Trong dòng chảy lịch sử nghìn năm dựng nước và giữ nước, văn hóa của 54 dân tộc anh em không chỉ là biểu tượng của sự phong phú và đa dạng, mà còn là cội nguồn tạo nên sức mạnh tinh thần, là nguồn lực chiến lược để xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Bản sắc văn hóa - sức mạnh tinh thần dân tộc
Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là cội nguồn hun đúc nên bản lĩnh, nhân cách và sức mạnh nội sinh của một dân tộc. Theo các tài liệu sử học, Việt Nam là một cộng đồng văn hóa rộng lớn, hình thành từ khoảng nửa đầu thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên, phát triển rực rỡ vào giữa thiên niên kỷ này và không ngừng tiếp biến qua các giai đoạn lịch sử. Và trong hàng trăm năm giao lưu và tiếp xúc với văn hóa phương Tây dưới nhiều hình thức, văn hóa Việt Nam vẫn giữ vững bản sắc riêng, đồng thời không ngừng hiện đại hóa, thích nghi với thời đại.
Nét đặc trưng nổi bật của văn hóa Việt Nam là sự kết hợp hài hòa giữa tính thống nhất và tính đa dạng. Tính thống nhất thể hiện rõ ở ý thức quốc gia, tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết, lối sống nhân ái và sự gắn bó cộng đồng - những giá trị bền vững được hình thành trong bối cảnh lịch sử, địa lý và điều kiện chính trị-xã hội đặc thù của dân tộc. Trong khi đó, tính đa dạng được thể hiện sinh động qua sự phong phú về ngôn ngữ, tín ngưỡng, phong tục tập quán, lễ hội, trang phục, kiến trúc, tổ chức xã hội và đời sống nghệ thuật của 54 dân tộc anh em cùng sinh sống trên dải đất hình chữ S.

Màn múa rối cạn tại lễ khai hội chùa Hương 2025. Ảnh: Trần Việt - TTXVN
Mỗi dân tộc thiểu số trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam là một thực thể văn hóa độc đáo, kết tinh từ quá trình lao động, sáng tạo và thích nghi với môi trường tự nhiên, xã hội qua nhiều thế hệ. Những bộ trang phục truyền thống rực rỡ, được dệt thêu công phu của người Mông, Dao, Ê Đê… không chỉ phản ánh vẻ đẹp thẩm mỹ, mà còn chứa đựng giá trị lịch sử, nghệ thuật và nhân sinh quan của từng tộc người. Những làn điệu dân ca then, khèn, cồng chiêng… hay các lễ hội đặc sắc như Gầu Tào, Ok Om Bok… là minh chứng sống động cho sức sống bền bỉ của văn hóa dân gian trong đời sống cộng đồng.
Không thể không nhắc đến vai trò đặc biệt của các lễ hội truyền thống - không gian văn hóa sống động trải khắp mọi miền đất nước. Với hơn 6.000 lễ hội dân gian lớn nhỏ, các làng quê Việt Nam trở thành những điểm hội tụ của tín ngưỡng dân gian, nơi cộng đồng tưởng nhớ công đức tổ tiên, tôn vinh anh hùng dân tộc, thực hành nghi lễ và thể hiện đời sống tinh thần phong phú. Những lễ hội tiêu biểu như Hội Gióng, Lễ hội Đống Đa, Lễ hội Chùa Hương, Yên Tử… vừa mang giá trị lịch sử sâu sắc, vừa là cơ hội để các thế hệ gắn kết, giáo dục đạo lý "uống nước nhớ nguồn", vun đắp tinh thần cố kết cộng đồng. Nhiều lễ hội còn phản ánh khí phách quật cường chống giặc ngoại xâm, khơi dậy niềm tự hào và ý thức trách nhiệm với vận mệnh đất nước.
Đặc biệt, không gian văn hóa dân gian - từ dân ca quan họ, ca trù, hát xoan đến dân ca ví giặm - là kho tàng nghệ thuật phi vật thể quý giá, kết tinh từ lao động sáng tạo và đời sống tinh thần của Nhân dân. Đây không chỉ là những giá trị nghệ thuật đặc sắc, mà còn là biểu hiện sâu đậm của tinh thần dân tộc, gắn bó mật thiết với lịch sử phát triển của cộng đồng làng xã - đơn vị cơ sở của xã hội Việt Nam truyền thống.
Có thể khẳng định rằng, văn hóa Việt Nam là sự thống nhất trong đa dạng - một chỉnh thể hài hòa giữa các sắc thái văn hóa khác nhau, trong đó tính thống nhất không triệt tiêu sự đa dạng, mà chính là cơ sở để các sắc màu văn hóa có cơ hội giao thoa, bổ sung và làm giàu cho nhau. Quá trình tiếp xúc, học hỏi và kế thừa giữa các dân tộc trong đại gia đình văn hóa Việt Nam đã tạo nên một nền văn hóa giàu bản sắc nhưng luôn chuyển động, cởi mở, thích ứng với sự biến đổi của thời đại.

Lễ vật phẩm Voi chiến cúng tiến của xã Đức Hòa trong Lễ hội Gióng đền Sóc năm 2025. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN
Nguồn lực quan trọng để phát triển bền vững đất nước
Những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc anh em không chỉ là sản phẩm kết tinh từ hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, mà còn là "lực đẩy" bền vững cho công cuộc phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa. Từ tiếng nói, trang phục, ẩm thực đến lễ hội, nhạc cụ, nghề thủ công… mỗi yếu tố văn hóa đều hàm chứa tiềm năng sáng tạo nếu được khai thác đúng cách. Bản sắc dân tộc không còn là câu chuyện chỉ để lưu giữ, mà đang dần trở thành nền tảng để phát triển kinh tế, tạo dựng sinh kế và xây dựng thương hiệu quốc gia.
Trong kỷ nguyên công nghiệp văn hóa, bản sắc chính là nguyên liệu cốt lõi để tạo nên những sản phẩm độc đáo, có dấu ấn riêng. Thổ cẩm của người Mông, sử thi Ê Đê, điệu then của người Tày, nhạc ngũ âm Khmer hay các trò diễn dân gian truyền thống đều có thể trở thành nội dung cho các sản phẩm điện ảnh, sân khấu, thời trang, sách, mỹ thuật đương đại... Sự kết hợp giữa di sản và công nghệ sáng tạo đang mở ra hướng đi mới cho các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Không chỉ là nền tảng của sáng tạo, văn hóa truyền thống còn là tài nguyên quý giá cho phát triển du lịch bền vững. Trong nhiều năm trở lại đây, các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm gắn với bản sắc dân tộc thiểu số đang phát triển mạnh tại Hà Giang, Lào Cai, Sơn La, Đắk Lắk, Ninh Thuận...
Việc phát huy văn hóa bản địa còn đóng vai trò lớn trong việc tạo sinh kế và nâng cao chất lượng đời sống người dân. Khi giá trị văn hóa được "kích hoạt" đúng cách, người dân có thể sống bằng chính nghề truyền thống. Họ trở thành hướng dẫn viên du lịch, nghệ nhân biểu diễn, thợ dệt, người sáng tạo nội dung, người làm dịch vụ lưu trú... Không cần rời bản làng để tìm việc, người dân có thể phát triển kinh tế ngay trên chính mảnh đất của mình - mà vẫn giữ gìn, nuôi dưỡng và truyền lại di sản văn hóa.
Bên cạnh đó, các chương trình như "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) đang giúp hiện thực hóa giá trị văn hóa thành sản phẩm kinh tế. Những mặt hàng gắn với tri thức bản địa như gạo Séng Cù, mật ong bạc hà, rượu cần, chè Shan tuyết, đồ mây tre đan… được chuẩn hóa mẫu mã, gắn thương hiệu, quảng bá trên nền tảng số và đưa ra thị trường trong nước lẫn quốc tế. Từ chỗ là sản phẩm truyền thống phục vụ nội bộ, nhiều mặt hàng của các dân tộc thiểu số nay đã trở thành sản phẩm OCOP đạt sao, góp phần khẳng định giá trị văn hóa qua kênh kinh tế thị trường.
Đây chính là hướng phát triển bền vững nhất: phát triển kinh tế dựa trên nội lực văn hóa, trong đó mỗi cộng đồng dân tộc không chỉ là chủ thể gìn giữ di sản, mà còn là người sáng tạo, người hưởng lợi và người đưa văn hóa bước vào tương lai. Khi di sản không còn là "tài sản chết", mà trở thành "nguồn lực sống" cho hiện tại, thì đó chính là lúc văn hóa thực sự trở thành động lực cho một Việt Nam phát triển toàn diện, bao trùm và hạnh phúc.
Tuy nhiên, để những tiềm năng ấy thực sự phát huy hiệu quả và trở thành động lực phát triển quốc gia, điều cốt lõi là chúng ta phải bảo tồn được cốt lõi văn hóa truyền thống. Bởi nếu di sản văn hóa bị mai một hoặc đồng hóa, thì mọi nỗ lực phát triển từ "gốc rễ" sẽ khó bền vững. Chính vì vậy, các chính sách gìn giữ và phát huy văn hóa các dân tộc đang ngày càng trở nên cấp thiết và toàn diện.

Màn múa khèn bên chảo thắng cố của đồng bào dân tộc Mông. Ảnh: Khánh Hoà - TTXVN
Nỗ lực bảo tồn, phát huy và quảng bá văn hóa dân tộc
Trên nền tảng nhận thức sâu sắc về vai trò chiến lược của văn hóa, đặc biệt là văn hóa các dân tộc thiểu số, Đảng và Nhà nước ta đã không ngừng nỗ lực trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa quý báu của dân tộc.
Ngay từ năm 1946, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi." Từ đó đến nay, tư tưởng ấy luôn là kim chỉ nam trong mọi quyết sách về phát triển đất nước.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh một thông điệp sâu sắc, trở thành định hướng căn cốt cho các chính sách văn hóa hiện nay: "Văn hoá là hồn cốt của Dân tộc", "Văn hóa còn thì dân tộc còn", "Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước".
Tiếp nối tinh thần đó, Tổng Bí thư Tô Lâm trong các bài viết, bài phát biểu của mình cũng nhiều lần khẳng định: "Văn hóa là sản phẩm đặc biệt của con người, của dân tộc. Giữ gìn và phát huy sức mạnh của văn hóa là lĩnh vực mà bất cứ quốc gia nào cũng phải quan tâm bởi nhiệm vụ này gắn liền với sự phát triển xã hội, làm phong phú đời sống tinh thần của người dân và sự vận hành hiệu quả của nhà nước" (1); "Đẩy mạnh hội nhập toàn diện về văn hóa… nhưng phải gắn với bảo tồn, phát huy và quảng bá văn hóa dân tộc". (2)
Các tư tưởng, định hướng trên đã được cụ thể hóa qua nhiều chính sách, chương trình lớn, từ Đề cương văn hoá Việt Nam (1943), Nghị quyết 33-NQ/TW (2014) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, đến các chiến lược, chương trình của Thủ tướng Chính phủ như: Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa (QĐ 1755/QĐ-TTg, 2016), Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 (QĐ 1909/QĐ-TTg, 2021), Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (QĐ 1719/QĐ-TTg, 2021) và Chương trình tổng thể phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023-2025 (QĐ 515/QĐ-TTg, 2023).
Từ trung ương đến địa phương, các hoạt động bảo tồn văn hóa dân tộc diễn ra ngày càng sâu rộng. Hiện có 3 bảo tàng trung ương và 65 bảo tàng cấp tỉnh trưng bày di sản các dân tộc. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hỗ trợ phục dựng hơn 80 lễ hội truyền thống, mở hàng trăm lớp truyền dạy nghề thủ công, nghệ thuật dân gian, đặc biệt là với các dân tộc rất ít người như Chứt, Rơmăm, Si La, Pu Péo… Hơn 30 buôn làng truyền thống đã được đầu tư xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với gìn giữ di sản. Sau hai đợt xét tặng năm 2015 và 2019, đã có hơn 500 nghệ nhân dân tộc thiểu số được phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Nghệ nhân Ưu tú".
Đặc biệt, nhiều địa phương đã lồng ghép văn hóa dân tộc vào chương trình giáo dục, đưa tiếng nói dân tộc vào trường học, phục dựng các làn điệu dân ca, nhạc cụ truyền thống, tổ chức các hội thi văn hóa cộng đồng. Truyền thông số cũng đóng vai trò quan trọng khi nhiều bạn trẻ dân tộc thiểu số chủ động quảng bá bản sắc văn hóa qua các nền tảng mạng xã hội.
Trong hành trình phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc, không có con đường nào chắc chắn hơn là đi từ chiều sâu văn hóa. Văn hóa các dân tộc Việt Nam, với sự phong phú và sáng tạo chính là nền tảng tinh thần, là sức mạnh nội sinh lớn lao để đất nước vươn lên trong hội nhập. Và giữ gìn văn hóa không có nghĩa là lưu giữ trong tủ kính, mà phải làm sống dậy trong đời sống, lan tỏa trong từng cộng đồng, từng gia đình, từng thế hệ. Khi mỗi người dân thấy tự hào với trang phục, ngôn ngữ, lễ hội, nghệ thuật của chính dân tộc mình, thì khi đó, văn hóa thực sự là nguồn lực kiến tạo tương lai.
(1): Trích Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt với đội ngũ văn nghệ sĩ
(2): Trích Bài viết Vươn mình trong hội nhập quốc tế của Tổng Bí thư Tô Lâm
Tags