(Thethaovanhoa.vn) - Sáng kiến "khoán hộ" hay "Cải tiến công tác quản lý lao động hợp tác xã" năm 1966 của Kim Ngọc đã dẫn đến "khoán 10" hay "Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1988", tháo bỏ sự ràng buộc, kìm hãm của cơ chế quản lý lạc hậu, đưa Việt nam bao năm thiếu thốn lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo thứ hai trên thế giới.
Ngày 26 tháng 5 năm 1979, ông mất ở tuổi 62 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, Hà Nội.
Nhìn lại cuộc đời đồng chí Kim Ngọc, người được mệnh danh là cha đẻ của “khoán hộ”, người có công rất lớn với nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Đồng chí Kim Ngọc - tên thật là Kim Văn Nguộc, sinh 10-10-1917, tại xã Bình Định, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông vào Đảng năm 1939, năm 1954 là Phó Chính ủy Quân khu Việt Bắc, năm 1958 là Bí thư tỉnh uỷ Vĩnh Phúc. Từ năm 1968 đến 1977, ông là Bí thư tỉnh Vĩnh Phú. Năm 1995, ông đã được Đảng, Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng nhất.
Những năm 60 của thế kỷ XX, nông thôn miền Bắc bước vào phong trào hợp tác hoá nông nghiệp. Nhưng chỉ qua năm đầu tiên, chuyện làm ăn hợp tác xã đã bộc lộ những nhược điểm đó là năng suất, hiệu quả lao động quá thấp. Ban quản trị hợp tác yếu về trình độ quản lý, xã viên làm ăn theo kiểu cầm chừng, “cha chung không ai khóc”. Xã viên một số nơi bắt đầu chán nản. Họ chỉ chăm chút phần đất rau xanh, phần đất được để dành lại 5% trước khi vào hợp tác xã. Những phần đất của hợp tác xã thì chờ đợi mỗi khi có kẻng đánh họ mới làm... Mỗi lần đi cơ sở thực tế trở về, Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phú Kim Ngọc đều băn khoăn trước việc nông dân không thiết tha với ruộng đất tập thể. Ông nghĩ phải tìm cho nông dân cách làm ăn hiệu quả ngay trên mảnh đất quê hương.
Vụ mùa năm 1966, ông cho lập một tổ công tác xuống hợp tác xã thôn Thượng (xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường), một huyện được coi là trọng điểm lúa lúc bấy giờ để thực hiện “khoán”. Sau khi cày bừa xong, từ việc cấy, chăm sóc đồng ruộng, làm cỏ, bón phân, tát nước đến thu hoạch, đội sản xuất giao khoán hết cho lao động, thực chất là giao khoán cho hộ làm trên một thửa đất nhất định, ruộng rộng hay hẹp tính theo khả năng lao động của mỗi gia đình. Vụ mùa năm đó thắng lớn, năng suất lúa đạt trên 4 tấn/ha. Vụ lúa xuân cùng năm lại thắng lớn nữa, năng suất lúa đạt trên 5 tấn/ha. Vĩnh Phúc đã có cánh đồng 5 tấn từ đấy. Tin thôn Thượng đưa vụ lúa xuân giống mới cùng với việc “khoán hộ” lan truyền khắp tỉnh làm nức lòng bà con.
Bà con được nhận khoán vô cùng phấn khởi, họ luân chuyển mùa vụ liên tiếp trên mảnh đất được giao, cuối vụ chỉ việc đóng sản lượng cho hợp tác xã. Ở Đại Đồng lúc đó, bà con nông dân không cho đất nghỉ, hết vụ lúa mùa, lúa xuân thì lại đưa cây hoa màu như khoai lang, khoai tây vào canh tác. Đặc biệt, lại còn đưa cả dưa hấu vào trồng, mà đến nay thương hiệu “dưa hấu Đại Đồng” vẫn còn được lan truyền khắp vùng trung du Bắc Bộ. Hợp tác xã thì thu đủ sản lượng nộp lên trên, hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước. Bà con nông dân thì ấm no, hồ hởi.
Dựa trên những mô hình thí điểm “khoán” kết quả đó, ông và các đồng chí của ông đã soạn thảo nghị quyết về quản lý lao động nông nghiệp trong hợp tác xã. Ngày 10-9-1966, văn bản được thông qua Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, 100% đều nhất trí với tên gọi “Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy một số vấn đề quản lý lao động nông nghiệp trong hợp tác xã hiện nay”. Nghị quyết mang số 68/NQ-TU, do Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc là Trần Quốc Phi ký. Từ đó “khoán hộ” trở thành hình thức khoán phổ biến ở Vĩnh Phúc. Sau một năm khoán hộ, đã có trên 100 hợp tác xã của Vĩnh Phúc đạt năng suất lúa 6 đến 7 tấn/ha. Sản lượng thóc tăng tới 22 vạn tấn, điều chưa từng xảy ở Vĩnh Phúc.
Trong những năm 60 của thế kỷ trước, tư duy vượt trước thời đại của ông là điều bất thường. Và trong xu thế ngày ấy, “khoán hộ” không được tiếp tục thực hiện.
Sau hơn 20 năm kể từ khi đồng chí Kim Ngọc khởi xướng việc “khoán hộ”; năm 1988, Nghị quyết về “khoán hộ” được Bộ Chính trị chính thức ban hành (gọi là khoán 10). Và cũng diệu kỳ như ở Vĩnh Phú cuối những năm 60, chỉ 2 năm sau thực hiện khoán 10, Việt Nam từ một nước thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới.
Thời điểm đồng chí Kim Ngọc khởi xướng “khoán hộ” cách đây gần nửa thế kỷ, nhưng tư duy, dũng khí đổi mới của Kim Ngọc vẫn còn nguyên giá trị. Ông xứng đáng với sự đánh giá của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: “Công lao anh Kim Ngọc thật lớn, cần phải dựng tượng để tỏ lòng biết ơn con người như anh Kim Ngọc”.
Năm 1996, để tỏ lòng biết ơn đồng chí Kim Ngọc, 2 ngôi trường nơi ông sinh ra ở xã Bình Định, huyện Yên Lạc được mang tên ông.
Năm 2005, một trong những con đường đẹp nhất của Vĩnh Phúc cũng được mang tên ông.
Sau khi về hưu, ông bà Kim Ngọc đều khước từ những căn hộ mà tỉnh bố trí cho ở nơi phố xá sầm uất. Ông đề xuất với tỉnh cho ông ra ở một cái gò, trước vốn là khu nghĩa địa cũ cạnh đầm Vạc. Tự tay ông vẽ kiểu nhà cấp bốn và cho thợ xây lên.
Tư tưởng của ông, công lao của ông sẽ sống mãi với thời gian, trở thành bài học lớn, luôn sống động và mang tính thức tỉnh, đặc biệt trong giai đoạn đất nước đang đòi hỏi tiếp tục đổi mới ngày nay. Cũng như vậy, tên tuổi những con người “vì dân, vì nước”, dám đổi mới, dám dấn thân như Kim Ngọc sẽ sống mãi với dân tộc, với thời gian. Đó là thông điệp lớn mà sự kiện Kim Ngọc gửi mọi người, cho thế hệ đang sống và thế hệ mai sau.
Vnews
Tags