(Thethaovanhoa.vn) - Kỳ World Cup thứ 4 liên tiếp bóng đá Nam Mỹ phải nhìn người châu Âu bước lên đỉnh cao, và điều này hứa hẹn sẽ còn tiếp diễn trong tương lai, ở Qatar 2022.
- PHÂN TÍCH: Brazil thua Bỉ do Neymar ăn vạ quá nhiều?
- Rio Ferdinand: 'Lukaku đá với Brazil như đứa 16 tuổi đùa giỡn với bọn trẻ 11 tuổi'
- ĐIỂM NHẤN Brazil 1-2 Bỉ: Courtois quá hay. Fernandinho là tội đồ. Tite sai lầm
1. Năm 2002, Brazil đăng quang ở kỳ World Cup đầu tiên mà châu Á tổ chức (đồng chủ nhà Hàn Quốc – Nhật Bản), bằng sức mạnh áp đảo so với phần còn lại. Trên đường đến với đỉnh vinh quang, Brazil đặt dưới chân mình những đại diện châu Âu. Kể từ vòng 1/8, các đối thủ mà “Selecao” vượt qua lần lượt là Bỉ, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ và Đức, với tổng cộng 7 bàn thắng, và chỉ để lọt lưới 1 bàn (Anh).
Ngày ấy, Brazil áp đảo đến mức sau khi vô địch, người hâm mộ nước này chê đội tuyển dưới sự dẫn dắt của HLV Scolari chơi thứ bóng đá không đẹp, là thực dụng. Họ còn dọa tẩy chay đội tuyển nếu không theo đuổi khái niệm “Jogo Bonito” (bóng đá đẹp).
Chiến thắng của Brazil năm 2002 giúp Nam Mỹ vượt lên châu Âu về số lần VĐTG: 9-8. Cũng từ 2002 trở về trước, bóng đá Nam Mỹ không bao giờ để cho đối thủ châu Âu thống trị thế giới, với nhiều hơn 2 lần đăng quang liên tiếp. Chính xác là chỉ có một trường hợp duy nhất, khi Italy vô địch năm 1934 và 1938, thời điểm của nhiều tranh cãi liên quan đến chính trị.
Cứ mỗi khi một đại diện châu Âu đăng quang, thì bóng đá Nam Mỹ lặp lại trật tự ở kỳ tiếp theo – với ngọn cờ đầu Brazil.
2. Sự thắng thế của nền bóng Nam Mỹ đã là quá khứ, cho dù khu vực này vẫn duy trì được việc “xuất khẩu” cầu thủ vào châu Âu. World Cup 2018 đánh dấu cột mốc kỳ thứ 4 liên tiếp người châu Âu chiến thắng. Thế kỷ 21 mở ra với tỷ số 9-8 nghiêng về Nam Mỹ. Nhưng sau giải đấu mà Nga là chủ nhà, châu Âu sẽ vươn lên 12-9.
Trong 3 kỳ World Cup gần nhất, có đến 2 trận chung kết là nội bộ châu Âu. Italy – Pháp năm 2006, và Tây Ban Nha – Hà Lan sau đó 4 năm. Ngày 15/7 tới ở Luzhniki, Moskva, sẽ là cuộc nội chiến khác của những người châu Âu.
4 năm trước, ở Brazil, Đức đánh bại Argentina trong trận đấu cuối cùng. Đó là lần đầu tiên một đại diện châu Âu vô địch ngay tại Nam Mỹ. Trước khi vào chung kết, người Đức còn gieo kinh hoàng cho lịch sử bóng đá Brazil bằng chiến thắng 7-1 ở bán kết.
3.Tương lai nào cho bóng đá Nam Mỹ? Không nhiều hứa hẹn, và châu Âu có thể sẽ kéo dài sự thống trị ít nhất là đến giải đấu 2022 ở Qatar.
Brazil, đội giữ kỷ lục 5 lần VĐTG, chưa bao giờ tìm lại chính mình kể từ sau vinh quang năm 2002. Ở Nga 2018, Brazil là tập thể già nua, với 9 cầu thủ đã bước qua sinh nhật thứ 30. Cặp trung vệ Miranda – Thiago Silva thậm chí sắp 34 tuổi. Bóng đá Brazil từ lâu không còn sản sinh ra những cá nhân kiệt xuất, đến mức trong 2 kỳ liên tiếp gần nhất họ chỉ biết trông vào Neymar – một gương mặt chỉ mang đến nỗi thất vọng ở thời điểm mang tính quyết định.
Argentina thì chẳng hy vọng gì. World Cup 2018 là dấu chấm hết cho một thế hệ vàng luôn gục ngã của Argentina. Sau 4 năm nữa, Lionel Messi sẽ 35 tuổi, và bao quanh đội bóng xứ Tango là những hoài nghi.
Thời Uruguay lên đỉnh thế giới đã qua lâu rồi, và ngay cả Copa America giờ đây cũng là một danh hiệu mà họ rất khó vươn tới. Uruguay không có sự đồng đều, và việc chỉ biết trông vào sự bùng nổ của một vài cá nhân là hạn chế quá lớn.
4 năm không ngắn, tính từ lúc này đến giải đấu ở Qatar, nhưng có lẽ chưa đủ dài để bóng đá Nam Mỹ trỗi dậy!
NH
Tags