Từ Alexis Sanchez đến Jadon Sancho, từ Paul Pogba đến Harry Maguire, nhiều thế hệ cầu thủ buộc MU phải chi rất nhiều tiền đưa về Old Trafford nhưng bị nuốt chửng trong hố đen áp lực.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau, một số người đơn giản là không chịu được sức ép kỳ vọng, một phần khác đặt cái tôi lên cao hơn tập thể, điều đi ngược với bản sắc MU.
Mai một tư tưởng Sir Alex
Trong gần 3 thập kỷ tại vị ở Old Trafford, Sir Alex Ferguson thực hiện tổng cộng 105 bản hợp đồng cho MU. Không có thương vụ nào quá đắt xét theo mức độ đóng góp và giá chuyển nhượng, ngoại trừ cựu tiền đạo Dimitar Berbatov - người tạo nhiều tranh luận với con số 30,75 triệu bảng trả cho Tottenham. Tất nhiên, không phải ai cũng thành công (những thất bại nổi bật là Juan Veron và Shinji Kagawa), nhưng đa số có đóng góp nhất định.
Điều này được thể hiện qua việc Sir Alex biến MU thành CLB giàu thành tích nhất kỷ nguyên Premier League (từ 1992). Cho đến khi huyền thoại Scotland nghỉ hưu, MU có 13 lần vô địch Ngoại hạng, so với chỉ 7 lần đăng quang First Division trong toàn bộ lịch sử trước đó. Đã 10 mùa trôi qua từ ngày ông rút lui khỏi bóng đá đỉnh cao, hàng xóm Man City thành công nhất cũng mới chỉ chạm đến 7 chức vô địch. 5 đội khác từng vô địch cộng lại cũng không bằng bộ sưu tập của cá nhân người đàn ông có biệt danh "Máy sấy tóc": Chelsea 5, Arsenal 3, Liverpool, Blackburn Rovers và Leicester cùng có 1 danh hiệu.
Một yếu tố quan trọng: Thành công của HLV Ferguson không hoàn toàn đến từ việc mua cầu thủ. Ông tạo được bản sắc riêng cho MU với lứa cầu thủ "cây nhà lá vườn". Nổi bật nhất là thế hệ vàng 1992 như Paul Scholes, Ryan Giggs, David Beckham, Nicky Butt, anh em Gary và Phil Neville. Không phải ngẫu nhiên mà MU thường xuyên thắng trong thời gian bù giờ. Điều đó trở thành thói quen, khi đội biết cách tạo ra và nắm bắt may mắn. Họ thấm nhuần tư tưởng của Sir Alex với tinh thần chiến đấu không bỏ cuộc cho đến những giây cuối cùng. Các cầu thủ mới phải thích nghi với hệ tư tưởng này để hòa nhập về mặt bóng đá.
Tuy nhiên, trong thời hậu Sir Alex, MU cũng chuyển đổi hoàn toàn mô hình. Đào tạo trẻ bị xem nhẹ, thay vào đó là các thương vụ tốn kém. 1,5 tỷ bảng được dành cho 60 cầu thủ mới mà không giành danh hiệu Premier League nào, đặc biệt nếu so với 6 chiếc cúp mà Man City lấy về Etihad trong thời hậu Ferguson.
Trong bối cảnh bóng đá thương mại, mua ngôi sao là xu thế không tránh khỏi với các CLB hàng đầu, bởi vì điều này có tác động vượt xa giá trị thể thao. Xem nhẹ đào tạo trẻ cũng đồng nghĩa mất kết nối truyền thống. Real Madrid vô địch Champions League 5 lần gần nhất với các cầu thủ hạng trung như Nacho hay Lucas Vazquez. Man City có Phil Foden và giờ trình làng thêm Rico Lewis. Chelsea nâng cao Champions League 2021 với hai ngôi sao "cây nhà lá vườn" Reece James và Mason Mount… Còn MU? Garnacho hay Hannibal Mejbri? Họ đều đến Carrington theo dạng chuyển nhượng cầu thủ trẻ 17-18 tuổi.
Thế hệ lạc lối của MU
Những đầu tư của MU trong một thập kỷ qua gồm ngôi sao trẻ triển vọng hoặc những gương mặt thành danh. Một trong những người trẻ được kỳ vọng nhất là Wilfried Zaha, được mua trước ngày Sir Alex nghỉ hưu, nhưng David Moyes sử dụng. Kết quả, sự nghiệp của anh chỉ gắn với Crystal Palace và chỉ vừa sang Galatasaray hồi mùa hè. Gần đây, khi trở lại Old Trafford, anh ghi bàn để làm nên chiến thắng 3-2 cho đại diện Thổ Nhĩ Kỳ.
Tương tự, Sir Alex mua Adnan Januzaj cho đội trẻ và sau đó Moyes lẫn Louis van Gaal đều không biết sử dụng. Tài năng trẻ đình đám một thời của Bỉ cho đến nay vẫn chưa trưởng thành ở tuổi 28, với vỏn vẹn 25 phút La Liga cho Sevilla mùa này. Anthony Martial nổi hơn hai cầu thủ kể trên và đến MU với rất nhiều kỳ vọng. Ngoài lương cao, cầu thủ người Pháp không có đóng góp gì đáng kể và đang trong năm cuối hợp đồng.
Cho đến nay, đưa Paul Pogba trở lại năm 2016 với tổng giá trị 94,5 triệu bảng (đã bao gồm một phần trả sau) là kỷ lục trong lịch sử MU. Cầu thủ người Pháp chưa bao giờ thể hiện đúng giá trị như khi còn khoác áo Juventus và đội tuyển Pháp. Pogba trở lại Juve mùa hè năm ngoái mà không mang lại cho MU một xu nào. Anh chấn thương dai dẳng kể từ đó và hiện đối mặt án treo giò 4 năm vì doping.
Harry Maguire, trung vệ đắt giá nhất thế giới và đắt thứ 3 lịch sử MU (80 triệu bảng) là thất bại nổi tiếng khác. Maguire mất băng đội trưởng và bị bán cho West Ham hè vừa qua nhưng anh lật kèo. Với Erik ten Hag, anh là lựa chọn cuối cùng cho vai trò trung vệ. Ten Hag cũng "tống cổ" Jadon Sancho khỏi đội một, sau khi lười tập và thái độ không hay. Bùng nổ tại Dortmund, nhưng Sancho bị cối xay tài năng ở sân Old Trafford nghiền nát.
Không có thái độ xấu, nhưng Romelu Lukaku, Alexis Sanchez và Memphis Depay đều có một điểm chung là đánh mất mình sau khi được MU trải thảm đỏ đón về. Họ bùng nổ ở CLB cũ, khiến "Quỷ đỏ" dưới thời CEO Ed Woodward mê mẩn nhưng chỉ biết gây thất vọng. Henrikh Mkhitaryan thì không đủ mạnh về tâm lý để tỏa sáng với MU như những gì anh làm với Dortmund.
Cuối tuần qua, MU thắng ngược Brentford nhờ người hùng bất đắc dĩ McTominay, vốn bị Ten Hag đưa ra thị trường chuyển nhượng mùa hè. Anh chưa bao giờ được xem trọng, nhưng có giá trị vô hình mà MU rất muốn các ngôi sao đắt giá học hỏi: Tinh thần Sir Alex và luôn đặt lợi ích tập thể lên hàng đầu.
Tags