(Thethaovanhoa.vn) - Lâu lắm rồi, mới thấy một cuộc chia tay người về hưu quá xúc động vừa được báo chí đăng tải. Đấy là trường hợp cựu Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu T.Ư Nguyễn Anh Trí, ông Trí chính thức nghỉ hưu từ ngày 1/10.
Tôi bỗng nhớ, cha tôi làm Thủ quỹ một nông trường hơn 30 năm. Dù về hưu mấy năm, ông lại được nông trường tin tưởng, tiếp tục mời lên làm kế toán, phụ trách chi trả lương các chế độ cho hàng nghìn cán bộ. Mỗi tháng, cụ được trả số tiền thù lao rất khiêm tốn, nhưng quá quan trọng để nuôi anh em tôi ăn học cho hết đại học.
Trước khi nghỉ hưu, ông Giám đốc nông trường, cũng là bạn thân, nói thẳng: “ông thích miếng đất nào ở trục đường cái quan, chỉ đi, tôi sẽ cho anh em đến cắm cọc mốc, làm giấy tờ”? Cha tôi không chịu, bảo: “tôi chỉ cần bộ bàn ghế gỗ cũ này, nó gắn bó với quá trình công tác của tôi”. Thế là, anh em trong cơ quan bê “kỷ vật” đặc biệt lên xe bò, chở về cho gia đình tôi. Đến nay, bộ bàn ghế vẫn còn, được cụ dùng tiếp khách và uống chè xanh hàng ngày.
Thuở nhỏ, sống trong bộn bề đói khổ, đến phòng làm việc của cha, khi ông trả tiền lương cho công nhân thấy trong két từng xấp mới tinh, tôi nói cha sao không lấy tiền đó mà đi mua gạo, thịt, cá, chứ nhà thiếu thốn còn thèm thịt cá quá.
Lớn dần, tôi biết nếu cha là người tham tiền, thì vợ con đã không vất vả. Sự nghiệp của con cái cũng không thua bạn, kém bè nếu vạch xuất phát kinh tế tốt. Một hôm đêm 30 tết gần đây, ông nói: “cha biết thời khốn khó, nhiều khi mẹ con bây cũng có lúc trách móc. Nhưng, cha muốn nghỉ hưu được cõi lòng thanh than thản. Được anh em tôn trọng. Tiền nhà nước không thể tư túi bất chính”.
Mẹ tôi biết tính chồng, nên chẳng bao giờ phàn nàn, việc nặng gánh lấy, không ép cha phải làm nhiều việc đồng áng. Cha tôi sống vui vẻ, ưa ca hát, nên cũng không phụ được mẹ bao nhiêu khi nghỉ hưu. Bạn bè cơ quan cũ của cụ rất siêng gặp nhau giao lưu. Giờ này, ở quê, hai cụ vẫn rất lạc quan vui thú điền viên, tự chăm sóc lẫn nhau.
Không biết sau này nghỉ hưu, tôi có được thanh thản như cha mẹ?
Và bạn, có hình dung được đến ngày mình rời vị trí để trở thành một người bình thường sẽ cảnh huống ra sao?
***
Lâu lắm rồi, mới thấy một cuộc chia tay người về hưu quá xúc động vừa được báo chí đăng tải. Đấy là trường hợp cựu Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu T.Ư Nguyễn Anh Trí, ông Trí chính thức nghỉ hưu từ ngày 1/10. Hôm chia tay, hàng trăm cán bộ ôm ông khóc nức nở vì cảm thấy khoảng trống vị lãnh đạo để lại. Những hàng người nối dài, trong đó nhiều bệnh nhân cũng rơi nước mắt, xao xuyến chia tay ông. Chứng ấy thôi đủ biết nhân cách, tình cảm, cống hiến của ông Trí với Viện cũng như với các bệnh nhân.
Đấy là “cuộc chia tay màu trắng”. Người ta có câu: “thủ trưởng nào, phong trào đó”, nội hàm thì rộng nhưng căn bản nếu lãnh đạo cơ quan là tấm gương sáng thì cán bộ và sự nghiệp cơ quan đó sẽ phát triển theo chiều hướng tích cực. Nếu có nhiều người như bác sỹ Nguyễn Anh Trí, chắc hình ảnh ngành y sẽ được vực dậy, sẽ có nhiều “thiên thần áo trắng” hơn. Ngành nào, cơ quan nào cũng cần phải có những nhân vật mang tính biểu tượng, có sức lan tỏa mãnh liệt.
Không phải cuộc chia tay lãnh đạo, cán bộ nghỉ hưu nào cũng để lại sự luyến nhớ như thế! Không phải ai cũng muốn về hưu. Không phải ai cũng thanh thản cõi lòng khi đã phụng sự hết mình cho công việc.
Thời điểm này, tất nhiên không phải ông quan nào về hưu cũng đã “an toàn”. Đã có rất nhiều vị bị hồi tố về những sai phạm trong quá khứ.
Viết đến đây, lại nhớ đến trường hợp nguyên tổng thống Uruguay - Jose Mujica, được nhiều người biết đến như là “vị tổng thống nghèo nhất thế giới”. Mujica có thể sống trong Residencia de Suarez - căn nhà xinh đẹp dành cho Tổng thống, nhưng ông lại chọn sống trong căn nhà tuềnh toàng cùng người vợ già và mấy chú chó nhỏ. Bên cạnh đó, hàng tháng ông đều trích 90% trong tổng thu nhập 12.000$ của mình để làm từ thiện.
Hàng ngàn người đã nhận được những lợi ích từ ông, đã bày tỏ sự cảm kích đối với lòng tốt của vị tổng thống này.
Không ít người cho rằng, đấy mới là cảnh giới của lối sống hiện đại.
Hữu Quý
Tags