi nhớ, khi xem xét kỹ phần thân thạp Đào Thịnh, nhà khảo cổ học, Trưởng phòng Sưu tầm của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam là tiến sĩ Ngô Thế Phong đã từng cảm nhận dấu vết đã gãy của các khối tượng gắn vào thân thạp này. Ở trên mặt trống đồng Đông Sơn thuộc dạng có các khối tượng cóc hay trên các khối tượng trên nắp thạp như Đào Thịnh (tượng nam nữ giao phối), Vạn Thắng (hổ cắp lợn), Hợp Minh (bồ nông)…, vết gắn táp rất dễ nhận ra khi các đường hoa văn ở đó bị cắt đứt đoạn, hoặc nhòe nhoẹt do trước khi rót đồng, phần khuôn đã rạch vẽ hoa văn hoàn chỉnh bị xẻ ra dành chỗ cho chân khối tượng táp vào. 

Người Đông Sơn (kỳ 17): Những tượng rời Đông Sơn dùng để gắn vào một đồ vật khác - Ảnh 5.

Hình trái : Tượng đôi nam nữ giao phối đúc rời rồi táp vào khi rót đồng đúc chiếc nắp thạp Đào Thịnh. Hình phải: Phần thân một tượng đôi Đông Sơn áp lưng vào nhau có lẽ cũng dùng để gắn vào một vật nào đó (sưu tập CK, California, Mỹ)

Hiện tượng này cũng thường thấy ở vị trí các quai thạp hay quai trống. Những chiếc quai đó cũng được đúc riêng trước đó và gắn vào khi rót đồng tạo thân trống hay thạp.

Người Đông Sơn (kỳ 17): Những tượng rời Đông Sơn dùng để gắn vào một đồ vật khác - Ảnh 7.

Tượng đôi nam nữ ngồi phát hiện ở Yên Bái, còn nguyên phần đế chờ để táp vào dể trang trí cho một đồ đồng nào đó. Hiện vật Bảo tàng Yên Bái

Chi tiết kỹ thuật này sau khi được thống kê đã tạo cho chúng tôi một nhận thức quan trọng về tư duy thẩm mỹ của cư dân thời Đông Sơn. Đó là: không có một nền mỹ thuật (fine art) độc lập trong văn hóa Đông Sơn. Tình trạng này có vẻ kéo khá dài trong lịch sử Việt Nam, đến tận thời Cổ Trung đại. Dựa vào đặc điểm này chúng ta có thể dễ dàng nhận ra những khối tượng giả Đông Sơn khi chức năng "ứng dụng" không rõ ràng, thiếu logic.

Như vậy, việc người Đông Sơn tạo hình khối 3D sẽ có một phần khá thường xuyên và phổ biến, đa số bằng kỹ thuật tượng sáp khuôn phá, để tạo ra các phần tượng trang trí nhằm gắn vào các đồ vật khác, gồm cả đồ bằng đồng lẫn gỗ, vải, da… Tôi cũng đã từng chỉ ra sự nhầm lẫn về những chiếc "khánh đeo" Đông Sơn trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam. Đó không phải một tác phẩm trang sức đồng độc lập mà chỉ là phần "phụ kiện" được đúc ra để chờ gắn vào các thân chậu, nồi đồng đương thời.

Người Đông Sơn "vẽ" và "nặn"

Tôi vẫn kiên trì bám theo đề cương của đề tài nghiên cứu dài hạn dành cho "Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất" của báo Thể thao và Văn hóa. Để tiện theo dõi, xin được nhắc lại: Riêng bố cục trong phần "Người Đông Sơn vẽ, nặn về người Đông Sơn" đã diễn ra từ gần năm tháng qua.

Với người Đông Sơn "vẽ", tôi muốn khảo sát chi tiết từ những hình dương bản 2D thể hiện trên các bề mặt phẳng của đồ đồng Đông Sơn để lần ra âm bản, là các tác phẩm vẽ rạch của các nghệ nhân Đông Sơn trong mặt của khuôn đúc. Những "bản vẽ" này, thông qua kỹ thuật đúc đồng, đã để lại cho chúng ta những thông điệp chân xác, gần gũi về tư duy, tâm linh và tài nghệ của tổ tiên ta thời văn hóa Đông Sơn.

Bên cạnh hàng ngàn tiêu bản "vẽ" 2D, chúng ta đã và đang tiếp tục đi sâu tìm hiểu nghệ thuật "nặn", tức tạo ra các tác phẩm tượng khối 3D Đông Sơn bằng các khuôn bọc tượng sáp ong hay các vật liệu gỗ, tre nứa tạo khuôn phá đúc một lần.

Chiếm số lượng lớn và tiêu biểu nhất thời Đông Sơn là các tượng khối trên phần cán một số dao găm đồng của quý tộc, thầy cúng, thủ lĩnh Đông Sơn. Từ việc dừng ở nghệ thuật tạo hình tập thể (quần tượng) trên đốc cán dao găm, tôi dẫn dắt độc giả đến những khối tượng tập thể mô tả các dàn nhạc Đông Sơn vừa ra mắt trong tuần trước.

(Còn tiếp)

TS Nguyễn Việt

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›