(TT&VH) - Piano và tuồng từng đã tạo nên một hiệu ứng âm nhạc độc đáo của ê-kíp Phó An My (nghệ sĩ piano) và Đặng Tuệ Nguyên (nhạc sĩ sáng tác). Và nay, ê-kíp này lại tiếp tục chuẩn bị cho một sự kết hợp đầy thách thức khác: piano và hát văn, với đêm diễn duy nhất tiêu đề Bóng, diễn ra vào tối 28/5/2011 tại rạp Công Nhân (Hà Nội). TT&VH trò chuyện cùng Phó An My về đêm diễn cũng như sự kết hợp piano và âm nhạc dân tộc mà ê-kíp của cô đã và đang theo đuổi:
* Chị và Đặng Tuệ Nguyên đã từng dựng một vở tuồng cùng piano nhưng chưa thể trình diễn trọn vẹn mà chỉ giới thiệu được trích đoạn. Và nay, ê-kíp của chị là cho ra đời một vở khác, có những điều kiện nào khiến chị tự tin để không những trình diễn trọn vẹn một vở mà còn bán vé nữa?
- Lửa Thiêng, piano - tuồng lấy cảm hứng từ vở Ngọn lửa Hồng Sơn, chúng tôi chưa thể biểu diễn được trọn vẹn vì số lượng người tham gia vở đó đông đảo hơn chương trình kết hợp hát văn này nên kinh phí rất lớn. Chúng tôi phải tạm dừng lại và đang chờ cơ hội, nhưng tôi hi vọng là chỉ trong năm nay thôi, chương trình đó cũng phải được diễn ra một cách trọn vẹn, ít nhất là một đêm, dự kiến vào tháng 8.
Còn đêm piano với hát văn, có tên là Bóng, cá nhân tôi nghĩ đến lúc cần phải làm, nếu không thì chính bản thân mình sẽ lười, chẳng muốn làm gì nữa.
* Vậy chị có thể nói khái quát về đêm Bóng để bạn đọc hình dung được dễ dàng nhất họ sẽ đến xem gì, nghe gì ở đó?
- Hát văn được sử dụng trong hầu đồng và có 36 giá đồng tất cả. Bóng được kết cấu gần giống như một buổi hầu đồng , có 4 giá tượng trưng là 4 nhập. Trong Bóng, piano như một chủ thể dẫn dắt khán giả cùng nhập vào đêm nhạc, có lúc, nó giúp “miêu tả” nhân vật chính trong giá đồng; ví dụ trong giá Cô Bơ, bạn sẽ được nghe tiếng piano độc tấu gợi lên hình ảnh một Cô Bơ đẹp long lanh. Cũng có khi piano được kết hợp với sáo hoặc với đàn nguyệt để đem lại những giai điệu mà người nghe có thể tưởng tượng hình ảnh qua âm nhạc.
Tôi phải nhấn mạnh một điều: trong kết hợp này, người nghe vẫn được thưởng thức thanh âm nguyên bản của các nhạc cụ dân tộc và piano, tiếng đàn nguyệt là tiếng nguyệt, tiếng sáo là tiếng sáo... chứ không phải là những “thể nghiệm” phá vỡ tính chất nguyên bản của chúng. Nhạc sĩ sáng tác phải là người kết hợp được tính đa âm của nhạc cụ phương Tây và đơn âm của nhạc cụ truyền thống sao cho hài hòa.
Tôi và cây piano chính là người nhập đồng và giữa các nhập, cũng có màn thay trang phục, vấn tóc hệt như trong một buổi hầu đồng. Trong lúc chờ sang một nhập mới, khán giả sẽ được nghe hát văn với những lời thơ cổ, do NSND Thanh Hoài và Dương Thanh An - một nghệ nhân hát văn có tiếng ở Phủ Giày (Nam Định) trình diễn, dẫn khán giả đến với nhân vật chính trong phần nhập đồng tiếp theo.
Dàn nhạc dân tộc gồm có 10 nhạc cụ. Trong một buổi hầu đồng thông thường , có khi chỉ có bộ gõ và cây đàn nguyệt. Nhưng tôi được biết là dàn nhạc cho hát văn nguyên thủy rất phong phú, nhạc cụ có thể được thay đổi, bổ sung thêm, được “vào” hay “ra” có vẻ ngẫu hứng nhưng rất phù hợp với nhân vật chính trong giá đồng cũng như không khí đang diễn ra của buổi hầu đồng...
* Nghe chị nói, dễ thấy phần âm nhạc, tức là phần “nghe” sẽ vẫn chiếm thế chủ đạo trên sân khấu của Bóng. Tuy nhiên, một đêm nhạc sẽ trọn vẹn khi cả hai phần nghe và nhìn đều đáp ứng được mong đợi của khán giả. Chị hình dung rằng sẽ có điều gì hấp dẫn nhất cho “phần nhìn” từ sân khấu của Bóng lần này?
- Một sân khấu sạch, đó là điều duy nhất mà tôi có thể nói được lúc này. Bản thân tôi không thích có quá nhiều thứ minh họa cho đêm diễn; âm nhạc và những lời hát văn cổ đã làm được nhiều hơn thế rồi. Vì vậy, sân khấu và đặc biệt là phần ánh sáng trong sân khấu được chú trọng để giúp cho người chơi nhạc, hát văn trên sân khấu không bị “phân tâm”, khán giả cũng không bị phân tâm mà thôi. Bóng là đêm của âm nhạc.
* Đêm diễn có bán vé, nghĩa là có sự đo đếm thị hiếu khán giả ở đây. Việc này nhiều khi là bất khả, chị nghĩ sao?
- (Cười) Đúng là bất khả. Hiện tại, chúng tôi có nhiều người giúp đỡ, như nhạc sĩ Dương Thụ (cố vấn nghệ thuật), hai người lo phần thiết kế sân khấu là nghệ sĩ điêu khắc Đinh Công Đạt và anh Phạm Bá Hùng - phụ trách H&J studio chuyên về thiết kế sáng tạo; và rất nhiều người khác nữa mà tôi chưa thể nói tên ở đây. Việc bán vé cũng có một đơn vị nhận phụ trách rồi... Ê-kíp âm nhạc của tôi chỉ còn phải lo việc của mình mà thôi... Tóm lại là cứ phải xoắn chân lên mà làm cho trọn vẹn cái đã, tôi sợ rơi vào cảnh lười nhác.
* My có phải là người vốn hay đi xem hầu đồng không?
- (Cười) Không nhất thiết “vốn thích” cái gì thì mới làm. Nói thật, như hồi làm piano với tuồng, mình đâu có phải là người say mê nghe tuồng cổ đâu. Nhưng khi muốn kết hợp nó với piano thì mình phải nghe, để tìm cho được cái điểm hay nhất của âm nhạc tuồng . Với hát văn cũng vậy, mình nghe và đọc nhiều, sục sạo từ âm nhạc đến văn bản cổ của các lời hát, đến những đặc điểm dân gian của các nhân vật trong từng giá đồng...
Bóng - tác phẩm đối thoại piano - hầu văn được cấu trúc như một tổ khúc (suit). Phần mở đầu (Ouverture) mang tên Thỉnh (thỉnh Mẫu về) . Các phần tiếp theo được gọi Nhập (gồm 4 phần); mỗi Nhập như một Giá (đồng) và như một bức tranh mô tả chân dung Thánh cùng niềm khát vọng nhân gian. Bóng cũng sẽ được ghi hình dưới dạng DVD để phát hành rộng rãi. Bóng là chương trình piano kết hợp âm nhạc truyền thống Việt Nam thứ tư của ê-kíp Phó An My - Đặng Tuệ Nguyên. Trước đó, họ đã làm piano - hát cọi, hò Huế (festival Huế 2006); năm 2009, piano - tuồng (tác phẩm Lửa thiêng, toàn bộ vở này đã được dàn dựng tổng thể, chờ công diễn; năm 2010, tác phẩm Tiếng thốt, còn gọi là Khởi nguyên, festival Huế 2010; năm 2011: Piano cùng bộ gõ và hơi của người Chăm (Chuyển động, festival nghề truyền thống Huế, 30/4/2011).
* Thử nói một chút về vai trò của My và Nguyên trong chương trình này. Thường, người ta vẫn nghĩ người chơi piano là một nhạc công và thụ động đi theo sáng tác mà họ chơi. Ở đây, dễ thấy My là người chủ động với sáng tác mà My chơi, như một người đồng sáng tạo với nhạc sĩ vậy?
- Mình là người đưa ra ý tưởng, nhưng Nguyên, người sáng tác mới là quan trọng. Nguyên khiến cho ý tưởng của mình được thể hiện cụ thể qua tác phẩm và mình tiếp tục cùng cậu ấy đẩy tác phẩm lên đến điểm cao nhất có thể của nó. Bọn mình cùng nhau chỉnh sửa cho đến khi cảm thấy ổn thỏa mới thôi. Chính vì thế mà hai đứa thường cùng kéo nhau tìm hiểu về các nguồn âm nhạc trước khi kết hợp chúng với piano.
* Một câu hỏi thường nhất nhưng dễ gây tò mò: tại sao lại là piano kết hợp âm nhạc dân gian, dân tộc mà không phải là những bản nhạc dành riêng cho piano hoặc piano kết hợp với dàn nhạc tây phương theo lẽ thông thường?
- Mình không muốn “gắn” cho sự kết hợp này những lời đao to búa lớn, như là “âm nhạc đương đại” chẳng hạn. Mình chỉ muốn nói: mình là một nghệ sĩ biểu diễn piano. Vì thế, mình chỉ muốn được chơi thứ âm nhạc nào thực sự gắn liền với đời sống trước hết của cá nhân mình. Ví dụ, với tuồng, đó là thanh âm của “hỉ, nộ, ái, ố” - những tình cảm con người thông thường mà cũng sâu sắc nhất được diễn tả một cách tuyệt đỉnh với âm nhạc tuồng. Với Bóng, mình hiểu “bóng” ở đây là ảo và trong đời sống, cái ảo hóa ra mới lại giúp cho mình sống được hằng ngày và cái ảo đáp ứng cho cái cuộc sống thực của chính mình.
Phong Vân (thực hiện)