(Thethaovanhoa.vn) - Thực hiện Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia năm 2018, Đoàn xúc tiến thương mại xuất khẩu gạo Việt Nam đã có chuyến thăm và làm việc tại Nam Phi từ ngày 10-11/12 nhằm tìm hiểu, tiếp cận thị trường, nghiên cứu xu hướng tiêu dùng, thị hiếu khách hàng và yêu cầu của nhà nhập khẩu.
Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, đây cũng là hoạt động xúc tiến thương mại nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu mà Tổng thống Cyril Ramaphosa (Xi-rin Ra-ma-phô-xa) đặt ra trong chuyến thăm Việt Nam năm 2016 (thời điểm là Phó Tổng thống) là nâng kim ngạch thương mại giữa hai nước từ mức 1 tỷ USD lên 1,5 tỷ USD vào năm 2020.
Tại buổi làm việc với Bộ Công Thương Nam Phi sáng 10/12, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công thương Việt Nam, Trưởng Đoàn xúc tiến thương mại Trần Quốc Toản cho biết với mức tiêu thụ gạo vào khoảng 850.000 tấn/năm, Nam Phi là thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, do lượng khách du lịch và lực lượng lao động châu Á đến nước này ngày càng nhiều, nhu cầu tiêu dùng gạo sẽ tiếp tục tăng cao, nhất là khi quốc gia này hầu như không sản xuất lúa gạo do điều kiện tự nhiên không phù hợp.
Theo ông Trần Quốc Toản, là nền kinh tế đầu tầu của châu Phi với mối quan hệ giao thương rộng rãi với nhiều nước trong châu lục, Nam Phi đóng vai trò cửa ngõ, nơi trung chuyển để các doanh nghiệp gạo Việt Nam tiến vào thị trường châu Phi rộng lớn đầy tiềm năng. Do vậy, ngoài thúc đẩy việc tiêu thụ gạo tại thị trường Nam Phi, các doanh nghiệp Việt Nam cần mở rộng quan hệ với các đối tác thương mại quốc tế tại đây.
Cũng tại buổi làm việc, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Quốc Toản đã trao đổi thông tin về các quy định liên quan đến thuế và thủ tục hải quan đối với sản phẩm gạo nhập khẩu vào Nam Phi, các kênh phân phối gạo tại thị trường này cũng như khả năng trung chuyển để cung cấp gạo cho các thị trường khác trong khu vực.
Về phần mình, ông Madileke Ramushu (Ma-đi-lếch Ra-mu-su), Vụ trưởng Vụ Quan hệ Đối ngoại thị trường châu Á - Bộ Công Thương Nam Phi, cho biết nước này luôn khuyến khích và sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu gạo sang Nam Phi, cũng như giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với các thị trường khác tại châu lục, đặc biệt là các nước tại khu vực Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi (SADC) với tổng dân số lên tới 650 triệu người.
Liên quan đến cán cân thương mại giữa hai nước, ông Madileke cho biết hiện tại, hàm lượng giá trị gia tăng từ xuất khẩu của Nam Phi sang Việt Nam vẫn còn thấp do nước này chủ yếu xuất nguyên liệu thô trong khi nhập khẩu các sản phẩm đã hoàn thiện từ Việt Nam. Vì vậy, ông đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ các đối tác Nam Phi trong việc gia tăng hàm lượng gia công trong các sản phẩm xuất khẩu để nâng cao giá trị hàng hóa. Ngoài ra, ông Madileke kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực gia công - chế biến tại Nam Phi và qua đó đưa sản phẩm xâm nhập vào thị trường châu Phi.
Ngay sau buổi làm việc với Bộ Công Thương Nam Phi, đoàn xúc tiến thương mại xuất khẩu gạo cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi và Phòng Thương mại - Công nghiệp thành phố Johannesburg đã phối hợp tổ chức hội thảo “Xúc tiến xuất khẩu gạo Việt Nam”.
Bên cạnh 9 doanh nghiệp xuất khẩu gạo hàng đầu Việt nam đi theo đoàn, hội thảo đã thu hút sự tham gia của hàng chục doanh nghiệp Nam Phi hoạt động trong lĩnh vực thương mại và xuất nhập khẩu.
Phát biểu tại cuộc hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi Vũ Văn Dũng nhấn mạnh đây là hoạt động ngoại giao phục vụ kinh tế và nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1993-2018). Đại sứ nhấn mạnh hoạt động xúc tiến thương mại sẽ giúp biến tiềm năng thành những kết quả hợp tác thực tế, mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước cũng như góp phần làm thắt chặt thêm mối quan hệ ngoại giao vốn đã rất tốt đẹp giữa Việt Nam và Nam Phi.
Tại cuộc tiếp xúc trong khuôn khổ hội thảo, các doanh nghiệp đã tập trung giới thiệu các sản phẩm gạo, công nghệ chế biến, bảo quản, đóng gói thành phẩm và được các đối tác Nam Phi đánh giá cao về mẫu mã và chất lượng.
Trong thời gian làm việc tại Nam Phi, đoàn xúc tiến thương mại dự kiến làm việc với Advanced Fast & Carry - doanh nghiệp đầu mối về nông sản hàng đầu Nam Phi, để tìm hiểu hệ thống phân phối bán lẻ nhập khẩu nông sản từ chợ đầu mối vào siêu thị và các cửa hàng tiện ích.
Phi Hùng - Đình Lượng/TTXVN
Tags