(TT&VH) - Tạp chí Wired của California vừa đăng tải một phóng sự trong đó tiết lộ Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) hiện đang xây dựng trung tâm nghe lén và thu thập dữ liệu lớn nhất thế giới. Theo kế hoạch, trung tâm này bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 9/2013.
"Trung tâm cơ sở dữ liệu Utah” nằm lọt giữa vùng đất trũng của thung lũng hạt Bluffdale thuộc tiểu bang Utah, gần thành phố thủ phủ Salt Lake City, trong thánh địa của giáo phái Mormon và giáo phái đa thê lớn nhất nước Mỹ - Những người anh em tông đồ thống nhất (Apostolic United Brethren) với hơn 9 ngàn thành viên. Thành viên của các giáo phái này có thể cầu nguyện trong sự thanh bình nếu không có dự án khổng lồ của Chính phủ đến đó.
Lớn gấp 5 lần Lầu Năm Góc
Từ đầu năm 2011, cách nhà thờ của giáo phái Mormon chừng vài kilômét, hàng ngàn công nhân được trang bị kín mít làm việc cả ngày lẫn đêm để xây dựng móng của một tổ hợp công trình mới phục vụ việc nghe lén. Đây là công trình thu thập và phân tích thông tin lớn thế giới của NSA nhằm đảm bảo an ninh của nước Mỹ, theo những thông tin vừa được tạp chí Wired đăng tải trong phóng sự nhan đề "Inside the Matrix" (Bên trong Ma trận).
Ngay từ khi khởi công, trung tâm này được bảo vệ và giám sát bởi các video và lính gác được trang bị tới tận răng, trên diện tích lên đến 1 triệu km2, tức là lớn gấp 5 lần so với Lầu Năm Góc. NSA đã dành tới 2 tỷ USD cho dự án này, được thiết kế của 4 toà nhà (mỗi toà rộng 2.300m2) chứa hàng ngàn máy chủ cùng hơn 8ha toà nhà dành cho các thiết bị hỗ trợ kỹ thuật và quản lý trung tâm.
Theo dự kiến, trung tâm sẽ được khánh thành vào tháng 9/2013. Nguồn điện cung cấp lấy từ một nhà máy điện có công suất 65 MW (tốn ước tính khoảng 40 triệu USD chi phí năng lượng mỗi năm), trong khi các bồn dự trữ xăng đủ cung cấp cho các máy phát điện trong trường hợp bị cắt điện. Hệ thống máy bơm sản xuất được 6,4 triệu lít nước/ngày.
Trung tâm cơ sở dữ liệu Utah
Tháp Babel tình báo
Mục tiêu của những “tai mắt” thông tin là giám sát toàn bộ hệ thống thông tin trên thế giới từ internet, điện thoại, vệ tinh.. .và sau đó giải mã.
Trung tâm có thể thu bắt, giải mã và phân tích các dữ liệu từ các kênh thông tin truyền thống (thư điện tử, trao đổi điện thoại) cũng như các thông tin mang tính cá nhân (thanh công cụ tìm kiếm Google, các hoá đơn thanh toán, đi lại, mua bán…) cho tới các dữ kiện cực kỳ tối mật đến từ những "Web sâu" không trực tiếp truy cập được (các thông tin tài chính, giao dịch chứng khoán, các thoả thuận thương mại, thông tin liên lạc quân sự và ngoại giao của các nước).
Từ hơn 10 năm nay, sau vụ tấn công đẫm máu nhằm vào nước Mỹ ngày 11/9/2001, NSA đã tiến hành một chương trình nghe lén trên quy mô lớn. Để làm được điều đó, các ăng-ten mọc lên như nấm trên khắp nước Mỹ, hoà vào các mạng của các công ty viễn thông Mỹ, theo dõi và chặn các thông tin được truyền qua các vệ tinh hoặc các các cáp ngầm dưới biển giữa các lục địa.
"NSA trở thành cơ quan tình báo lớn nhất, bí mật nhất với có khả năng thâm nhập tiềm năng lớn nhất từ trước tới nay", phóng viên James Bamford, tác giả của phóng sự trên Wired viết.
Sơ đồ hệ thống kỹ thuật của trung tâm
Từ chiến dịch mang tên "Gió sao"
Trung tâm gián điệp này là chuỗi tiếp theo trong chương trình thu thập thông tin của nước Mỹ. Tác giả Bamford cung cấp một số thông tin mới liên quan đến chiến dịch "Gió sao", do NSA tiến hành năm 2001 nhằm theo dõi tất cả kết nối Internet và điện thoại giữa Mỹ với phần còn lại của thế giới cũng như ngay trên chính lãnh thổ của nước Mỹ.
Chiến dịch này lớn hơn rất nhiều so với những gì người ta tưởng tượng về nó: "Chiến dịch “Gió sao” không chỉ gói gọn trong việc theo dõi các trao đổi bằng điện thoại mà còn thâm nhập cả các thư điện tử". Ông William Binney, cựu nhân viên toán học có gần 40 năm thâm niên làm việc tại NSA, tiết lộ với Wired rằng cơ quan này đã triển khai trên toàn lãnh thổ Mỹ hàng loạt trạm nghe lén được đặt tại các điểm nút internet quan trọng.
Theo những con số mà ông Eric Schmidt-Chủ tịch điều hành của Google đưa ra, năm 2011, hơn 2 tỷ người trên thế giới truy cập internet và ước tính năm 2015, có khoảng 2,7 tỷ người sử dụng internet. Chính vì lẽ đó, NSA quyết định xây dựng trung tâm xử lý dữ liệu lớn nhất thế giới, có thể lưu 500 tỷ tỷ trang văn bản. Trung tâm tình báo khổng lồ ở Utah có nhiệm vụ phá vỡ các hệ thống mật mã để giải mã mọi chuyển giao dịch dữ liệu trong tất cả các lĩnh vực, đột nhập vào vỏ toán học phức tạp như AES (Advanced Encryption Standard - Tiêu chuẩn mã hóa tiên tiến, một thuật toán mã hóa khối được chính phủ Mỹ áp dụng làm tiêu chuẩn mã hóa) và giải mã dựa vào máy tính siêu nhanh để tiến hành các cuộc tấn công trên các tin nhắn được mã hóa và cung cấp cho các máy tính để phân tích. NSA làm việc dựa trên chương trình bí mật đang được thử nghiệm ở hạt Bluffdale để giải mã các thông tin được bảo vệ.
Lãnh đạo của NSA đã tuyên bố với Wired rằng, nhóm làm việc phụ trách chương trình mới đây đã thành công tạo bước đột phá về kỹ thuật trong lĩnh vực giải mã, nhưng vẫn cần nhiều hơn nữa khả năng xử lý để có thể đưa ra các quyết sách hành động.
Có thể “nhìn thấy” toàn thế giới
Để đạt các mục tiêu đề ra, NSA hy vọng sẽ đưa vào vận hành một siêu máy tính có khả năng xử lý hàng yottabits dữ liệu, tức là gấp 1.000 tỷ lần so với các đĩa cứng lớn đang bán trên thị trường, được đặt trong "toà nhà 5300" của trung tâm Bluffdale, có tên gọi "Khu vực nghiên cứu đa chương trình".
Máy tính này có khả năng phối hợp giữa thu thập, đọc và phân loại hàng tỷ dữ liệu trên thế giới từ này đến năm 2018.
Một lãnh đạo NSA giấu tên cho hay, với những dữ liệu này, NSA có thể nhìn thấy toàn thế giới ở mọi lúc vì cả thế giới là một mục tiêu, bất kỳ ai cũng là một mục tiêu. Vấn đề là ở chỗ NSA sẽ làm như thế nào để xác định ai là đối thủ hoặc không phải là đối thủ tiềm tàng.
Đào Ngọc (Tổng hợp)