Nhắc lại chuyện đó, My cười vui, bảo nếu hôm đó My ăn vận đúng theo “mặc định” ấy, có khi khán giả còn cười lớn hơn. My bỏ qua cái “mặc định” nghi thức đó, và rất nhiều nghi thức khác nữa của cuộc sống mà khi nói chuyện với My xong, người đối diện chỉ còn cách lắc đầu “chào thua” một cách sống rất nghệ sĩ mà cũng “đời” hết cỡ. My thấy mình không hợp với váy áo xênh xang nên không ép mình theo. Cũng như với cây đàn, My chỉ chọn chơi những bản nhạc hợp với bản thân, để đem được vào tiếng đàn đời sống của riêng cô. Vì vậy, tiếng đàn của My cùng phong thái biểu diễn của cô tràn đầy một sự tự do và biến hóa theo cảm xúc cá nhân. My là một nghệ sĩ với piano, không phải là một nhạc công piano.
8 năm ở Đức - sướng và khổ
* My đi Đức học piano trong hoàn cảnh như thế nào?
- Mình sang Đức khi 13 tuổi. Lúc ấy anh trai đang là sinh viên. Sau một lần anh về phép, bố mẹ và anh quyết định đưa mình sang thi vào trường. Chật vật nửa năm trời, cố làm sao có thể đỗ được.
* Sợ gì không?
- Không. Mà chỉ buồn thôi. Thời gian đầu, không biết tí tiếng Đức nào, lại ở cùng phòng nội trú với một bạn người Đức, nó nói mà mình chẳng hiểu gì, đau hết cả đầu.
* Thử nói ngắn gọn xem cách học ở đó khác với cách học trong nước ở những điểm căn bản nào?
- Thứ nhất, môi trường xã hội ở đó, con người ở đó sinh ra từ nhạc cổ điển, một người nông dân bình thường họ cũng nghe cổ điển như một lẽ thường tình. Bọn mình chỉ là học sinh thôi mà nhà trường xếp lịch đi biểu diễn thường xuyên hàng tháng, đây cũng như là một cách rèn luyện để không sợ đám đông. Thứ hai là cách hướng dẫn và giảng dạy của giảng viên khiến sinh viên không còn tâm lý ăn thua vì điểm, vì số lượng bài phải trả thầy. Vì hai thứ ấy mà thấy rất hứng thú khi học nên tự giác học. Mình có thể ngồi tập đàn một mình liên tục từ sáng đến khuya, chỉ nghỉ vào giờ ăn...
* Đó có lẽ là thứ khiến My cảm thấy sướng nhất khi ở Đức?
- (Cười). Ừ, thích học.
* Còn khổ nhất là gì?
- Đói, nhớ nhà... Mình có học bổng song vẫn phải lo tiền ăn và sinh hoạt phí linh tinh khác. Mình đến giờ còn nhớ rất rõ cái cảm giác ngon khi ăn một cái bánh ngọt của Pháp bán ở lối xuống một ga tàu điện ngầm, vì thèm mãi mà chỉ đầu tháng mới có đủ tiền mua. Cho đến giờ, chưa cảm thấy ăn cái gì ngon bằng lần đó... Nghĩ lại, thấy “khổ” , bởi thế mới biết rõ mình muốn gì...
* My về nước vì không muốn chịu khổ nữa? My học giỏi, hoàn toàn có thể ở lại Berlin làm nghề chứ?
- ...
* Sao My vừa nói có nhiều nguồn cảm hứng đó thôi?
- Đó là lúc mình vẫn còn đang ngồi ghế nhà trường. Rồi thì học mãi, học mãi, nhìn đâu cũng toàn người giỏi, bé nhỏ quá. Tuổi trẻ mọi thứ đều mãnh liệt, tưởng tượng và ước mơ. Ngồi vào đàn chơi thì tạm quên cái thế giới quá rộng lớn này.
* Một mâu thuẫn khó có thể giải quyết?
- Không bao giờ có thể giải quyết, vì thế mà cần phải thản nhiên sống cho thoải mái... (cười).
* Có thể nói xem My đã từng muốn gì khi chịu khổ ở Đức?
- Mình cũng đã từng giữ lý tưởng là một nghệ sĩ này nọ và đến giờ, mình chắc một điều, nhất là trong hoàn cảnh Việt Nam: nghệ thuật trước tiên là một câu chuyện của cá nhân, để thỏa mãn sự hứng thú cá nhân và sau đó là được chia sẻ, chia sẻ được với một nhóm bạn nhất định. Vậy là đủ.
Piano và tuồng
* My từng nghĩ là không có kế hoạch biểu diễn ở Việt Nam. Nhưng nay, thấy điều đó đã không xảy ra?
- Đúng là mình đã từng nghĩ thế, về nước từ năm 1998, ngại, thấy bất lực với chính mình. Tới năm 2005, một cậu bạn thân mời mình tham gia cùng triển lãm của anh tại l’Espace (Trung tâm Văn hóa Pháp). Sau đêm diễn nhỏ này, l’Espace mời biểu diễn liên tục những đêm diễn sau, lại thấy say nghề.
* Nguyên tắc cơ bản nhất của My để “theo keo” các chương trình biểu diễn trong nước là gì?
- (Cười). Hứng thú với chính mình thì làm, không phải một thứ kiếm sống.
* Vậy về cái gọi là vở piano và tuồng Ngọn lửa thiêng thì thế nào nhỉ? Không kiếm được lời lãi thì chắc rồi nhưng đã đến lúc bỏ tiền túi ra để tiêu cho ý thích này?
- Đây là một câu chuyện dài... Mình từng xem nhiều hội diễn sân khấu và ca múa nhạc dân tộc. Mới đầu xem vì tò mò thôi, sau đó thấy hay thật. Nhưng chưa bao giờ xem được trọn vẹn một hội diễn vì mệt! Mình vẫn quen nghe nhạc dân gian dựa trên khung cảnh, ví như lên Sapa chợ tình, nghe những tiếng hát giao duyên mênh mang cùng rừng núi, như một thứ hơi thở thiên nhiên, lại còn ẩm thực vùng miền. Mọi thứ quện vào nhau, cái đẹp khó tả...
Mình chọn tuồng để kết hợp với piano vì thấy tuồng là một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc, giàu tính triết học nhất của Việt Nam mình. Để hai ngôn ngữ âm nhạc này kết hợp với nhau, đối thoại với nhau, xem thử có được không. Mình cũng nghĩ là sự kết hợp khác lạ này sẽ kích thích khán giả trẻ, khi vở được công diễn.
* Vậy My là người đưa ra ý tưởng nghệ thuật. Phản ứng đầu tiên của những người sau đó cùng tham gia vở diễn chưa có tiền lệ này, như các nghệ sĩ của Nhà hát tuồng Việt Nam?
- Cảm giác chung là sướng, vì có một cái gì đó khác. Ý tưởng lúc này là phụ, không có Đặng Tuệ Nguyên sáng tác nhạc cho piano, không có NSND Hoàng Khiềm đạo diễn phần tuồng, và NSND Công Nhạc biên đạo múa, và còn những nghệ sĩ, nghệ nhân tham gia, vở diễn không thể hoàn chỉnh. Phần nhạc cho piano như một sự dẫn dắt và khớp nối giữa các chương hồi trong vở tuồng, thậm chí có đoạn như một sự hồi tưởng lại cảnh cũ trước khi chuyển sang cảnh diễn mới. Phần tuồng được tinh chế hơn so với nguyên vở cũ. Và để phần nhạc làm chủ đạo được thì đây là một công việc nặng nhọc cho người sáng tác. Để chạy mộc vở diễn dài gần một giờ đồng hồ này, bạn biết không, suốt ba tháng trời, rất nhiều người vất vả.
* Nhà hát này hoàn toàn có thể nhận vở diễn như một chương trình của họ và đầu tư chứ nhỉ?
- Nhưng mình không thích nó được diễn trong rạp hát mà thích được ở ngoài trời...
* Nghĩa là My vẫn muốn tự lo cho vở diễn này từ A đến Z, bảo toàn cho ý tưởng của mình?
- (Cười). Đợt vừa rồi làm đơn xin tài trợ của một Quỹ văn hóa nước ngoài, không được. Nhưng mà mình đã “chạy mộc” cho vở rồi. Khi nào có điều kiện, bọn mình sẽ công diễn thôi.
* My có nói “chọn tuồng để kết hợp với piano”, vậy My có để ý ít nhiều đến các loại hình nghệ thuật âm nhạc dân gian khác nữa? My có định tiếp tục kết hợp piano với một vài loại hình nào khác nữa không?
- Lúc nào cũng muốn và suy nghĩ những ý tưởng mới. Chỉ có điều để thực hiện được nó còn cần vào sự góp sức của nhiều nghệ sĩ. Vì thế mà tạm thời, không muốn đưa thêm tin lên báo đâu.
* Vậy có thể nói thêm một chút là khoảng khi nào thì vở piano tuồng được công diễn?
- Mình đã nói là có điều kiện thì làm. Những ý tưởng khác cho piano với âm nhạc dân gian dân tộc cũng vậy thôi. Tất nhiên là mình vẫn cố gắng để mỗi năm có một cuộc biểu diễn với piano.
Piano và trường dạy đàn cho trẻ em
* My nói không kiếm tiền được bằng nghề biểu diễn. Vậy hỏi đơn giản là My sống bằng gì?
- My có một công ty đồ gỗ, tiếp quản từ ông xã. Nhưng không nói chuyện riêng tư thêm trên báo đâu. (Cười).
* Nói chuyện với My, thấy My vẫn còn nguyên hứng thú với cây đàn trong một mâu thuẫn là không được toàn tâm toàn ý với nó, biểu diễn, sáng tạo, sống bằng nó và cùng nó...
- Thì cũng như bạn nói lúc nãy về một thứ không thể giải quyết ấy. Chỉ còn cách là cứ hồn nhiên sống... Vì thế, mình rất muốn mở một trường dạy piano cho trẻ em.
* Nói một cách văn vẻ là để tiếp nối những giấc mơ sự nghiệp dở dang của mình?
- (Cười). Mình thích tạo ra một môi trường âm nhạc như nơi mình đã từng được học, để lũ trẻ đến đó, hứng thú, say mê, phụ huynh cũng có điều kiện chứng thực khả năng và sự tiến bộ của con mình, chứ không phải lo nơm nớp chuyện con trả bài thế nào, con được điểm mấy... Mình không đào tạo chuyên nghiệp nhưng mong muốn cho lũ trẻ được học trong một môi trường chuyên nghiệp.
* Kế hoạch về trường học này đang trong giai đoạn nào?
- Chắc chỉ một tháng nữa thôi là nó đi vào hoạt động được. Cơ sở vật chất đã có sẵn, một trường mẫu giáo tiêu chuẩn quốc tế.
* My không phải đầu tư tài chính mà chỉ phải đầu tư ý tưởng, ý thích, các mối quan hệ cần thiết để làm nên một hợp doanh. Vậy có thể làm gì cho sự bền lâu của ý thích này?
- Để trả lời câu hỏi này, mình sẽ nói thêm, mình làm việc này ngoài ý thích còn là một việc trả ân nghĩa. Trẻ con hay lắm, chúng rất có năng khiếu và sự trong sáng người lớn không tài nào sánh kịp. Trong trường mẫu giáo ấy, có nhóc sử dụng cùng lúc ba, bốn ngoại ngữ với bạn, cô giáo, cha mẹ... rất tốt. Riêng về lớp nhạc, mình vẫn tin là nếu có sự hứng thú và say mê học thì trẻ em sẽ sáng tạo vô biên luôn.
Piano… tại sao?
* My còn nhớ lí do để chọn cây đàn này không?
- Mình học đàn từ 5 tuổi, khi mới bắt đầu, có học cả violon, nhưng do ngón út ngắn quá nên hạn chế.
* My có chịu một sự “hướng đạo” nào đó của gia đình hay người thân khi quyết định học piano không?
- Có chứ, trẻ con thì chẳng thể tự định hướng, may ra thì biết thích. Biết thích đã là tốt lắm rồi. Trong nhà mình, mọi người ngày nào cũng tập đàn, nghe từ lúc mới sinh ra thì nó như một thói quen tự nhiên thôi.
5 tuổi, Phó An My làm quen với chiếc đàn piano. 13 tuổi, chị sang Berlin (Đức) thi đỗ vào Trường E.M. Phillips Bach - một trong những trường đào tạo âm nhạc tốt ở Đức. Dù được nhận học bổng của trường nhưng Phó An My vẫn làm thêm một số “nghề” phụ như xếp báo, rửa bát để có thêm tiền trang trải việc ăn học. Trong mắt bạn bè và các giáo viên của trường, Phó An My là cây piano được tín nhiệm tại các cuộc thi song tấu với kèn. Chị từng đoạt giải nhất cuộc thi song tấu piano - clarinette của TP. Berlin năm 1996. Chị tốt nghiệp loại xuất sắc, năm 1998. |
- Tập đàn thì không nhiều, còn nhìn thấy đàn thì yên tâm. Vả lại công việc ở công ty nhiều lúc bận, có thể tiện đến đâu có đàn thì tập. Nhất là những lúc sắp có chương trình diễn, ngủ cũng không yên.
* Thấy My sống phân thân rất tốt, là nghệ sĩ khi chơi đàn, làm một người kinh doanh, làm một người bình thường và sống thực tế..., điều này về bản thân, My đã có khi nào nghĩ ngợi đến? Và suy cho cùng, ý nghĩa của cây đàn với My giữa cuộc sống bộn bề này là gì vậy?
- Bạn hỏi mình như hỏi một người bị bệnh đa nhân cách vậy (cười lớn), đùa đấy. Mình lúc nào cũng cuống quýt, đến cuối ngày, nhìn lại, chẳng làm được gì... Âm nhạc lúc này cho mình sự giải tỏa.