Ngẫm ngợi Cuối tuần: Gốc gác thôn quê

Thứ Bảy, 06/07/2024 07:32 GMT+7

Google News

Thời đại nào cũng vậy, người ta cho rằng, có tí chức tước, dù nhỏ, cũng còn hơn chẳng có tí gì trong tay. Kẻ hãnh tiến thì thi thố quyền lực khi tại vị, người  yếm thế, thì tí chức quyền coi như có cây gậy chống, đi đường cho yên tâm. Không đánh được ai thì cũng đủ dọa chó đuổi mèo, xua mấy con muỗi vo ve.

Anh chàng AQ của Lỗ Tấn (trong "A Quy chính truyện") là người mơ về cây gậy và giấc mơ quyền lực. AQ hay hồi cố lại quá khứ, lần tìm lại từng đoạn sử cha ông để chứng minh rằng mình từng là con nhà gia thế, từng có quyền lực chứ đâu phải hạng tầm thường!

 Vậy mà tôi đã gặp một người không có và cũng không cần tí AQ nào trong mình. Đấy là một lần ở quê, tôi hỏi một bác người làng về gia thế. Bác bảo, làng mình làng cổ, chú cứ vào nhà nào có bức hoành to, đôi câu đối gác hai bên như tướng văn, tướng võ ấy đang canh giữ ấy là nhà gia thế. Nếu chú có chữ nho, đọc được bức hoành phi và đôi câu đối là luận ra ngay. Còn tôi, chú nhìn xem, nhà có gì không?

Ngẫm ngợi Cuối tuần: Gốc gác thôn quê - Ảnh 1.

"AQ chính truyện" của Lỗ Tấn do NXB Văn Học phát hành

Đúng nhà bác chẳng có gì, ngoài án gian thờ bày giữa nhà với một bát hương.

Ông cười, thế là rõ nhá. Truyền đời nhà tôi là dân cày ruộng. Người có  gia thế, ít nhiều đều ăn lộc ăn lộc nước, tức là bổng lộc vua ban chúa tặng. Còn tôi ráo mồ hôi là hết lộc.

Ông lại thủ thỉ thù thì tâm sự: Ngẫm cho cùng, vua quan thời xưa cũng như cánh ta thôi, chẳng qua cầm quyền, tiền nong thu gom từ dân rồi chia bớt cho hầu cận để mua lấy sự bảo vệ. Thế là chúng tung hô, cơm vua lộc nước. Lộc là lấy từ ở những hạng thợ cày như tôi chứ vua quan lấy đâu ra cơm mà lộc với lá? Cứ hết lộc cạn tiền thì tung tóe cả, vua quan lúc thất thế thì cũng như dân đen thôi, thậm chí còn không bằng.

Cho nên chú ạ, ở đời hơn nhau ở cái đầu hiểu biết, kẻo mình làm cho họ ăn mà lại phải lo biết ơn họ, tay mình làm ra nhưng ban cho mới được dùng. Phải biết để sống cho nên người, sống cho đàng hoàng. Những người tự ép mình xuống như thế cuộc sống như bị bóng đè, không làm gì được, chỉ ú ớ kêu không thành lời, khổ quá đi. Rồi để tìm lấy cái chống lưng cho đỡ tủi thì chỉ còn cách ngoái lại quá khứ, tìm lấy chút gia thế, thứ vinh quang tù mù của dòng họ để tự hào trong bóng tối… Đó là sự đau khổ triền miên của loài người.

Nên thấy có ông đánh cá, hay người làm thuê kể về gia thế mười đời trước đây lẫy lừng thì chú cũng đừng nên lấy làm lạ!

Ông lại kể tiếp: Có một lão đánh giậm ở gần đây, tôi kể chú nghe, không phải kể xấu đâu nha. Nghe nói nhà gia thế phải có hoành phi, câu đối nuôi ý chí dòng họ. Một hôm không biết ông ấy lôi được ở đâu về bức hoành và đôi câu đối tróc lở hết sơn. Loay hoay rồi ông cũng treo được nó lên gian chính diện. Căn nhà cũ kĩ mà trông sang trọng hẳn lên. Một hôm có ông khách qua đường nhìn vào bức hoành, đọc đôi câu đối, giật bắn mình biết đây là nhà dòng dõi vương triều. Khách cố lân la muốn tìm hiểu rồi cuối cùng vỡ lẽ chỉ là đồ đồng nát nhặt về treo như tranh đề-co thôi, chứ đời đánh giậm thì chỉ biết con tôm, con tép chứ "nho nhe" gì mà câu với đối.

Tôi không ngờ một người dân cày thôn quê mà vốn hiểu biết trong ông giống như nồi cơm Thạch Sanh xới mãi không hết. Nồi đó vẫn đầy đến lúc tôi rời khỏi nhà ông.

Khi rời làng, tôi nhớ mãi nụ cười ông ấy. Nụ cười chỉ vừa đủ để trao cái tình quí mến cho người nghe chuyện. Ông bảo gia thế cái gì, người ta cứ hay khoe, nhưng "tương cà gia bản" cả thôi. Dân nước mình thế cả, đều là cái gốc thôn quê, nhưng khá lên một tí là tô là vẽ. Cái bệnh thích hình thức nó thế. Quan trường cũng thế! Khá một tí là cố tìm cách trốn chạy cái quá khứ.

Việc cố trang điểm cho xuất xứ của mình cũng là cái tội từ đấy mà ra. Người ra đến phố là giấu kín cái gốc gác mình, mắng người khác là đồ nhà quê! Chú thấy chán chưa?

Vâng, "Tương cà gia bản", tôi nhớ rồi, ai cũng biết nhưng người ta chỉ biết mà ít ai nhận đó là nguồn gốc của chính mình!

Họa sĩ Đỗ Đức

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›