'Ngọa hổ, tàng long' - 20 năm vẫn chưa có... đối thủ

Thứ Ba, 15/12/2020 06:10 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Cách đây tròn 20 năm, đạo diễn Lý An (Đài Loan, Trung Quốc) đã tung ra kiệt tác võ thuật Ngọa hổ, tàng long (Crouching Tiger, Hidden Dragon) làm “lóa mắt” cả giới phê bình điện ảnh lẫn công chúng trên toàn thế giới.

Dương Tử Quỳnh vui vì... Chương Tử Di không đóng ‘Ngọa hổ tàng long 2’

Dương Tử Quỳnh vui vì... Chương Tử Di không đóng ‘Ngọa hổ tàng long 2’

Nữ diễn viên kỳ cựu đùa rằng, cô tự hào khi Châu Nhuận Phát và Chương Tử Di - các ngôi sao của “Ngọa hổ tàng long” phần 1 không đóng phần 2 nên mình cô làm “bá chủ” phần 2.

Nhân dịp 20 năm Ngọa hổ, tàng long được tung ra thị trường, kiệt tác võ thuật này đang được tái phát hành với phiên bản 4K UHD Blu-ray có giới hạn. Có thể khẳng định rằng, cho đến nay đây vẫn là một bộ phim “không giống bất kỳ tác phẩm nào khác”.

Phim khó nhất trong đời

Phim được công chiếu lần đầu tại LHP Cannes vào ngày 18/5/2000 và được chiếu tại Mỹ vào ngày 8/12 cùng năm. Ngọa hổ, tàng long gặt hái thành công vượt bậc về mặt phê bình và thương mại, đã giành được hơn 40 giải thưởng và được đề cử 10 giải Oscar năm 2001 - dấu ấn sau đó đã được các phim Roma và Parasite (Ký sinh trùng) theo kịp - và cuối cùng là đã “rinh” 4 giải Oscar, gồm Phim tiếng nước ngoài hay nhất, Chỉ đạo nghệ thuật hay nhất, Nhạc nền xuất sắc nhất và Quay phim xuất sắc nhất.

Phim cũng giành được 4 giải BAFTA và 2 giải Quả cầu vàng, trong đó có giải Phim tiếng nước ngoài hay nhất. Cùng với thành công về giải thưởng, Ngọa hổ tàng long tiếp tục được ca ngợi là một trong những bộ phim vĩ đại và có ảnh hưởng nhất. Bộ phim đã được khen ngợi về câu chuyện, ý tưởng dàn dựng, kỹ thuật quay phim và các pha võ thuật.

Chú thích ảnh
Đạo diễn Lý An

Ngọa hổ, tàng long là dự án hợp tác quốc tế, được quay ở Trung Quốc và quay bằng tiếng Quan thoại song đây vẫn bộ phim không nói tiếng Anh thành công nhất từ trước đến nay ở Mỹ. Chỉ tốn 17 triệu USD dàn dựng nhưng phim đã “bỏ két” được 128,1 triệu USD ở thị trường Bắc Mỹ và 213, 5 triệu USD từ phòng vé khắp toàn cầu.

Thêm nữa, Ngọa hổ, tàng long đã cho khán giả Mỹ chính thống biết được không chỉ một thể loại phim mới được biết đến chủ yếu ở châu Á - truyền thống võ thuật - mà còn cả những bộ phim sử dụng phụ đề.

Vậy bản thân đạo diễn Lý An có nghĩ Ngọa hổ, tàng long là “gạch lát đường” cho chiến thắng của Parasite - là phim không lồng tiếng Anh đầu tiên đoạt giải Oscar Phim hay nhất hồi tháng 2 hay không?

“Đúng vậy” - Lý An cười - “Tôi không nói Parasite đoạt chiến thắng là nhờ có phim của tôi. Nhưng khi mọi người mở đường cho tôi, tôi mở đường cho bộ phim đó. Và Parasite mở đường cho các nhà làm phim và người xem trong tương lai”.

Chú thích ảnh
Cảnh trong phim “Ngọa hổ, tàng long”

Ngọa hổ, tàng long là sự kết hợp giữa Đông và Tây, của lịch sử điện ảnh châu Á và Hollywood, của phim hành động và nghệ thuật. Lý An và nhà văn kiêm nhà sản xuất James Schamus - “cặp bài trùng” từng cùng chuyển thể tiểu thuyết của Jane Austen vào năm 1995 - gọi đây là “sense and sensibility” (lý trí và tình cảm) với võ thuật. Hơn 5 tháng chuẩn bị và 5 tháng quay trên khắp Trung Quốc, đạo diễn Lý An đã rất đau đầu để tìm ra cách tạo nên sự cân bằng một cách tinh tế trong Ngọa hổ, tàng long.

“Vượt qua nửa chặng đường khó khăn, tôi nhớ mình đã nghĩ đây là một bộ phim hạng B” - Lý An nói - “Tôi không có kinh nghiệm về võ thuật. Đó là một kỹ năng và cảm nhận điện ảnh rất đặc biệt mà tôi học được từ đoàn làm phim Hong Kong - đạo diễn võ thuật Viên Hòa Bình và nhà quay phim Bào Đức Hi (Peter Pau). Tôi đã học rất nhiều về cách làm phim. Không chỉ về hành động, mà về bản chất của nghệ thuật”.

“Sự nghiệp của tôi cũng là một phim trường”

Sau khi giành vinh quang với Ngọa hổ, tàng long, với đạo diễn Lý An mỗi dự án điện ảnh mới đều khiến ông “hao tâm tổn sức” song ông tiếp tục gặt hái thành công với các bộ phim Brokeback Mountain (Núi Yên ngựa - 2005) và Life Of Pi (Cuộc đời của Pi - 2012 ).

Chú thích ảnh
Chương Tử Di trong nhân vật Ngọc Kiều Long

“Đôi khi có cảm giác như mỗi bộ phim là một cuộc đời” - Lý An chia sẻ. Song ông vẫn coi Ngọa hổ, tàng long là bộ phim khó làm nhất của mình. Không chỉ vì những thử thách về mặt kỹ thuật mà vì áp lực mà ông đã tự đặt ra cho bản thân nhằm thể hiện được những hoài bão thời tuổi trẻ.

“Đây là bộ phim khó khăn nhất và quá trình làm phim cũng là phần khó khăn nhất trong cuộc đời tôi. Thông thường trong các bộ phim võ thuật, bạn chỉ tập trung vào các cảnh đánh nhau. Tôi vẫn muốn có những cảnh chiến đấu hay song tôi cũng cũng muốn phim có tính nghệ thuật cao, là cách nhìn vào lịch sử và diễn xuất phải để lại ấn tượng. Tôi đã quá tham lam. Nhưng đây là mơ ước từ thơ ấu của tôi. Tôi nói đùa rằng phim là sự kết hợp chặt chẽ của một mơ ước thời thơ ấu và cuộc khủng hoảng tuổi trung niên” - Lý An chia sẻ và cho biết thành công vang dội của Ngọa hổ, tàng long khiến ông có cảm giác kỳ thú như trẻ thơ.

Chú thích ảnh
Cảnh đấu giữa Ngọc Kiều Long và Du Tú Liên (Dương Tử Quỳnh)

Trong những năm gần đây, Lý An tiếp tục “dùi mài” để không bị tụt hậu trong kỷ nguyên kỹ thuật số, để theo đuổi một loại hình điện ảnh mới - “điều mà tôi chưa tìm thấy”, ông cười nói thêm - bao gồm quay tốc độ khung hình cao, làm phim 3D và những cải tiến khác mà ông tin là tương lai của điện ảnh. Mặc dù một số kết quả thu được khá khả quan, nhưng bước tiến của ông sang lĩnh vực kỹ thuật số, gồm phim Billy Lynn’s Long Halftime Walk (2016) và Gemini Man (2019) lại không được đón nhận nhiệt tình. Tuy vậy, Lý An nói rằng ông vẫn đang nghiền ngẫm, vẫn tò mò chứ không thấy nản chí để bỏ cuộc.

“Tôi vẫn chưa muốn từ bỏ” - Lý An khẳng định - “Miễn là tôi có thể, tôi sẽ thực hiện công việc của mình. Tôi chỉ mong cả sự nghiệp của mình giống như một phim trường không bao giờ ngừng nghỉ”.

Những cảnh quay đặc biệt

Xem Ngọa hổ, tàng long, khán giả phải trầm trồ thán phục khi chiêm ngưỡng các nhân vật Lý Mộ Bạch (Châu Nhuật Phát) và Ngọc Kiều Long (Chương Tử Di) đọ kiếm và treo mình lơ lửng trên những cây tre mảnh mai trong rừng.

Khi được hỏi nhớ gì về cảnh quay đó, Lý An không ngần ngại: “Đổ mồ hôi. Không phải do nắng nóng mà là do căng thẳng khi... treo vài ngôi sao điện ảnh lớn nhất châu Á ở trên cao chỉ bằng cần cẩu”.

 “Để treo mỗi diễn viên trên cao như vậy, tôi cần 30 người dưới đất để làm cho cây tre có thể đu đưa trong gió” - ông nói thêm - “ Có lẽ, tôi mới chỉ làm được  khoảng 1/3 những gì muốn làm. Thực tế mà nói, rất khó để biến những ý tưởng khi làm phim trở thành hiện thực theo cách mình mong muốn”.

Ở một cảnh quay khác, cách các nhân vật lướt trên mặt nước với sự nhẹ nhàng lạ thường trong màn đấu võ càng là minh chứng cho câu nói được thốt ra trong phim: “Một thanh kiếm tự nó không có quy luật gì cả. Nó chỉ trở nên sống động trong những bàn tay điêu luyện”.

Việt Lâm (tổng hợp)

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›