Sắp Tết. Những ngày cuối năm này mọi người đều hướng về cái Tết. Sửa sang lại căn nhà cho sáng láng.
Bây giờ những nhà khá giả đã nghĩ đến lùng tìm mua tranh cho phòng khách. Bạn tôi đi tìm mua những bức tranh nhỏ, giá vài ba triệu làm quà tặng cho những người bạn tâm đắc với hội họa nhưng chưa mạnh dạn chọn mua bởi chưa tự tin.
Câu chuyện chọn tranh gợi cho tôi nhớ lại chuyện mấy chục năm trước đây, có một vị tiến sĩ, kiến trúc sư đến nhờ tôi chọn tranh giúp. Ông bảo, đã sưu tập được trên 200 bức các chất liệu màu nước, khắc gỗ, sơn dầu, sơn mài, nhờ tôi đến phân loại số tranh này.
Ông đến lần thứ ba đều vào lúc tôi đang dở việc cơ quan, không đi được. Tôi đành bảo: Anh ạ, nếu nhờ tôi chọn, bộ tranh của anh tôi lựa được 50 tranh tâm đắc, cũng chưa chắc là tranh tốt nhất đâu. Vì nếu anh nhờ người thứ hai, có khi họ chọn được 80 tranh, trong đó thêm nhiều tranh tôi không chọn, hoặc có cái tôi chọn, anh ta lại để ra ngoài. Đến người thứ ba chọn được 120 bức, thì hiện tượng bỏ lại tranh tôi và người thứ hai đã chọn cũng sẽ xảy ra. Vậy ba người, ai đúng ai sai? Nghe thế anh sẽ ù tai, không tin vào sự lựa chọn của mình. Có phải không?
Tôi lại bảo ngay, 3 người chẳng ai sai đâu, đều đúng cả đấy. Anh ngạc nhiên: Sao có thể như thế? Tôi phải giải thích rành rẽ cho anh rõ: Đây nhé, tôi là người chuộng gam màu đẹp, nên cứ tranh có gam màu tôi ưa là tôi chọn. Anh thứ hai thích lối vẽ mạnh mẽ, đường nét mạch lạc cứng cỏi, thì sẽ chọn tranh theo hướng ấy. Người thứ ba chỉ thích tranh đề tài xã hội, thì anh ta sẽ chọn những tranh có nội dung tương ứng.
Vậy trước sự lựa chọn của 3 người, anh sẽ thấy rối tung lên, không biết tranh nào đẹp, xấu nữa, và trở nên hoang mang. Tự nhiên anh mua cái hoang mang vào mình khi đặt niềm tin lên mắt, lên đầu người khác.
Tôi bảo anh hãy tin bộ sưu tập của mình là đẹp. Không thấy đẹp thì sao anh bỏ tiền ra mua và đem đồ vật quý ra để đổi lấy tranh về?
***
Nghệ thuật là thế. Không phải tranh nào cũng vừa mắt mọi người. Chơi tranh phải tin vào ý thích của mình, chọn lối tranh mình thích. Nó đẹp trong mắt mình, mình hãy chọn. Lúc ấy, anh mới lờ mờ nhận ra ý kiến đó là xác đáng, không băn khoăn về bộ sưu tập của mình nữa.
Tôi lại nhớ năm trước về quê, đem tranh mình vẽ tặng cho hai chị gái và mấy chú em. Gần chục bức tranh mà mọi người chỉ trầm trồ mỗi tranh vẽ chăn trâu. Bởi nó là kỉ niệm gần gũi với mọi người nhà quê, còn tĩnh vật hoa lá đều không hấp dẫn, chỉ được khen là vẽ khéo quá!
Trong thưởng thức nghệ thuật, người ta chỉ thích những cái gì hiểu được. Hiểu được vì nó gần gũi quen thân với mình. Câu ca dao xưa: "Chồng ta áo rách ta thương/ Chồng người áo gấm xông hương mặc người" là rất đúng với tinh thần thưởng ngoạn nghệ thuật đấy. Cứ thế mà theo.
Không có thứ nghệ thuật vừa mắt tất cả mọi người đâu, nên chớ vì khen chê mà ngã lòng đối với tình yêu của mình.
Tags