(Thethaovanhoa.vn) - Lâu nay, chúng ta thường hay nói nhiều về vấn đề làm sao để ngư dân vươn khơi, bám biển, vừa phát triển kinh tế đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo tổ quốc. Chính phủ cũng đã ban hành những nghị định nhằm hỗ trợ ngư dân trong đó có Nghị định 67 (7/7/2014) với nhiều chính sách phát triển thủy sản.
Hơn 1.500 tàu vỏ thép được đóng mới
Sau 3 năm triển khai, Nghị định 67 đã có nhiều kết quả tích cực như: đóng mới hơn 1.500 tàu (trong đó có 768 tàu vỏ thép và vật liệu mới, 742 tàu vỏ gỗ); phê duyệt danh sách vay vốn đóng mới, nâng cấp cho 1.948/2.284 con tàu; tổng số tiền cam kết cho vay đóng mới tàu cá lên đến 9.931 tỷ đồng và đã giải ngân cho vay được 9.012 tỷ đồng,…
Đến 31/7/2017, đã có 761 tàu cá đóng mới đi vào hoạt động, trong đó có 301 tàu vỏ thép, 53 tàu composite, 407 tàu vỏ gỗ đóng mới và 105 tàu cá nâng cấp.
Nghị định 67 đã hiện thực hóa ước mơ của những người ngư dân mong muốn được đưa những con tàu hiện đại công suất lớn vươn khơi bám biển, khai thác nguồn lợi thủy sản dồi dào, góp phần quan trọng trong việc phát triển ngành thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đồng thời đóng góp tích cực vào bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển.
Những chuyện dở khóc dở cười
Song, đằng sau những con tàu 67 vươn khơi còn có những bất cập chưa được tháo gỡ về bảo hiểm, bảo hành tàu, chính sách vay vốn, đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết kế thi công, giám sát đóng mới tàu… khiến nhiều ngư dân gặp khó khăn.
Nhằm thảo luận, tiếp thu ý kiến và nguyện vọng của các địa phương cũng như các ngư dân để tháo gỡ khó khăn, sáng 29/8 tại Đà Nẵng, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND TP Đà Nẵng, Báo Nông thôn Ngày nay tổ chức Hội thảo “Sửa đổi Nghị định 67 – Những vấn đề cần đặt ra”.
Hội thảo không chỉ có sự tham gia của các lãnh đạo Bộ, ngành, Trung ương, lãnh đạo một số địa phương ven biển, các ngân hàng, công ty đóng tàu… mà còn có sự tham gia của nhiều ngư dân đến từ một số địa phương Quảng Ngãi, Bình Định, địa phương chịu hậu quả nặng nề từ việc đóng tàu mới.
Hẳn dư luận vẫn còn bức xúc khi 40 con tàu được đóng mới hoàn toàn theo Nghị định 67 lại bị hư hỏng nặng, máy móc rỉ sét ngay từ những chuyến đi biển đầu tiên. Trong đó, ngư dân Bình Định có 19/20 chiếc tàu vỏ thép sau 1,2 lần ra khơi cũng hỏng hóc nghiêm trọng, dẫn tới phải nằm bờ hàng tháng, không việc làm nhưng tiền lãi ngân hàng của những con tàu vẫn cứ nhân lên mỗi ngày khiến nhiều ngư dân rơi vào cảnh khó khăn, nợ nần.
Tại Hội thảo, ngư dân Đinh Công Khánh bức xúc yêu cầu doanh nghiệp phải sữa chữa, bồi thường thiệt hại gây ra cho ngư dân Bình Định.
Anh Khánh cho biết, nhận thấy Nghị định 67 là quá thiết thực hỗ trợ ngư dân bám biển nên anh đã làm thủ tục vay ngân hàng 18,7 tỷ đồng và chọn công ty đóng tàu TNHH MTV Nam Triệu để đóng tàu vỏ thép.
Chuyến đi biển đầu tiên vào ngày 20/9/2016, anh Khánh đưa tàu ra Trường Sa để khai thác thì xảy ra sự cố, hầm đá bị ứ nước và toàn bộ đá bị tan không thể giữ lạnh cho cá. Chuyển đi biển kéo dài nửa tháng thu hoạch được 2 tấn cá, khi đưa xuống hầm đá thì toàn bộ đá đã tan thành nước. Cá đánh được đều bị hỏng, bán ra được 30 triệu và lỗ 280 triệu đồng.
Ngay sau chuyến đánh cá, Công ty Nam Triệu đã cho người vào sữa chữa trong vòng 1 tháng. Ngày 16/3/2017, anh Khánh cho tàu ra khơi lần thứ 2 nhưng mới đi được 10 hải lý thì hỏng máy và nằm bờ cho đến bây giờ. Công ty Nam Triệu hứa với ngư dân 30/8 giao tàu nhưng đến giờ tàu vẫn chưa được sữa chữa.
“Để "chữa bệnh" cho tàu, tôi phải bán con tàu vỏ gỗ với giá 1,5 tỷ đồng nhưng không "xi nhê" gì, tôi cũng bán luôn chiếc tàu thu mua hải sản gần 1 tỷ đồng, giờ coi như trắng tay. Tàu nằm bờ gần nửa năm, tôi lấy tiền đâu ra mà trả nợ. Ngày 25/8, tiền nợ quá hạn ngân hàng đã hơn 1 tỷ đồng. Đến lúc này, tổng thiệt hại đã lên đến hơn 1,3 tỷ đồng”, anh Khánh nói mà rưng rưng nước mắt.
Cùng cảnh ngộ trên, ngư dân Lê Văn Thãi cũng là 1 trong số 19 chủ tàu có tàu 67 hư hỏng nặng. Anh Thãi cho biết: “Bây giờ chúng tôi yêu cầu Tổng giám đốc Công ty Nam Triệu vào làm việc với ngư dân. Sự việc rất lớn nhưng lại cử anh Giám đốc xí nghiệp vào làm việc, họp đến 20 cuộc vẫn chưa ra vấn đề, anh hứa trình bày với cấp trên của Công ty nhưng chưa thực hiện thì đến nay đã biệt tăm tung tích.
Đáng nói hơn, chúng tôi sử dụng bản vẽ nằm trong số 21 bản vẽ của Bộ NNPT-NT nhưng Công ty lại cho rằng chúng tôi sử dụng bản vẽ của Bình Minh rồi ngang nhiên thu tiền 323 triệu/1 bản vẽ thiết kế, trong khi đó một bản vẽ thông thường giá cũng khoảng 100 triệu, đây là đang vi phạm pháp luật”.
Tại Hội thảo, các ngư dân cũng đã yêu cầu Bộ NNPT-NT và các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc điều tra, xử lý mạnh tay hành vi gian dối với ngư dân; yêu cầu Công ty Nam Triệu cung cấp đầy đủ giấy tờ xuất xứ của 2 máy phát điện, đối chiếu bản vẽ thiết kế đồng thời triệu tập lãnh đạo Công ty Nam Triệu vào Bình Định để giải quyết và đề bù thiệt hại cho ngư dân.
Tuy nhiên, BTC Hội thảo cho biết, BTC đã gửi thư mời tận tay nhưng đại diện Công ty Nam Triệu lại không tham dự.
Với ngư dân, được đóng tàu lớn ra khơi là niềm vui, niềm hi vọng mới. Nghị định 67 được triển khai đã tiếp thêm bao nhiêu động lực cho người ngư dân, chở bao nhiêu ước mơ, hi vọng là phương tiện giúp ngư dân thoát nghèo thì nay những con tàu lại khiến ngư dân rơi vào cảnh dở khóc dở cười khi để lại những số nợ khủng lên hàng tỷ đồng. Đã đến lúc, cơ quan chức năng cần đứng ra để bảo vệ ngư dân, giúp ngư dân khắc phục hậu quả và sớm ra khơi, bám biển trở lại!
Hoàng Yến
Tags