- Người Đông Sơn vẽ, nặn về người Đông Sơn (kỳ 14): 'Voi chở người' - hình tượng ưa thích trên cán dao Đông Sơn
- Người Đông Sơn vẽ, nặn về người Đông Sơn (kỳ 13): Tấm lòng người thợ cả Đông Sơn dành cho những nữ thủ lĩnh
- Người Đông Sơn vẽ, nặn về người Đông Sơn (kỳ 12): Một kiểu cán dao găm đàn ông Đông Sơn xuất hiện nhiều nhất
Đời sống xã hội cổ truyền Đông Sơn khá phong phú và đa dạng nên luôn đặt ra những đòi hỏi mới với tay nghề và cách xử lý của các thợ đúc đồng xưa. Hôm nay, tôi sẽ nói về những xử lý đối với tượng đông người trên cán dao găm Đông Sơn.
1. Thợ cả Đông Sơn không chỉ biết thể hiện đám đông trên mặt phẳng hai chiều, như đã có lúc thể hiện tới gần hai chục người Đông Sơn với nhiều tư thế khác nhau trong một băng lễ hội trên mặt trống. Họ còn có khả năng thể hiện tượng khối một đám đông người.
Khối tượng Đông Sơn đông người nhất tôi đếm được là 9 người. Đó là một dàn nhạc công phát hiện trên đầu một quý tộc Đông Sơn, nằm trong một chiếc trống đồng nằm nghiêng ở Làng Vực, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa - mà tôi sẽ dành một buổi khác để nói chi tiết. Tuy còn thua xa so với cảnh gần trăm người đón dự lễ khải hoàn trên một nắp thùng dạng trống của người Điền cùng thời ở Vân Nam (Trung Quốc), nhưng khối tượng này vẫn toát lên tài năng thợ đúc đồng Đông Sơn khi thực hiện những đặt hàng của các thủ lĩnh đương thời.
Còn điều tôi muốn "rì rầm" với các bạn tuần này lại nằm ở khả năng tạo các tượng nhỏ, đẹp trên một diện tích khá hẹp như đốc cán một chiếc dao găm. Các tượng đông người trên cán dao chỉ thể hiện ở phần đốc của hai loại dao găm có phần lưỡi và chắn tay sừng trâu cùng kiểu với loại tượng cán dao mà tôi kể trong các bài trước đó: dao găm cán củ hành và dao găm cán chữ T.
"Lần đầu, dao găm loại này xuất hiện trong cuốn sách của nhóm tác giả Bảo tàng Hoàng gia Mariemont (Bỉ) từ hơn 20 năm trước, cùng với dao găm tượng thủ lĩnh nam hông đeo dao găm, lưng treo đầu lâu kẻ địch"- TS Nguyễn Việt.
2. Để không làm độc giả ngạc nhiên, tôi bắt đầu với cán dao với hai người "vắt vẻo" quay lưng vào nhau trên đốc cán dao củ hành. Hai tay mỗi người ôm hai con chim.
Lần đầu, dao găm loại này xuất hiện trong cuốn sách của nhóm tác giả Bảo tàng Hoàng gia Mariemont (Bỉ) từ hơn 20 năm trước cùng với dao găm tượng thủ lĩnh nam hông đeo dao găm, lưng treo đầu lâu kẻ địch. Trước đó, dao găm này thuộc về một gallery ở Geneva, bộ sưu tập Pham Collection. Hiện nay, các bạn có thể chiêm ngưỡng nó tại Bảo tàng Hoàng gia Mariemont. Sau này, tôi cũng thấy một chiếc cùng phong cách xuất hiện trên mạng xã hội của một nhà sưu tầm Việt Nam nào đó.
Cho đến hiện nay, ý đồ của người đặt hàng lẫn thợ cả sáng tạo tượng này vẫn chưa rõ khi thể hiện hai nam thanh niên đầu quấn khăn rất đặc trưng Đông Sơn, ngồi thõng chân, lưng tựa nhau, hai tay mỗi nguời ôm hai con chim cổ cao mỏ ngắn. Phải chăng, đó là sự tôn vinh thần chim bắt cá - một tư duy tâm linh bắt nguồn từ việc dùng chim cốc bắt cá nuôi người ở vùng cổ Thục, trung lưu Trường Giang?
Loại dao đốc củ hành có phần cuối rất hẹp, thường là một lỗ tròn, diện tích không quá vài ba centimet. Để thu xếp hai người cộng thêm bốn chim nữa quả không phải là việc đơn giản. Kỹ thuật tạo khuôn sáp ong đã giúp nghệ nhân Đông Sơn thỏa mãn mong muốn của khách đặt hàng. Dao găm này khá lớn, dài tổng thể cả phần cán tượng tới 38cm.
Một con dao găm khác nhỏ hơn, thuộc một sưu tập ở Hà Nội mà tôi đã được phép nghiên cứu và chụp hình, chỉ dài toàn bộ 23cm, thuộc loại dao găm cán chữ T. Trên phần đốc chữ T hình thấu kính đó là hai người đàn ông Đông Sơn ngồi xổm, tay ôm gối cùng nhìn về một phía.
Tượng hai người khá nhỏ, chỉ cao 1,2cm, rộng 1 cm, nặn sáp rất tinh tế, tương tự nhóm 5 người ôm lưng nhau ngồi trên một chiếc khánh đồng shaman mà tôi đã có dịp giới thiệu cũng trên báo Thể thao và Văn hóa. Trên kiểu cán chữ T này, việc có diện tích rộng hơn đã tạo điều kiện cho thợ cả Đông Sơn triển khai những cảnh đông người hơn.
3. Dưới đây xin giới thiệu hai cụm tượng mà tôi đã trực tiếp nghiên cứu và ghi hình.
Chiếc thứ nhất thuộc sưu tập CQK (California, Mỹ). Trong cuốn catalogue mà chủ nhân đứng tên tác giả của Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á xuất bản (Nhà xuất bản Thế giới, 2018) các bạn có thể thấy hình con dao găm này ở trang 191. Nghệ nhân Đông Sơn đã dùng viền đốc hình thấu kính làm chỗ ngồi của 6 người Đông Sơn trong tư thế người này quàng vai so le với hai người bên cạnh, chân dang ra hai bên, tạo nên một đồ án trang trí hết sức độc đáo, sáng tạo và hiện đại.
Chúng tôi đã phải mất khá nhiều thời gian và thiết bị để đảm bảo đây đích thực là sang tạo của nghệ nhân Đông Sơn. Đó quả là một hình tượng đẹp như muốn thể hiện cuộc nhảy múa đông người xung quanh một đống lửa.
Kiểu đan tay so le này vốn là rất điển hình của Đông Sơn. Tôi bắt gặp và chú ý lần đầu tiên năm 2001, khi tiếp xúc với một cặp tượng đôi ôm lưng nhau. Tay phải người này luôn đặt trên tay trái của người kia. Dãy người trên chiếc khánh nhạc shaman Đông Sơn cũng vậy. Còn ở đây, dù chiều dài toàn thể con dao là 32cm, nhưng phần dãy tượng người chỉ cao 1,5cm vẫn đủ cho nghệ nhân tuân thủ nguyên tắc lồng tay so le đó: Tay phải mỗi người luôn đặt trên vai, lồng bên dưới là tay trái người kế bên phải mình.
Một dao găm khác thú vị hơn, được chủ nhân một cửa hàng ở đường Lê Công Kiều (TP.HCM) giới thiệu vào năm 2014. Dao này to lớn hơn, dài tới 42cm, lưỡi hình lá tre có trang trí hoa văn hình học khá đẹp. Phần đốc chữ T khá lớn, đủ để tạo ra cả một tiểu cảnh đếm được 4 người đứng bao quanh, ở giữa đặt một trống da nằm ngang và một người dắt chó. Đáng tiếc, khi tôi tiếp xúc thì phần tiểu cảnh chưa được tẩy gỉ kỹ càng nên chưa rõ nội dung, ý tưởng thể hiện của thợ xưa. Nhưng có thể khẳng định: Đây là một dao găm có khối tượng phức hợp đẹp nhất trong loại này.
Con dao găm với 2 chú voi... gắn keo
Gần đây, tôi được chủ nhân một sưu tập ở Hòa Bình mang đến yêu cầu giúp giám định một dao găm cán hình chữ T như vậy, phía đốc hình chữ T là hình hai con voi rất sinh động. Vốn dĩ, tôi đã nhận ra trước đó: Nhiều dao găm được thợ buôn gắn thêm tượng vào phần đốc tay cầm này để tăng giá trị thương mại. Đáng tiếc, hai con voi này cũng vậy. Chủ nhân ngồi chứng kiến tôi bóc từng lớp keo phủ để lộ ra phần gắn chắp tinh vi, điệu nghệ bên trong.
Cuộc đời luôn luôn là vậy. Có những tài năng Đông Sơn thực sự đã để lại cho hậu thế những cổ vật đầy sự ngưỡng mộ, tự hào. Nhưng gắn với cổ vật Đông Sơn, cũng không tránh khỏi có những sự giả mạo vô nhân đạo, đôi khi làm biến đổi, sai lệch cả nhận thức lịch sử dân tộc.
(Còn tiếp)
Tags