Ngô Hồng Quang: Chịu chi, chịu chơi với nhạc dân tộc

Thứ Tư, 15/05/2024 07:14 GMT+7

Google News

Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang vừa phát hành một album mang tên Rạng đông, đĩa than đầu tiên trong sự nghiệp của anh. Tiếp đó, Ngô Hồng Quang sẽ ra mắt một chương trình mới toanh mang tên Về Kinh Bắc vào tối ngày 18/5 tới đây tại Rạp Hồng Hà (Hà Nội).

Ngô Hồng Quang là một người khá chăm chỉ phát hành album. Anh thừa nhận sức sáng tạo của mình rất là dồi dào, sáng tác ra là chịu khó thu âm ngay, (với Rạng đông, phần sáng tác của Quang chỉ mất 3 tuần), nên ra album khá đều đặn.

Đây album nhạc thứ 8 của Ngô Hồng Quang trong vòng 17 năm qua, sau Quang (2007), Song hành (2011), Hà Nội duo (2017), Nam nhi (2018), Oversears (2019), Tình đàn (2021).

Biết lỗ vẫn ra album

Tính từ lúc sáng tác đến khi hoàn tất mất khoảng 1 năm, đây là album Ngô Hồng Quang đã nhen nhóm thực hiện trong những lần đi điền dã, tới những vùng đất mới lạ nhưng rất quen thuộc với mình.

Ngô Hồng Quang: Chịu chi, chịu chơi với nhạc dân tộc - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang

Trên tinh thần world music, Rạng đông là những thanh âm của âm nhạc các dân tộc Việt Namđược hiện đại hóa xuyên suốt từ Đông qua Tây Bắc và kéo dài tới vùng duyên hải Nam Trung bộ. Từ âm nhạc của người Tày, Nùng, Pa Dí, Mông… tới âm nhạc của người Chăm.

Đĩa than này được làm toàn bộ hậu kỳ ở Pháp, tiếp tục là một album Ngô Hồng Quang tự tay lo tất cả các khâu, kể cả việc tự phát hành.

Quang muốn được tự quyết định âm nhạc của mình. Anh hài hước: "Mình đẻ ra nó thì mình tự lo thôi. Xác định là giá thành sản xuất album cao, đầu tư phải lấy vốn về chứ, dù biết là có bán hết cũng sẽ lỗ. Rạng đông chỉ phát hành giới hạn 200 đĩa, như một phép thử xem sự quan tâm đón nhận của khán giả như thế nào, rồi tính tiếp. Tôi muốn lan tỏa rộng hơn trong giới chơi đĩa than. Tuy nhiên tôi không đặt nặng quá chuyện đĩa có bán chạy hay không, chỉ muốn được nói, đó là sản phẩm tâm huyết của mình, ai quan tâm sẽ mua".

Sau khi phát hành đĩa than, album Rạng đông sẽ tiếp tục phát hành với định dạng CD và sau đó là nền tảng nghe nhạc trực tuyến. Ngô Hồng Quang muốn đĩa được lan tỏa rộng hơn, nên đang ấp ủ nhiều buổi có thể là trình diễn, tổ chức những buổi workshop…

Ngô Hồng Quang: Chịu chi, chịu chơi với nhạc dân tộc - Ảnh 2.

Đĩa than “Rạng đông”

"Âm nhạc trong đĩa này rất đặc thù, mà không quá khó nghe. Mình làm trên tinh thần tôn trọng cái cũ và lan tỏa phát triển lên, nâng niu và giữ gìn giá trị vốn có. Những thứ âm thanh đâu đó lẩn khuất sau các núi đồi rẻo cao mà ngày một mất dần đi, mà cảm giác không có ai gìn giữ, nên tôimuốn gây dựng lại, mang lại đời sống mới cho thứ âm nhạc ấy. Đó là thứ gì đó đẹp đẽ vô cùng, nếu mình không làm điều gì đó lan tỏa rộng hơn, thì không chịu được".

Câu chuyện của Quang là như thế. Quang muốn mọi người nghe Rạng đông để hiểu hơn con đường mình đang đi và công việc mình đang làm, hiểu hơn về cách tiếp cận âm nhạc dân tộc của mình.

Vẫn tiếp tục con đường "cô độc"

Gọi là "cô độc", vì con đường ấy Ngô Hồng Quang đã đi 30 năm qua, đến nay vẫn rất hiếm người đi. Hỏi Quang vì sao? Anh cười tự lý giải: "Có lẽ vì khó quá, chưa bao giờ mình thấy ai lang thang một mình khắp thế giới, với niềm đam mê dân tộc rất mạnh mẽ và có sức khỏe, biết tiếng Anh, biết chơi nhạc, sáng tác, hát nữa thì càng tốt. Mình vừa là người sáng tác, chơi nhạc cụ, hát… hiếm người làm được như vậy. Nhưng quan trọng hơn cả, là tình yêu mãnh liệt của mình đối với âm nhạc dân tộc".

Ngô Hồng Quang: Chịu chi, chịu chơi với nhạc dân tộc - Ảnh 3.

Quang thừa nhận, mình được dư luận, truyền thông ủng hộ, có lẽ vì con đường độc đạo, vất vả, rất khó đi. Tính đến nay Quang đã đi đến 90 nước, chưa kể có những nước anh đi lại nhiều lần, thậm chí có lúc Quang thấy mệt quá vì đi lại quá nhiều. Nhưng vẫn đi, vì đi nhiều có cái hay là lan tỏa được rất nhiều về nhạc dân tộc mình. Câu chuyện ấy không phải ai cũng làm được nên mọi người trân trọng công việc làm của Quang. Người ta thích gọi Ngô Hồng Quang là sứ giả văn hóa, nhưng thật lòng thì anh không bận tâm lắm về tên gọi này. Chỉ đơn giản là Quang đang đi con đường đã chọn, làm công việc mình yêu thích, góp được chút gì đó có ích cho xã hội. Thế thôi. 

Quang viết album Rạng đông khá nhanh, hầu như không phải sửa gì, phần lời 3 tuần, phần nhạc chỉ trong vòng 3 tháng. Anh cho biết, khi tinh thần mình khỏe, năng lượng quay lại, sống lành mạnh, hạn chế những gì ảnh hưởng đến sức khỏe, Quang cảm thấy sung sức mà mong muốn làm được nhiều việc hơn. Năm 2023 với Ngô Hồng Quang là một năm khá tốt về âm nhạc của mình nên 2024 là năm anh "thừa thắng xông lên" thực hiện các dự án mới.

Ngô Hồng Quang: Chịu chi, chịu chơi với nhạc dân tộc - Ảnh 4.

Nguyễn Mai Ngọc (đàn tam thập lục) của ban nhạc Thiên Thanh

Và tâm huyết với nhạc dân tộc

Ngô Hồng Quang cho biết: "Mình không muốn dừng việc sáng tạo lại. Mình thích ghi lại khoảnh khắc cảm xúc của mình bằng âm nhạc, và phải cho nó hoạt động, không chỉ trong những album nhạc mà còn là những buổi trình diễn".

Đó cũng là lý do anh thành lập ban nhạc Thiên Thanh, gồm 9 bạn trẻ chơi nhạc cụ âm nhạc Việt Nam.

Ngô Hồng Quang: Chịu chi, chịu chơi với nhạc dân tộc - Ảnh 4.

Ban nhạc Thiên Thanh và các thân hữu

Ngô Hồng Quang giải thích: "Thiên Thanh có ý nghĩa là xanh da trời, khá hợp mệnh của mình. Mà cũng có ý nghĩa là như là âm thanh ở phía trên cao, thường được thanh lọc, cao nhã hơn. Một ban nhạc chơi một thứ âm nhạc ở một tầng mức khác. Sau đó mình sẽ tạo ra một hệ sinh thái Thiên Thanh. Thí dụ có thể sẽ là một trung tâm dạy nhạc dân tộc mang tên Thiên Thanh…".

Cùng với sự ra mắt của Thiên Thanh là chương trình có tên gọi là Về Kinh Bắc, trình diễn các tác phẩm âm nhạc dân tộc đồng bằng Bắc bộ, có cả xẩm, hát văn… và dân ca quan họ Bắc Ninh chiếm khoảng 65-70%. Vì sao ư? Vì Quang rất mê quan họ Bắc Ninh.

Ngô Hồng Quang: Chịu chi, chịu chơi với nhạc dân tộc - Ảnh 6.

Phạm Vân Anh (đàn nguyệt và hát văn) của ban nhạc Thiên Thanh

Có thể nói Về Kinh Bắc là một sự "mạo hiểm" của Ngô Hồng Quang, vì toàn bộ khâu tổ chức thực hiện, kinh phí do Ngô Hồng Quang tự đầu tư toàn bộ. Anh tâm sự, một phần cũng là do âm nhạc dân tộc của mình rất hay mà sao cứ đứng im ở một chỗ lâu quá, điều này tạo nên khoảng cách giữa người thưởng thức trẻ với người làm nghệ thuật và văn hóa âm nhạc dân gian.

Chưa kể tới sự đứt nối giữa các thế hệ đã tạo ra cho âm nhạc dân tộc một khoảng lặng mà thực sự có rất ít người nghĩ tới sự tồn tại của nó. Cái hay, cái mong muốn thì rất nhiều nhưng để thực hiện được và để công chúng tiếp cận được nhiều hơn thì quả thực còn quá nhiều chông gai.

Chặng đường phía trước không hề dễ dàng cho Thiên Thanh và Về Kinh Bắc, nhưng Ngô Hồng Quang thấy rất đáng thực hiện bởi tính nhân văn và tính cộng đồng của nó.

Thời điểm của "Về Kinh Bắc"

Lùi lại gần 1 tháng so với dự kiến để chuẩn bị tốt hơn, Về Kinh Bắc sẽ có buổi biểu diễn mở màn vào ngày 18/5 tại rạp Hồng Hà, Hà Nội. Chương trình dự kiến nếu tìm được tài trợ, sẽ thực hiện thêm 1 đêm diễn tại TP.HCM, trong mùa Hè này.

L.M.Hạ

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›