(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 10/4, thông tin tại buổi hội chẩn trực tuyến về điều trị các bệnh nhân COVID-19, trong đó có các bệnh nhân nặng với các điểm cầu, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó trưởng Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, hiện Việt Nam đang tích cực triển khai một số nhóm giải pháp trong điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, hiện nay dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Công tác điều trị cho người bệnh trên thế giới cũng như ở Việt Nam còn khó khăn do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Gần đây, thế giới đã có các báo cáo điều trị thành công cho người mắc COVID-19 bằng huyết tương được lấy từ người bệnh sau khi đã điều trị khỏi bệnh.
Để có thêm các phương pháp điều trị cho người bệnh, đặc biệt là người bệnh thể nặng, Cục Quản lý khám chữa bệnh đã có công văn gửi Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương về việc xây dựng dự thảo Hướng dẫn tiếp nhận và sử dụng huyết tương trong điều trị COVID-19.
Cục Quản lý khám chữa bệnh giao Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương làm đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng dự thảo Hướng dẫn tiếp nhận, lưu trữ, bảo quản và vận chuyển huyết tương của người đã được điều trị khỏi bệnh COVID-19. Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương làm đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng dự thảo Hướng dẫn sử dụng huyết tương tiếp nhận từ người đã điều trị khỏi COVID-19 để điều trị cho người bệnh thể nặng.
Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh và hệ thống các viện huyết học phối hợp cùng các cơ sở điều trị tiến hành lấy máu, chiết tách huyết tương của người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh để nghiên cứu, sử dụng điều trị cho người bệnh nặng theo phác đồ đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo cùng với các phác đồ của nước bạn như Cuba, Nhật Bản, Pháp. Tiểu ban Điều trị thường xuyên họp để cập nhật các phác đồ điều trị này.
Theo Tiến sĩ Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Huyết học - Truyền máu Trung ương, sử dụng huyết tương của người khỏi bệnh là phương pháp điều trị bệnh nhân nặng, cơ thể có tải lượng virus cao, đã điều trị bằng các phương pháp thông thường nhưng virus trong cơ thể không giảm.
- Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam và tình hình dịch bệnh thế giới cập nhật mới nhất
- Ngày 10/4, cả nước có 16 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh
- Chính phủ ban hành Nghị quyết hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19
Huyết tương của người khỏi bệnh có chứa kháng thể chống virus, khi truyền vào cơ thể người bệnh, kháng thể sẽ phát huy tác dụng, hỗ trợ bệnh nhân diệt virus. Phương pháp này ít biến chứng. Huyết tương được tách chiết sẽ là chế phẩm máu đặc biệt, cần có chỉ định đặc biệt.
Tiến sĩ Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, Bệnh viện đang dự thảo đề tài nghiên cứu về sử dụng huyết tương của bệnh nhân đã khỏi bệnh để điều trị các bệnh nhân nặng. Mục đích là cố gắng cứu những bệnh nhân COVID-19 nặng, khi đã hết các phương án điều trị. Đề tài nghiên cứu này mới đang ở giai đoạn khởi đầu. Các chuyên gia đang thu thập, nghiên cứu kỹ các tài liệu y khoa để đảm bảo an toàn nhất cho người bệnh khi tham gia thử nghiệm lâm sàng.
Bích Thủy
Tags