Ngày Tết và ước muốn về với ao làng

Thứ Tư, 07/02/2018 07:09 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - “Ao làng là một hố bom/ Đêm đêm ếch nhái nỉ non tứ bề/ Chị thường gánh nước đêm Hè/ Tưới rau ướt cả xuân thì chị ơi/ Ao làng bèo không thể trôi? Sung thì cứ rụng, mây trời cứ bay”…

Tôi post những vần thơ đó lên trang cá nhân, bà chị hàng xóm ở quê còm-men (comment): Về mà xem ao làng đã lấp rồi. Đường thênh thang.

Có gì đó ngậm ngùi. Làng tôi cũng như nhiều ngôi làng khác ở miền Bắc, có cái ao ở giữa làng, ngoài vai trò “lá phổi”, còn như một biểu tượng văn hóa. Từ cái ao này, bao nhiêu kỷ niệm lăn qua các thế hệ. Vui nhất là thời bao cấp,mỗi lần làng tát cá, người dân chen nhau kín cả 4 bờ ao. Lũ trẻ chờ người lớn bắt xong cá, thì ùa xuống “hôi” cá. Có cây sung cạnh ao, quả cứ rơi bì bõm bốn mùa. Biết bao đứa trẻ biết bơi nhờ cái ao làng bé nhỏ.

Chú thích ảnh
Ao làng. Ảnh: Internet

Rồi chúng tôi đi xa. Mỗi lần về quê, nhất là dịp Tết, bước qua cổng làng, nhìn cái ao, đã trào dâng niềm thương mến. Tết về, nhìn làng quê thay đổi nhiều, những người bạn khỏe mạnh, chân chất vô ưu, tự hỏi: Người ở lại hay người ra đi sướng hơn? Chẳng đã có câu: “Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong, dù đục ao nhà vẫn hơn”?

***

Càng có tuổi, nỗi nhớ làng càng nặng. Nhiều người bạn, tất nhiên sinh ra từ nông thôn, bảo rằng chỉ có ăn Tết ở quê mới trọn vẹn hạnh phúc. Tết năm nào cũng vậy, vé tàu, xe thường cháy rất sớm,sở hữu được tấm vé phải bở cả hơi tai.

Có từng đi tàu hỏa hay đường bộ dặm dài Tổ quốc, mới thấydòng người ùn ùn đổ về quê ăn Tết đông khủng khiếp. Phố phường mấy ngày Tết bỗng dưng thênh thang ra.

Không lạ khi báo chí mấy ngày nay đưa tin, sân bay Tân Sơn Nhất “vỡ trận”, vì lượng khách đón người thân là Việt kiều về quê ăn Tết quá đông. Tôi từng nghe một anh bạn Việt kiều Mỹ tâm sự: Chỉ ở hoàn cảnh như anh mới thấm thía thế nào là thiếu quê hương. Nhớ Việt Nam không thể tả xiết. Chẳng qua, vì hoàn cảnh phải ly hương, ai mà chẳng yêu, muốn sống trọn đời ở Việt Nam. Đúng thế, tình yêu Tổ quốc khó mà đong đếm.

Nhiều người trong số chúng ta, còn may mắn khi dù ở xa quê hương, nhưng chỉ cần 1-2 tiếng đồng hồ bay, hoặc một ngày đi xe, đã có thể diện kiếncái ao làng, cùng người thân. Còn các Việt kiều thì khó hơn vì đường xa vạn dặm.

***

Thực ra, khái niệm "về tắm ao nhà vẫn hơn", đã thuộc về tư duy xưa cũ. Bất cứ ông bố bà mẹ nào cũng muốn con mình học hành phương trưởng, rời xa quê hương để phát triển sự nghiệp, vẻ vang dòng dõi.Phấn đấu sao để bản lĩnh, trí tuệ, tư tưởng, hành trang có thể vươn ra biển lớn, trở thành công dân toàn cầu…

Đấy là góc độ cá nhân. Còn lớn hơn, ở mọi lĩnh vực khác của đất nước, mong rằng mỗi lần Xuân về, các chỉ số chứng minh đã vươn tầm “ao làng”.Bóng đá vừa rồi cũng gặt hái nhiều thành công, điển hình là U23 Việt Nam đã vươn tầm châu lục, nhưng xem ra vẫn cần duy trì đẳng cấp ổn định.

Nói chung Tết thì vui thật, nhưng cũng đủ nỗi quan hoài. Sợ nhất là cảnh quá nhiều lễ hội biến tướng, nên nhiều người chọn về làng ăn Tết. Năm nay, tôi tiếc cho cái ao làng mình đã bị lấp. Phát triển diện mạo làng xã cũng cần phải giữ gìn những biểu tượng văn hóa thiêng liêng.

Sân bay Tân Sơn Nhất 'chật cứng' thân nhân đón người nhà về quê ăn Tết

Sân bay Tân Sơn Nhất 'chật cứng' thân nhân đón người nhà về quê ăn Tết

Ngày 6/2, hàng nghìn người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bến Tre, Long An... đổ về đón thân nhân ở nước ngoài khiến sảnh chờ ga quốc tế Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất quá tải.

Hữu Quý

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›