(Thethaovanhoa.vn) - Với những gì diễn ra tại Điện Biên Phủ, phương châm "đánh chắc, tiến chắc" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được tổng kết thành nghệ thuật đánh công kiên của VN suốt hàng chục năm sau bằng 6 chữ "vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt". Nhưng, như lời Đại tướng, việc lựa chọn phương châm ấy chính là quyết định khó khăn nhất trong sự nghiệp cầm quân của ông.
"Khẩu quyết 6 chữ" trên có thể được diễn giải bằng các bước triển khai nối tiếp trên thực tế: Vây chặt, Lấn sâu, Tấn công không ngừng, Phá hủy công sự địch, Triệt viện binh và tiếp tế, Tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm hoặc cụm cứ điểm. "Tác giả" của nó được cho là Lê Trọng Tấn, lúc đó là Đại tá, tư lệnh của 1 trong 4 đại đoàn tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Nhưng, trước khi có được sự tổng kết độc đáo ấy, hàng loạt chỉ huy cao cấp đến sát giờ mở màn vẫn tuyệt đối muốn chọn phương án "đánh nhanh, thắng nhanh" cho chiến dịch.
Pháo binh của ta oanh kích tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh Tư liệu |
Sử liệu ghi rõ: cho tới trước sáng 26/1/1954 Đảng ủy mặt trận đã có 2 lần họp và đều chốt phương án tấn công "đánh nhanh, thắng nhanh". Các chỉ huy mặt trận và những cố vấn quân sự Trung Quốc đều chung quan điểm này.
"Không chỉ là nơi ủng hộ và giúp đỡ chúng ta về hỏa khí, việc Chí nguyện quân Trung Quốc từng giáp chiến và đẩy lùi quân Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên trước đó 4 năm cũng là một điều khiến chúng ta dễ rơi vào tâm lý "ngợp". Theo phương án đánh nhanh bằng chiến thuật “Oa tâm tạng” (đánh xuyên tim), chiến dịch sẽ diễn ra trong 3 ngày đêm, mở đầu bằng đợt pháo kích 2.000 phát đạn xuống lòng chảo Điện Biên.
“Việc chọn chiến thuật Oa tâm tạng như vậy cũng là đánh theo cách mà người Pháp đã tính toán. Chẳng hạn, về pháo binh, các trận địa pháo sẽ phải bố trí ngoài bãi trống để có thể tập trung bắn tổng lực 2.000 phát đạn. Điều đó cũng đồng nghĩa với khả năng Pháp có thể phản pháo, hoặc sử dụng không quân để dập tắt những trận địa pháo này" - TS Vũ Tang Bồng (Viện Lịch sử Quân sự VN) nói - "Ngoài ra, các mũi tấn công cũng sẽ phải băng qua khoảng đất trống 200m, cộng cùng hàng trăm mét bãi mìn và dây thép gai, chứ không thể từng bước đào hào vây lấn như thực tế sau này".
Trong hồi ký Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ghi lại rất rõ buổi họp Đảng ủy bất thường do ông triệu tập vào sáng 26/1 tại hang Thẩm Púa. Những vị chỉ huy như Lê Liêm, Đặng Kim Giang, Hoàng Văn Thái... đều im lặng hoặc băn khoăn trước đề xuất "đánh chắc, tiến chắc" được đưa ra. Tới thời điểm căng thẳng nhất, Đại tướng dẫn lại lời Hồ Chủ Tịch trước khi bắt đầu chiến dịch: Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh. Câu hỏi được ông đặt ra: nếu đánh, có chắc thắng trăm phần trăm không?
"Có thể coi lời dặn đó là Thượng phương bảo kiếm mà Bác tặng cho Đại tướng trong chiến dịch. Không có câu ấy, tôi cũng không hình dung nổi buổi họp sẽ diễn biến thế nào" - TS Bồng nói vui. Thực tế, câu trả lời của các chỉ huy được ghi lại trong hồi ký Điện Biên: Anh Văn nêu câu hỏi thật khó trả lời. Ai dám bảo là sẽ chắc thắng trăm phần trăm.
Quyết định chọn phương án "đánh chắc tiến chắc" được Đại tướng đưa ra sau một đêm mất ngủ và phải đắp lá ngải cứu trên trán vì quá đau đầu, như ông viết trong Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử.
Bộ đội VN vừa chiến đấu, vừa đào hào vây lấn tại Điện Biên Phủ. Ảnh Tư liệu TTXVN |
Nghệ thuật giấu pháo và đào hào
Ra lệnh kéo pháo ra để đảm bảo bí mật, rồi lại đưa pháo trở vào lần nữa, kỳ tích của những chiến sĩ VN đã được ghi lại trong hàng loạt công trình nghiên cứu về Điện Biên Phủ. Và theo nhiều học giả phương Tây, cũng khó có thể cho rằng quân đội Pháp khi đó đã mắc lỗi chủ quan. Bởi, gần như không ai đủ sức nghĩ ra việc đạo quân của tướng Giáp có thể vận chuyển những khẩu pháo nặng gần 3 tấn suốt quãng đường 500km chủ yếu bằng sức người.
Nhưng, vượt hơn điều ấy, việc bố trí lại trận địa pháo của tướng Giáp đã mang lại cho chiến dịch một lợi thế khác hẳn. "Phương án đánh chậm, khiến chúng ta có thể tập trung bắn phá từng cứ điểm riêng lẻ trong nhiều ngày. Và tần suất bắn vừa phải là yếu tố quyết định cho phép hệ thống pháo VN có thể "giấu" sau khi bắn xong – thay vì đưa ra các bãi trống bắn tập trung như phương án ban đầu".
Thực chất, việc "giấu pháo” tại Điện Biên Phủ đơn giản tới không ngờ: các hầm dạng hàm ếch khoét sâu trong núi được đào sau từng trận địa pháo. Dứt đợt bắn, pháo lập tức được kéo lùi lại để "ẩn" trong những hầm kín này nhằm tránh phản pháo hoặc không kích từ máy bay. "Tôi gần như chưa gặp cách bố trí pháo độc đáo như vậy trong bất kỳ trận đánh nào của chiến tranh hiện đại. Đại tướng đã rất thông minh tận dụng địa hình lòng chảo Điện Biên để phát huy ưu thế này" - TS Vũ Tang Bồng nói.
Thậm chí, theo TS Bồng, việc sử dụng chiến thuật đào hào vây lấn của tướng Giáp cũng có thể coi là một sáng tạo độc đáo – cho dù nhiều chuyên gia nước ngoài coi đó là sự lặp lại của chiến thuật được Trung Quốc sử dụng năm 1951 tại trận Thượng Cam Lĩnh trong chiến tranh Triều Tiên. Tại trận đánh này, để giữ vững Thượng Cam Lĩnh, liên quân Trung Quốc - Bắc Triều Tiên đã đào những đường hào rất lớn cho phép dùng xe cơ giới chuyển quân lên các cứ điểm phòng ngự.
"Cách đào hào ở Thượng Cam Lĩnh áp dụng cho thế trận phòng ngự. Còn, tướng Giáp sử dụng chiến thuật đào hào để linh hoạt vây lấn, vượt qua các bãi đất trống, tiếp cận các mục tiêu tấn công sao cho an toàn nhất" - TS Bồng nói.
Chuyện về khẩu quyết “6 chữ vàng” Vài chục năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, theo ghi chép của cựu nhà báo quân đội B.T, Tướng Giáp (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) và Tướng Tấn (Đại tướng Lê Trọng Tấn) đã có buổi trò chuyện thân mật với báo giới về buổi họp tại hang Thẩm Púa. Theo lời kể vui của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chính người đúc kết khẩu quyết "vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt" là vị chỉ huy phản ứng mạnh nhất với quyết định chuyển đổi phương án tấn công của ông tại hang Thẩm Púa ngày 26/1/1954. Tướng Tấn cười, thừa nhận câu chuyện trên và cho biết: khi ấy, ông quá lo lắng về việc chiến dịch sẽ kéo dài và phải chuẩn bị lại trận địa pháo. |
(Còn nữa)
Chuyên đề: Vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Hoàng Nguyên
Thể thao & Văn hóa