Một sân khấu do sinh viên tổ chức, diễn trong một hội trường cũng dành cho sinh viên, nhưng lại khiến người xem phải ngạc nhiên bởi sự chỉn chu, không hề kém cạnh những đơn vị chuyên nghiệp. Vở Nằm khóc một mình (kịch bản - đạo diễn: Đức Huy) vừa trình làng có thể xem là một làn gió mới của kịch nói vốn đang lúc gặp nhiều khó khăn.
1. Là tác phẩm của những người trẻ, vở diễn chọn đề tài mà hầu như bất cứ ai khi vừa chập chững vào đời cũng trăn trở, đó là ước mơ, là tình yêu, là khao khát thành công. Câu chuyện kịch đặt trong bối cảnh thập niên 1980 tại Đà Lạt, nơi ấp ủ cho những trái tim nồng nàn say mê với âm nhạc, với những mối tình lãng mạn đã đi vào thơ ca của một giai đoạn lịch sử.
Thế nhưng đâu phải tình yêu nào cũng được đền đáp xứng đáng. Có người thất vọng vì bị nghệ thuật phản bội, có người gục ngã trên hành trình thực hiện ước mơ, có người lại vì tự ti mà trốn tránh tình yêu và cả ước mơ của chính mình. Hoặc cay đắng hơn, đôi khi người ta chấp nhận trở thành bản sao của ai đó để theo đuổi một hình bóng viển vông.
Trên con đường theo đuổi ước mơ, ai nấy đều phải đứng trước những lựa chọn khó khăn. Kẻ đi tiếp, người dừng lại, đều không có đáp án sai hoặc đúng, có chăng chỉ là thêm một vết sẹo, một chút nỗi nhớ mà mỗi khi hoài niệm lại thổn thức khôn nguôi. Và có lẽ, câu trả lời cũng giống như cái kết của vở kịch: Tất cả rồi cũng sẽ nằm khóc một mình dưới những nấm mộ.
Nghĩa trang là nơi cuối cùng người ta "đoàn tụ" với nhau, dù thành công hoặc thất bại, tốt đẹp hoặc xấu xí, để chia sẻ câu chuyện về nỗi cô đơn. Và có lẽ, thanh xuân vẫn là cơn mưa đẹp nhất mà người ta muốn tắm trong nó một lần nữa, như hai con người bí ẩn xuyên không của Nằm khóc một mình.
Hội trường của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) không phải sàn diễn chuyên nghiệp, ê-kíp dàn dựng phải linh hoạt xoay xở, đặt đèn chiếu ở hai bên khán đài để đánh sáng. Thế nhưng vở diễn vẫn tạo được hiệu ứng sân khấu đậm tính thẩm mỹ từ cảnh trí, màu sắc, âm nhạc đến kỹ thuật biểu diễn.
Xem vở diễn Nằm khóc một mình, cứ ngỡ các bạn trẻ xuất thân từ trường sân khấu, nhưng hóa ra đều là sinh viên của Khoa Báo chí và Truyền thông, đang học tập hoặc đã tốt nghiệp. Bất ngờ vì các bạn đã có sự đầu tư nghiên cứu, tập luyện nghiêm túc để đạt được kỹ thuật và tiếng nói sân khấu rất tốt. Đặc biệt là giọng ca mộc, đầy thực lực, không cần sự hỗ trợ của dàn nhạc vẫn dày dặn và rung động người xem.
Có lẽ diễn viên cũng như nhân vật của mình, đều ôm trọn một niềm đam mê cháy bỏng khi bước lên sân khấu, gửi cảm xúc thật vào những hành động kịch, vào lời thoại, vào lời ca nên mới cuốn người xem đến thế.
2. Vở diễn mang màu sắc chính kịch, nhưng vẫn cài cắm những tình tiết hài, nhằm giảm nhẹ, giãn cách cảm xúc nặng nề. Mảng miếng được tung hứng duyên dáng, tế nhị và chừng mực, chứ không gượng ép, lố lăng.
Đó là bản lĩnh của đạo diễn và diễn viên, biết dùng đúng lúc đúng chỗ. Họ không cần câu khách đến mức hy sinh đường dây chính như nhiều vở kịch hiện nay đang mắc phải.
Vì lẽ đó, vở diễn vẫn gần gũi cuộc sống, vẫn giữ được không khí bâng khuâng, mơ mộng. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của những bài hát xưa nổi tiếng như Trái tim còn trinh, Romeo and Juliet, Love Story, Come back to Sorrento, Kachiusa… đã góp phần rất lớn vào việc tạo mạch cảm xúc của khán giả.
Được biết kinh phí dựng vở đều do các thành viên của Câu lạc bộ kịch của Khoa Báo chí và Truyền thông cùng đóng góp. Mỗi vở tốn khoảng 100 triệu đồng, nhưng chưa bao giờ có lãi, phải liên tục bù lỗ, bởi chỉ diễn vài suất trong trường cho sinh viên xem với giá vé 80 ngàn - 100 ngàn đồng. Tuy vậy, anh Thái Thái (Chủ nhiệm CLB) vẫn mỉm cười: "Nhưng chúng tôi vui vì mình được sống với đam mê của mình". Sau vở diễn, hẳn khán giả sẽ phải nhớ đến những cái tên Thành An, Bích Duy, Hồng Thiện, Thái Thái, Hoàng Khôi, Ngọc Phượng, Như Võ, Đức Huy…
Hy vọng các bạn sẽ giữ cho mình được tình yêu nghệ thuật, tiếp tục phát triển trong những tác phẩm tiếp theo, với điều kiện tốt hơn để tiếp cận được với nhiều khán giả.
CLB kịch của Khoa Báo chí và Truyền thông được thành lập đầu năm 2017, với hơn 70 thành viên. Qua 5 năm hoạt động, CLB đã công diễn 5 vở kịch dài: Mặt trời soi kiếp rong chơi (2018), Cuối trời phiêu lãng (2019), Nửa trời phiêu lãng (2020), Trái tim hóa thạch và Lá hát như mưa (2022).
Năm nay cũng là lần đầu tiên sân khấu này diễn 2 vở kịch cùng lúc. Bên cạnh Nằm khóc một mình được dựng mới, vở Lá hát như mưa vốn được sự yêu mến của gần 800 khán giả ở mùa trước cũng tái xuất.
Tags