(Thethaovanhoa.vn) - Nhắc đến “ca khúc sát nhân”, đa phần người ta sẽ nghĩ đến bản nhạc nổi tiếng Gloomy Sunday. Song trên thực tế còn tồn tại một ca khúc khác chia sẻ danh vị này - bài hát cuối cùng của huyền thoại nhạc jazz Frank Sinatra -My Way.
Lịch sử của My Way gắn nhiều với những cái chết. Nhiều người kiên quyết chọn ca khúc này cho đám tang của mình hoặc người thân. Nhưng rất ít trong số họ biết rằng trước lúc đến được tay Frank Sinatra, My Way đã từng là “đỉnh cao” của một danh ca nổi tiếng khác, người mà về sau phải chết theo cách rất “lãng xẹt” khi thay bóng đèn trong bồn tắm.
Và bất chấp những đồn thổi u ám xung quanh con đường dài quanh co của ca khúc này để đến được với sự bất tử, My Way vẫn mê hoặc người nghe bởi giai điệu đẹp đến nao lòng qua giọng hát của Frank Sinatra.
Dành cho một Frank Sinatra với cái tôi lớn đang chán nghề
My Way thực chất là phiên bản tiếng Anh của ca khúc Comme d'habitude, được viết bởi Claude Francois và Jacques Revaux. Trong đó, Claude Francois phía sau lớp vỏ hào nhoáng của một ngôi sao đang ở đỉnh cao, thời điểm bấy giờ lại phải đối mặt với khủng hoảng tâm lý hậu chia tay nữ ca sĩ France Gall. Comme d'habitudera đời như một cách giúp Claude Francois giải tỏa.
Bài hát tiếng Pháp kể câu chuyện người đàn ông với cuộc hôn nhân đang mấp mé đổ vỡ, khi mà tình yêu bị bóp nghẹt bởi những áp lực cuộc sống. Phát hành vào năm 1967 và nhanh chóng nổi tiếng, Comme d'habitude giúp củng cố vị trí của Claude Francois trong giới nghe nhạc đại chúng ở châu Âu, và tất nhiên là giúp anh nguôi ngoai nỗi nhớ tình cũ.
Con đường của Comme d'habitude tiếp tụckhi nó đến được tai nhạc sĩ nổi tiếng Paul Anka, trong lúc ông đang tận hưởng kỳ nghỉ ở miền Đông nước Pháp. Với suy nghĩ “tổng thể thì dở tệ, nhưng vẫn có gì đó hay ho”, Paul lập tức bay đến Paris làm việc với 2 tác giả và được chấp nhận phái sinh lại ca khúc này.
Trở về Mỹ, Paul lập tức… cất ca khúc vào ngăn kéo và bỏ đó trong suốt 2 năm liền. Ông chỉ thực sự nhớ lại khi được truyền cảm hứng bởi người ông gọi là “anh hùng”: Frank Sinatra. Gạt hết tất cả tâm sự thê lương của cuộc hôn nhân “làm tình, như mọi khi/giả tạo, như mọi khi”, Paul viết dựa trên điểm nhìn của Frank Sinatra, theo tất cả những gì ông nhớ được về cuộc nhậu của 2 người vài tháng trước.
“Nhóc, tôi chán ngấy”, Frank Sinatra 51 tuổi nói với Paul Anka 25 tuổi, “Tôi sẽ làm đúng 1 album nữa rồi nghỉ. Cậu chưa viết cho tôi bài hát nào, đừng để lâu quá đấy”. Frank Sinatra đang dần già cỗi và không còn tha thiết với ca hát. Thực tế là ông đã giã từ sự nghiệp chỉ 2 năm sau khi phát hành My Way.
“Nếu là Frank, ông ấy sẽ nói gì”, Paul nghĩ trong một đêm mất ngủ, bên chiếc máy đánh chữ tại căn nhà ở New York. Bên ngoài trời nổi cơn bão, và tâm trạng Paul cũng đầy ngổn ngang.
“Tự dưng tôi thấy mình biến thành Frank, đồng cảm với ông ấy. Đó là khi tôi bật ra câu đầu tiên “Và cái kết đã đến gần, và tấm màn dần khép lại”. Tôi tưởng tượng ông rời sân khấu, đèn tắt và bắt đầu gõ như điên, viết lời đúng như cách ông hay nói: Ate it up…spit it out”, Paul hoàn thiện lúc 5h sáng rồi gọi ngay cho Frank. “Dị đấy, chúng ta bắt đầu thôi” - Frank trả lời.
Lời đồn: Cứ hát “My Way” là…chết
Suốt chuỗi dài sự nghiệp với số lượng không đếm xuể bản hit, Paul Anka thừa nhận My Way là ca khúc duy nhất ông tự ý thức sẽ “thành hit”. Bất chấp lời trách móc của công ty quản lý, Paul kiên quyết đưa nó cho Frank Sinatra. “Tôi có thể viết, nhưng không thể hát nó. Phải là Frank chứ không ai khác”. Thực ra về sau ông cũng có phát hành phiên bản My Way của riêng mình.
Thế nhưng với Frank, My Way dù có mang về cho ông thành tích hay danh tiếng đến mấy, ông cuối cùng cũng không hề thích. Khi nó bắt đầu trở thành bài hát “thương hiệu” thì Frank cũng bắt đầu cảm thấy “ghê tởm”, liên tục đứng trước người hâm mộ mà giải thích rằng ông không giống người đàn ông này, theo kiểu cực đoan và vô cảm với người khác.
Năm 2005, một cuộc khảo sát tại Anh cho kết quả My Way là bài hát trong đám tang được nhiều người chọn nhất. Người ta ưa chuộng ý nghĩa tổng kết cuộc đời và đặc biệt thích câu mở đầu “And now the end is near”.
Song My Way còn bị đồn thổi là liên quan đến cái chết theo một cách khác, rùng rợn hơn. Tại Philippines, đã có một khuyến cáo khá lạ lùng được đưa ra rằng bất cứ ai cũng không nên hát My Way tại nơi công cộng hay điển hình là trong các phòng hát karaoke, một loại hình giải trí rất được ưa chuộng tại đây.
Nguyên nhân xuất phát từ những cái chết vì bạo lực phát sinh từ việc hát My Way. Trong khoảng từ năm 2002 đến 2012, đã có ít nhất 12 người chết. Thậm chí người dân ở đây còn đặt cho hiện tượng này một thuật ngữ “My Way killing” (Cái chết từ My Way). Những vụ bạo lực ở phòng karaoke trên khắp đất nước này nhiều đến nỗi đã xuất hiện hẳn một công việc mới: Người hòa giải.
Điển hình nhất là vụ nhóm nhạc người Nhật Kishidan bị bắn ngay khi đang biểu diễn My Way tại đây, khiến ca sĩ chính Ayonocozy gục tại chỗ. Nhiều ý kiến cho rằng chính nội dung cực đoan của bài hát, đặt trong bối cảnh bạo lực gia tăng ở Phillipines là nguyên nhân chủ yếu.
“Tôi có thể viết, nhưng không thể hát nó. Phải là Frank Sinatrachứ không ai khác” (Nhạc sĩ Paul Anka) |
Tổng thống Donald Trump bị “mỉa mai” vì “My Way” Thời điểm nhậm chức vào năm 2017, ông Donald Trump đã chọn bài hát My Way cho điệu nhảy đầu tiên của mình dưới cương vị Tổng thống Mỹ. Đó là buổi tối ngày 20/1/2017, lễ nhậm chức diễn ra và tổng thống Donald Trump đã mời vợ mình - Đệ nhất phu nhân Melania Trump cùng vợ chồng Phó Tổng thống Mike Pence. Vốn bị chê bôi bởi nhiều người Mỹ, điệu nhảy “thiêng liêng” này của ông Donald Trump cũng trở thành đề tài “mỉa mai”. Điển hình là danh ca Nance Sinatra, con gái Frank Sinatra viết trên Twitter: “Hãy nhớ về câu đầu tiên của bài hát”. Và câu đầu tiên đó chính là “Và giờ, cái kết đã gần đến. Màn sắp hạ rồi”. |
Hà My
Tags