Ngẫm ngợi cuối tuần: Thương hiệu của thời gian

Chủ nhật, 13/04/2025 06:59 GMT+7

Google News

Đề nghị giữ nguyên tên gọi các di sản, di tích sau sắp xếp các đơn vị hành chính - đó là một trong những nội dung từ văn bản vừa được Bộ VH,TT&DL gửi tới các địa phương trên toàn quốc.

Theo văn bản, tên gọi các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh/thành phố đã được xếp hạng... cần giữ nguyên để không làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích cũng như các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của di tích.

Tương tự, tên gọi các di sản văn hóa phi vật thể cũng cần giữ nguyên để không làm thay đổi giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học của di sản.

***

Như chia sẻ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Chủ tịch Hội nhà văn) với người viết, văn bản của Bộ VH,TT&DL đã chạm đúng vào suy nghĩ của nhiều người trong những ngày qua, khi chúng ta đứng trước đợt sắp xếp các đơn vị hành chính các cấp trên quy mô toàn quốc.

Tại đó, bên cạnh sự chờ đợi, và đồng thuận trước một chủ trương hợp lý, khoa học trong bối cảnh hiện tại, một câu hỏi được đặt ra: Trên lý thuyết, việc sắp xếp, sáp nhập tới đây có thể dẫn tới việc một số đơn vị hành chính không còn giữ nguyên tên gọi ban đầu. Vậy, những di tích, di sản có tên gọi vốn gắn liền với một tỉnh/thành phố/huyện cũ liệu còn tồn tại như đang có?

Ngẫm ngợi cuối tuần: Thương hiệu của thời gian - Ảnh 1.

Phở Nam Định. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Phở Nam Định, Mì Quảng, Võ cổ truyền Bình Định, Hát bội Bình Định (Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia), Công viên địa chất Đắk Nông (được UNESCO ghi danh vào mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu)... là những ví dụ dễ thấy cho câu hỏi này. Trong đó, một cách tự nhiên, những món quen thuộc với đời sống ngày thường như Phở Nam Định và Mì Quảng đang được cộng đồng liên tục "gọi tên" trên mạng xã hội.

Còn bây giờ, như tinh thần của văn bản từ Bộ VH,TT&DL, nỗi lo "mất tên" của nhiều di sản đã được gạt bỏ, trong sự hân hoan của cộng đồng.

***

Rõ ràng, từ góc độ quản lý, đây là một lựa chọn hợp lý, khoa học - và xa hơn, có cả sự nhân văn cần thiết, khi tôn trọng những di sản vốn gắn với cả một miền ký ức và cách tri nhận của cả một cộng đồng, thay vì bó hẹp trong địa phương sở hữu di sản.

Bởi như lời nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, những cái tên di sản đang có không phải là sản phẩm của một giai đoạn hay một thời kỳ. Đó là sự lao động sáng tạo, với mồ hôi, niềm tự hào - và nước mắt - của nhiều thế hệ.

Ông nói:"Những cái tên tưởng như đơn giản ấy không chỉ là di sản và tài sản của tất cả người Việt Nam. Đó là một phần quan trọng trong hành trang của chúng ta, để có thể tạo nên những tinh thần văn hóa mới, trong những bước đi sau này của đất nước".

Và cuối cùng, cũng phải nói thêm: Việc giữ tên các di sản, di tích cũ là một lựa chọn đáng trân trọng không chỉ từ góc độ truyền thống. Đó còn là câu chuyện về chiến lược phát triển thương hiệu gắn với văn hóa, du lịch và thương mại.

Bởi, khi một địa danh trở thành tên một sản phẩm - như phở Nam Định hay mì Quảng…, đó không còn là thông tin địa lý đơn thuần. Nó trở thành nhãn hiệu chất lượng, một thứ danh tiếng được cả cộng đồng kiểm chứng trong rất nhiều năm.

Chính thời gian, với sự kiên nhẫn của hàng chục thế hệ, đã tạo nên những thương hiệu mang tên địa phương, được hun đúc từ ký ức, truyền thống và tình cảm.

Không có chiến dịch marketing nào thay thế được việc 3 - 4 thế hệ trong một gia đình cùng ăn một món, cùng gọi nó bằng một cái tên đơn giản như mì Quảng hay phở Nam Định. Không có khoản đầu tư nào "tạo mới" được sự trân trọng tự nhiên mà người ta dành cho một thương hiệu gắn với một địa danh, một vùng quê giàu bản sắc.

Và khi thời gian tạo ra một chiều kích tình cảm - khiến thương hiệu văn hóa không còn là một cái tên, mà là một mảnh căn cước gắn với ký ức mỗi người - thì việc giữ gìn nó đương nhiên không phải sự hoài niệm hay cố chấp. Đó là sự cần thiết để hướng về tương lai!

Trí Uẩn

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›