NGND Lê Đăng Thực - một cuộc đời đáng sống

Thứ Bảy, 23/04/2016 07:41 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - (LTS) Một sự trùng hợp không ai muốn đã diễn ra trong ngày hôm qua, 22/4. Chỉ vài tiếng trước khi đồng nghiệp tiễn đưa đạo diễn, Nhà giáo nhân dân Lê Đăng Thực về nơi an nghỉ cuối cùng, một gương mặt nữa lại vĩnh viễn rời bỏ làng điện ảnh Việt Nam: Nhà làm phim Đào Thanh Tùng. Ngày 22/4 trở thành ngày buồn của Điện ảnh Việt Nam.

1. Lễ tang được tổ chức tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng (số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội).Trước đó, NGND Lê Đăng Thực qua đời vào ngày 20/4 vì bệnh ung thư tuyến tụy.

Nhiều gương mặt nổi trội của điện ảnh Việt Nam đã chia sẻ ký ức và  những kỷ niệm đẹp về Nhà giáo nhân dân Lê Đăng Thực trong chiều 22/4, thời điểm vĩnh biệt ông.

Với cựu sinh viên Đại học Sân khấu & Điện ảnh, ông là một nhà giáo theo đúng nghĩa.Họ kể: cách đây vài năm, khi biết tin mình bị căn bệnh này, thầy Thực vẫn bình thản đón nhận. Bên cạnh ông người bạn đời sẵn sàng chia sẻ mọi buồn vui. Bà là một tiến sĩ khoa học ngành sinh học, rất giỏi giang và đẹp người. Lúc nào bà cũng sát cánh bên ông, chăm sóc ông, khi người con trai duy nhất của ông bà hiện đã định cư ở Đức.

Năm 2015 vừa rồi, khi người bạn, đồng nghiệp là GS-TS-NSND Đình Quang qua đời, thầy Thực đã lên kế hoạch một "cuộc chia tay sớm" với bạn bè, học trò thân thiết. Ông đã tự "đạo diễn" chương cuối cuộc đời mình.


Nhà giáo nhân dân Lê Đăng Thực

Biết tâm nguyện của ông, cuối năm 2015, hai học trò là đạo diễn Khải Hưng và đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đã đứng ra tổ chức lễ mừng thọ cho thầy. Dự kiến ban đầu chỉ vài chục người tham gia, nhưng cuối cùng đã lên tới 300 người tham dự.

Ngày hôm đó, gần như những tên tuổi gạo cội nhất của làng điện ảnh phía Bắc đã hội tụ về Trung tâm Chiếu phim Quốc gia để nâng ly mừng thọ thầy Thực. Ai cũng rưng rưng vì biết thầy sẽ không còn ở bên họ bao lâu nữa.

NSND Khải Hưng chia sẻ kỷ niệm về người thầy ông rất mực tôn trọng: "Dù thầy Thực chỉ hơn những học viên Lớp Đạo diễn Khóa 1 của Trường ĐH Sân khấu&Điện ảnh 18 đến 20 tuổi, nhưng chúng tôi luôn coi thầy Thực là một người Thầy, người anh, người bạn lớn của chúng tôi. Thầy Thực luôn tôn trọng cá nhân sáng tạo của mỗi học viên và luôn khuyến khích chúng tôi phải có tư duy phản biện. Tôi đã áp dụng nguyên tắc đó trong cả cuộc đời làm phim của mình".

NSND Minh Châu kể rằng trong những ngày đầu học nghề diễn viên, thầy Thực đã rất lo lắng nói về bà: "Con bé này hay khóc như vậy, sức khỏe lại không tốt liệu có theo được nghề diễn viên hay không?". Chị khóc: “Với chúng tôi thầy Thực không chỉ là một người thầy mà còn là một người cha. Ông luôn theo sát bước đường nghệ thuật của chúng tôi tới mãi sau này.


NSND Minh Châu tại lễ tang thầy

2. Với thế hệ trẻ hơn của Đại học Sân khấu & Điện ảnh, thầy Thực chỉ lướt qua cuộc đời họ, nhưng vẫn để lại những kỷ niệm lớn.

Nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho biết, nghe tin thầy Thực qua đời, trong đầu chị như chạy lại cuốn phim ngày đầu thi vào ĐH Sân khấu & Điện ảnh.

Hoàng Điệp sẽ không thể nào quên cận cảnh "một ô kính vỡ toác hoác, một bàn tay cầm cái bánh mì thò vào, phía sau là gương mặt của ông già với cặp mắt hiếng hơi mờ đi trong thứ ánh sáng vẩn bụi của những ngày tháng cũ". Ông già ấy chính là thầy Thực, người trực tiếp tuyển Điệp vào trường năm đó. Dù không hề quen biết, nhưng thương học trò nhỏ miệt mài làm bài trong phòng thi bị khóa kín, ông đã mua cho cô một chiếc bánh mì.

Một cử chỉ nhỏ đầy quan tâm đó của thầy Thực cũng là sự động viên quan trọng để Hoàng Điệp bước vào nghiệp đạo diễn. Nhiều năm sau này, khi gặp Hoàng Điệp ông vẫn nhắc cô: "Phải làm phim, đừng sa đà vào mấy việc này". "Việc này", như Hoàng Điệp giải thích là công việc giảng dạy tại trường. Dường như thầy Thực đã dồn cả ước mơ đạo diễn điện ảnh của mình vào những người học trò.

Còn họa sĩ thiết kế Thu Hà chia sẻ trong mắt chị thầy Thực là một người già rất biết cách sống, biết cách hưởng thụ cuộc sống. Ngay cả khi bị bệnh nặng ông vẫn rất lạc quan, bất cứ khi nào phải ra ngoài ông luôn đóng bộ rất chỉn chu, đẹp đẽ. "Thầy đã có một cuộc đời đáng sống", họa sĩ Thu Hà nói.

Cho đến cuối đời thầy Thực vẫn làm việc. Chuyên luận Người diễn không chuyên trong phim truyện của ông đã nhận được Bằng khen của Giải Cánh diều năm nay. Lễ trao giải Cánh diều 2015 diễn ra 20h hôm 20/4 vừa qua đã dành thời lượng để tôn vinh nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ và Nhà giáo nhân dân Lê Đăng Thực.

Nhưng buổi tối hôm đó chỉ có Hoàng Tích Chỉ bước lên sân khấu. Nhà giáo Lê Đăng Thực không thể tới nữa. 12h trưa hôm đó, ông trút hơi thở cuối cùng.

Vài nét về NGND Lê Đăng Thực

Nhà giáo Nhân dân Lê Đăng Thực (sinh ngày 25/3/1933) là một trong số những đạo diễn đầu tiên được đào tạo tại Liên Xô. Sau này ông chuyển sang công tác nghiên cứu lý luận điện ảnh, dịch thuật và gắn bó với công tác giảng dạy, và để lại nhiều dấu ấn đậm nét.

Ông Lê Đăng Thực là một trong những người đầu tiên của thời kỳ sáng lập Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh.

Trong sự nghiệp giảng dạy của mình, ông đã góp phần đào tạo ra nhiều nghệ sĩ điện ảnh thực thụ cho điện ảnh Việt Nam. Ông là vị hiệu trưởng đáng kính, người thầy được các thế hệ sinh viên trường nhất mực kính trọng, yêu mến.

Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›