(Thethaovanhoa.vn) - Không phải ngẫu nhiên mà bản quyền giải Ngoại hạng Anh lại trở thành món hàng đắt đỏ và liên tục tăng giá phi mã, bởi BTC giải Ngoại hạng Anh có quá nhiều chiêu trò để buộc người mua phải tuân theo luật chơi do họ đưa ra, trong đó có việc “không muốn cân nhắc hoặc chấp nhận bất kỳ hoạt động đấu thầu chung nào”, hay bỏ ngỏ giá sàn để các bên tham gia đấu giá phải ra sức vung tiền.
- Bộ Thông tin & Truyền thông chỉ đạo mua bản quyền giải Ngoại hạng Anh
- Bản quyền truyền hình Premier League: Sang năm, châu Á phải trả tiền gấp đôi
- Truyền hình Cáp Việt Nam chính thức có bản quyền UEFA Champions League
- VTVcab nhiều khả năng sẽ có một phần bản quyền UEFA Champions League
Không phân biệt loại hình khách hàng
Từ tháng 10 năm nay, BTC giải Ngoại hạng Anh đã gửi hồ sơ mời thầu tới cho các nước nằm ở khu vực châu Á và châu Đại đương. Nội dung thư mời thầu (ITT) nêu rõ việc mời “các bên quan tâm tham gia đấu thầu giành quyền phát sóng trực tiếp hình ảnh, âm thanh về giải Ngoại hạng Anh trên 8 vùng phát sóng riêng biệt” ở châu Á và châu Đại dương.
Cụ thể các vùng phát sóng 1, 2, 4, 5, 6 và 7 tương ứng với từng quốc gia riêng biệt ở châu Á, trong đó Việt Nam là vùng 7. Vùng 3 gồm quần đảo Thái Bình Dương và vùng 8 gồm toàn bộ 7 vùng trên. Một nhà thầu có thể lựa chọn việc đấu thầu quyền phát sóng trên một vùng phát sóng đơn lẻ hoặc nhiều hơn. Tuy nhiên, bất kỳ nhà thầu nào chọn vùng phát sóng 8 sẽ phải tham gia đấu thầu riêng biệt trên từng vùng phát sóng, từ 1 tới 7.
Mỗi vùng phát sóng chỉ có 1 gói phát sóng trực tiếp để khai thác. Gói phát sóng này gồm quyền truyền hình trực tiếp, trên một kênh nhất định, toàn bộ 380 trận đấu giữa các CLB trong giải Ngoại hạng Anh vào mỗi mùa; quyền phát sóng riêng biệt các trận đấu; quyền phát chậm, phát lại một trận đấu (phát đầy đủ hoặc dưới phiên bản đã biên tập, chứa không ít hơn 30 phút về trận đấu) và quyền phát sóng các trận đấu theo yêu cầu; quyền phát sóng các chương trình được cho phép, gồm chương trình nêu bật các điểm đáng chú ý của một trận đấu, hay nhận định trước trận do BTC giải Ngoại hạng Anh sản xuất.
Các gói khác được nêu ra trong ITT còn có gói đoạn video ngắn, trong đó nhà thầu được quyền phát sóng cả âm thanh và hình ảnh các đoạn video với nội dung trích từ các trận đấu trong giải Ngoại hạng Anh, lên Internet; gói sử dụng video về các trận đấu của một CLB trong giải Ngoại hạng Anh...
BTC giải Ngoại hạng Anh hoan nghênh tất cả các nhà thầu tham gia, không phân biệt họ sẽ phát sóng bằng nền tảng nào. Bên mời thầu cũng sẵn sàng cân nhắc các đề nghị thầu từ những công ty quản lý bản quyền hoặc các trung gian khác, muốn bán lại toàn bộ hoặc một phần gói bản quyền phát sóng trực tiếp cho các vùng phát sóng.
Chỉ nhận đấu thầu qua e-mail
Tuy nhiên, BTC giải Ngoại hạng Anh không muốn cân nhắc hoặc chấp nhận bất kỳ hoạt động đấu thầu chung nào, do 2 hoặc nhiều hơn nhà thầu bắt tay thực hiện.
Để được xem xét, mỗi nhà thầu phải thực hiện một đề nghị đấu thầu độc lập cho gói phát sóng trực tiếp tại vùng lãnh thổ cụ thể và phải điền đầy đủ thông tin theo như yêu cầu của bên mời thầu. Việc không đáp ứng đúng yêu cầu của bên mời thầu sẽ khiến nhà thầu bị đánh giá không hợp lệ và đề nghị chào thầu không được xem xét.
Các nhà thầu có lịch sử giao dịch hoàn hảo với giải Ngoại hạng Anh sẽ không phải chịu mức độ kiểm tra an ninh tài chính cao như những nhà thầu mới tham gia, vốn chưa có thành tích gì.
Thời gian nhận đề nghị chào thầu rất ngắn, chỉ từ 8h sáng (giờ Anh) ngày 3/11/2015 tới 10h sáng ngày 3/11 là đã kết thúc. Ngoài ra, các đề nghị chào thầu phải gửi tới bằng thư điện tử. Các đề nghị gửi bằng fax và người đưa tin đều không được chấp nhận.
Quy trình đấu thầu diễn ra như sau: sau khi nhận được đề nghị chào thầu tại vòng mở màn do các nhà thầu gửi tới, bên mở thầu sẽ xem xét từng đề nghị. Tại vòng này, bên mở thầu đã có thể chọn ra những người thắng thầu. Nhưng nếu vòng này kết thúc mà vẫn chưa tìm được bên trúng thầu hoạt động phát sóng tại một vùng, việc đấu thầu sẽ tiếp tục diễn ra.
Trước các vòng đấu thầu tiếp theo, mọi nhà thầu sẽ được thông báo bằng văn bản về tiến trình đăng ký tham gia đấu thầu vòng kế tiếp. Số tiền chào thầu mà nhà thầu đăng ký từ vòng trước sẽ được tự động đưa vào vòng trong và chỉ thay đổi nếu nhà thầu tăng số tiền lên.
Được biết phần quan trọng nhất luôn nằm ở trang 17 của đề nghị chào thầu, trong đó nhà thầu phải nêu số tiền sẵn sàng chi trả để có bản quyền phát sóng giải Ngoại hạng Anh mùa giải 2016/2017-2019/2020.
Do quy tắc đấu thầu là đơn vị nào đưa ra mức giá cao nhất sẽ thắng nên hiện tại, con số chính xác về mức giá mà các đơn vị trong và ngoài nước đưa ra vẫn là bí mật chưa được hé lộ.
900.000 USD VTV mua bản quyền giải Ngoại hạng Anh 2 mùa 2002/2003 và 2003/2004 từ ESPN STAR SPORTS với giá 900.000 USD. 13 MP&Silva mua được bản quyền giải Ngoại hạng Anh trong 3 mùa giải (từ 2010 đến 2013) với giá khoảng 11-13 triệu USD rồi bán lại cho K+ (độc quyền ngày Chủ nhật) với giá gần 9 triệu USD, HTV Hà Nội và HTV TP.HCM với giá 2,5 triệu USD, VTC với giá 1,5 triệu USD, SCTV và VCTV với giá xấp xỉ 4 triệu USD và các nhà cung cấp IPTV với giá từ 600.000 tới 1 triệu USD 40 IMG Media mua được bản quyền giải Ngoại hạng Anh trong 3 mùa giải (2013-2016) với giá khoảng gần 35 triệu USD và bán lại cho K+ với giá 33,5 triệu USD (độc quyền ngày Chủ nhật), VTVcab với giá gần 2 triệu USD, SCTV với giá khoảng 2,1 triệu USD, HTV Hà Nội và HTV TP.HCM khoảng 3 triệu USD, VTC với giá 200.000 USD cho 2 mùa (từ 2014 tới 2016) cùng hàng triệu USD khác cho các nhà cung cấp IPTV. |
Gia Bảo (lược dịch)
Thể thao & Văn hóa
Tags