(Thethaovanhoa.vn) - Đầu tháng 10 vừa qua, Saudi Arabia Public Investment Fund (PIF) của Saudi Arabia đã hoàn tất việc mua lại Newcastle. Thế nhưng, nếu người hâm mộ vùng Tyneside nghĩ rằng, cuộc chuyển giao quyền lực này sẽ giúp đội bóng của họ đổi đời, mọi chuyện sẽ không dễ dàng như họ nghĩ.
Ryan Monty là một trong những người hâm mộ Newcastle cho rằng việc PIF tiếp quản đội bóng vùng Tyneside chỉ là một dấu hiệu khác cho thấy bóng đá hiện đại đã trở nên biến dạng như thế nào bởi sự giàu có tột độ.
Nỗi thất vọng ở Newcastle và mô hình CLB do người hâm mộ sở hữu
Monty đã chứng kiến sự sa sút của Newcastle trong thời gian gần đây khi CLB phải xuống hạng và mòn mỏi ở gần cuối bảng Premier League bất cứ khi nào họ trở lại - nhưng anh đã vỡ mộng về ý nghĩa của một cuộc chuyển giao quyền lực nói chung, đến mức anh nói thà mắc kẹt với đội bóng và những điều xui xẻo hiện tại, nếu điều đó có nghĩa là Newcastle không thuộc sở hữu của một tập đoàn đầu tư giàu có và những gì đi kèm.
Monty nói: "Tôi lo lắng rằng việc mua Newcastle của PIF, mua Man City của UAE và thực tế là PSG về cơ bản cũng thuộc sở hữu của một quốc gia là một phần của việc mở hộp Pandora. Rồi mọi chuyện sẽ đi đến đâu? Có cảm giác như bất kì đội bóng nào không được các quốc gia giàu có này hỗ trợ sẽ không đạt được thành công nào".
Lo lắng của Monty là hoàn toàn có cơ sở bởi Premier League ngày càng trở nên chênh lệch, và trong khi anh muốn chứng kiến Newcastle vươn tới những giải đấu danh giá như Champions League một lần nữa, anh nói rằng anh muốn nhìn thấy đội bóng thuộc sở hữu của người hâm mộ hơn là thấy nó giành được những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới.
“Tôi muốn thấy Premier League giới thiệu một mô hình tương tự về quyền sở hữu CLB đang tồn tại ở Bundesliga của Đức”, Monty nói. "Tôi muốn xem Newcastle thuộc sở hữu của người hâm mộ hơn coi Messi, Neymar và Mbappe như là bộ 3 tiền đạo của chúng tôi. Ý tôi là vậy".
Mô hình mà Monty đang đề cập là hệ thống “50+1” ở Bundesliga, theo đó quy định các CLB phải thuộc sở hữu của đa số người hâm mộ. Ngược lại, không có mô hình nào như vậy ở Premier League, khi chính bản thân Newcastle hiện thuộc sở hữu của PIF, PCP Capital Partners và RB Sports and Media.
Cụ thể hơn, không có người hâm mộ nào tham gia vào quyền sở hữu của CLB và không có yêu cầu nào trong cấp cao nhất của bóng đá Anh đảm bảo rằng người hâm mộ có tiếng nói trong việc điều hành CLB của họ.
Và giống như nhiều người hâm mộ Newcastle khác, Monty không chỉ thất vọng với cuộc chơi cực kì giàu có của Premier League mà anh cũng thấy không thể bỏ qua cách CLB hiện được gắn với vương quốc Saudi Arabia, Thái tử Mohammed bin Salman và những tai tiếng của họ.
Anh nói tiếp: “Tôi muốn Newcastle trở thành một điều gì đó để tự hào một lần nữa. Nhưng không phải với chi phí rửa thể thao. Sự ngưỡng mộ dành cho việc tiếp quản ngay bây giờ có thể nhanh chóng chuyển sang tôn thờ chính Mohammed bin Salman - và tất cả chúng ta đều biết những gì ông ấy bị buộc tội và những gì mà người dân Saudi Arabia đang phải đối mặt".
Monty - giống như nhiều người hâm mộ Newcastle khác - từng chỉ trích Mike Ashley và quãng thời gian của ông ta là chủ sở hữu Newcastle, anh lo sợ về "khoảng trống đạo đức" đi kèm với sự tiếp quản này.
"Cứ như thể chúng ta nhảy ra khỏi chảo và lao thẳng vào lửa. CLB và các chủ sở hữu mới có thể nói tất cả những gì họ thích về việc cải thiện đội nữ, chẳng hạn như việc bơm tiền này có thể đem đến các cơ sở đào tạo và nguồn lực mới - nhưng không hề đề cập đến cái cách phụ nữ được đối xử ở Saudi Arabia. Tất cả đều được che giấu dưới tấm thảm đẹp".
Hoài niệm về những điều đã qua
Nếu có ai đó có thể xác định được xung đột và sự hoang mang mà người hâm mộ Newcastle đang cảm thấy lúc này, thì đó chính là người hâm mộ Man City. Họ đã sống qua tác động của một cuộc tiếp quản khổng lồ của một nhóm đầu tư giàu có đáng kinh ngạc - bản thân nhóm này cũng có quan hệ chặt chẽ với chủ quyền của một quốc gia có hồ sơ đáng ngờ về nhân quyền.
Kate Roper đã chứng kiến Man City soán ngôi vương miền Bắc từ tay người anh lớn MU và - cũng như tận hưởng sự thăng hoa như vũ bão của CLB từng bị Alex Ferguson coi là "hàng xóm ồn ào" của MU - cô cảnh báo người hâm mộ Newcastle về những cạm bẫy đi kèm với thành công được hậu thuẫn bởi một hoàng gia với nguồn lực gần như vô hạn trong tay.
"Bất chấp tất cả các danh hiệu và vượt qua những đỉnh cao mà chúng tôi đã đạt được, tôi nghĩ rằng có một nỗi nhớ quá khứ ở nhiều người hâm mộ Man City", Roper nói. "Rất nhiều người hâm mộ còn nhớ cảm giác như thế nào trước khi chúng tôi bị Sheikh Mansour tiếp quản, khi chúng tôi phải chiến đấu để trụ hạng và tránh xuống hạng một lần nữa, và tôi nghĩ họ vẫn nhớ rõ những ngày mà không ai biết kết quả của trận đấu tiếp theo sẽ như thế nào và khi chiến thắng trong trận derby trước MU là một kết quả sốc dẫn đến mê sảng. Chúng tôi trân trọng những ngày đó".
Dù vẫn thích sự nổi lên của Man City như một trong những CLB thành công nhất trên thế giới, Roper lo lắng rằng một phần linh hồn của nó đã mất vì sự lý tưởng hóa và thương mại hóa toàn cầu. Đây là điều mà cô cảm thấy người hâm mộ Newcastle nên cảnh giác khi họ bước vào kỉ nguyên mới lạ lùng này.
"Một trong những lí do mà tôi yêu Man City đến vậy là vì đó là một CLB rất địa phương, với niềm tự hào đến từ Maine Road", Roper nói. "Nhưng bây giờ họ tập trung quá nhiều vào hình ảnh quốc tế của mình và loại thị trường toàn cầu mà CLB có thể thâm nhập. Tôi tự hỏi liệu tất cả số tiền mà Man City có có được chuyển đến những nơi của Manchester thực sự cần nó ngoài bóng đá hay không - tới cộng đồng địa phương, tới các cửa hàng ăn uống và Moss Side, nơi từng có sân vận động ở Maine Road".
Vì thế, Roper cho rằng, chừng nào Man City tiếp tục được bơm tiền, cô lo sợ mối liên hệ giữa người hâm mộ với CLB sẽ không còn mạnh mẽ như xưa, khi họ chỉ biết đến các danh hiệu.
Mạnh Hào
Tags