Bắt Marcus Rashford đá biên có lẽ là sai lầm lớn nhất của Man United trong thập kỷ này. Ai có thể trách cầu thủ người Anh vì đã phải vật lộn trong bối cảnh bị thiếu định hướng ở Old Trafford?
Bóng đá có ký ức ngắn hơn bao giờ hết đối với những điều tốt đẹp. Đó là điều dường như Marcus Rashford đã phát hiện ra tuần trước. Hành động giúp đỡ hàng triệu trẻ em có bữa ăn mỗi ngày cuối cùng lại chẳng đủ sức để giúp Rashford được đối xử tốt đẹp hơn khi có phong độ tệ. Khen ngợi chuyển sang thờ ơ, rồi oán giận, rồi thù địch, rồi ngược đãi. Tất cả diễn ra nhanh chóng như 1 cái chớp mắt.
Gareth Southgate đã đúng khi loại anh ra khỏi đội tuyển Anh trong đợt tập trung cuối tháng Ba. Phong độ của Rashford không xứng đáng. Nhưng vẫn thật khó để chứng kiến việc Rashford bị CĐV quá khích đón đầu, chỉ trích rồi chửi bới bên ngoài sân Old Trafford sau thất bại trước Atletico Madrid tại Cúp C1.
Rashford đã chơi 23 phút cuối cùng trong trận thua ảm đạm ở lượt về của MU trước đội bóng của Diego Simeone. Một giờ sau tiếng còi mãn cuộc, cầu thủ người Anh bước ra khỏi sân Old Trafford để đi bộ một đoạn ngắn tới xe của anh. Một đám đông đã tụ tập để xem các cầu thủ, xin chụp ảnh, hét lên những lời lăng mạ. Rashford đã không tránh được sự tấn công nhưng đó là bài học quan trọng rằng ngay cả những cầu thủ trẻ xuất sắc nhất cũng có thể bị ném vào giữa bầy sói bất cứ lúc nào.
Trong một lúc, Rashford phớt lờ những gì đang được hét vào mặt, nhưng sau đó một điều gì đó đã được nói ra khiến cầu thủ này dừng lại đột ngột và quay về phía kẻ đang hành hạ mình. Rõ ràng là Rashford rất tức giận. Rõ ràng có điều gì đó đã được nói ra khiến anh khó chịu. Rashford bắt đầu đi về phía kẻ đã đưa ra nhận xét trước khi các nhân viên bảo vệ thuyết phục anh ta quay đi.
Ngay sau đó, máy quay từ điện thoại đã bắt được cảnh Rashford giơ ngón tay với CĐV. "Hãy tới đây và nói thẳng vào mặt tôi này", Rashford phản ứng lại. Trong khoảnh khắc đó, Rashford thực tế chẳng làm gì quá đáng. Tuy nhiên, "người hâm mộ" kia đã giành chiến thắng và có được điều mình mong muốn: phản ứng của Rashford.
Đó là những điều cũng diễn ra với các cầu thủ trên mạng xã hội. Họ bị câu kéo liên tục và có lúc họ sập bẫy. Khi đó, những gì họ nhận lại là sự phẫn nộ từ cộng đồng mạng. Và sau đó, những kẻ xúc phạm họ yêu cầu lời xin lỗi. Cầu thủ từ đó càng dễ đắm chìm trong ánh đèn sân khấu của thành tích thảm hại và trống rỗng.
Rashford đã phải đưa ra lời xin lỗi công khai, dù bị đối xử tồi tệ, nhưng Ian Wright và những người khác đã nói sau đó, anh không cần phải làm vậy. Rashford không phải là một vị thánh. Những kẻ tự nhận là "người hâm mộ" đã lạm dụng Rashford nên họ mới là những kẻ phải lên tiếng xin lỗi.
“Trong nhiều tuần, tôi đã bị đeo bám, bị đe dọa, bị tra hỏi và đêm qua, tôi đã không thể kìm nén cảm xúc thêm nữa. Tôi là một con người. Đọc và nghe những điều đó về bản thân mỗi ngày, nó khiến bạn suy sụp. Tôi đã bị ghẻ lạnh ngay từ khi tôi bước chân ra ngoài sân bóng và bị xỉ nhục về cả những điều không liên quan tới bóng đá.
Mọi người đang tìm kiếm phản ứng từ tôi. Điện thoại đã sẵn sàng. Tất nhiên tôi nên đi thẳng qua và bỏ qua nó, đó là những gì tôi phải làm, đúng không? Tôi không có quyền. Đây không phải là bản ngã của tôi. Tôi đang buồn. Tôi thất vọng. Và trong khoảnh khắc đó thật là ngớ ngẩn nhưng tôi đã là con người. "
Rashford được coi là một anh hùng dân tộc cách đây không lâu, được coi là người giỏi nhất trong chúng ta vì công việc anh đang làm cho những người kém may mắn, được ca ngợi là gương mặt của lòng nhân ái.
Rashford đang có phong độ tệ hại. Điều đó không hề sai. Tương lai của anh tại MU cũng đang không rõ ràng trong thời gian gần đây. Rashford cũng đã không được triệu tập vào đội tuyển quốc gia. Đó là hệ quả của phong độ kém. Nhưng dường như bây giờ điều đó còn khiến Rashford bị lăng mạ một cách công khai. Người ta đồng thời mất trí nhớ về tài năng quý giá của Rashford.
Marcus Rashford đánh mất phong độ và đánh mất cả chính mình. Anh không còn là chàng trai ngày nào thi đấu nổi bật trong đội 1 của MU khi được đôn lên từ đội trẻ. Rashford trông thiếu tự tin đến tuyệt vọng. Ngôn ngữ cơ thể của Rashford đã nói lên sự thiếu chắc chắn và đầy nghi ngờ về bản thân. Tuy nhiên, sự vội vàng loại bỏ Rashford, vứt bỏ tư cách cầu thủ của anh cũng thật đáng ngạc nhiên.
Rashford ra sân 297 trận và ghi 93 bàn thắng cho MU, nhưng anh mới chỉ 24 tuổi. Anh là cầu thủ trẻ nhất kỳ EURO 2016; là cầu thủ trẻ nhất ghi bàn trong derby Manchester; cầu thủ trẻ tuổi thứ 3 của MU ghi được 50 bàn thắng tại Ngoại hạng Anh. Tất cả đều được thực hiện khi anh bị chấn thương vai, lưng và bàn chân. Chỉ có Norman Whiteside, George Best và Ryan Giggs đạt 250 trận cho MU ở độ tuổi trẻ hơn Rashford.
Cũng cần nhớ rằng sự nghiệp ở Old Trafford của Rashford trùng khớp với những biến động không ngừng ở CLB. Nó không giống như thể anh đã chơi cho một đội bóng sẵn sàng quét sạch tất cả đối thủ như MU đã làm trong phần lớn hai thập kỷ trước khi anh nổi lên. Toàn bộ sự nghiệp của Rashford đã trải qua những năm tháng sa sút thời hậu Ferguson. Anh đã chơi cho Louis van Gaal, Jose Mourinho, Ole Gunnar Solskjaer, Michael Carrick và Ralf Rangnick.
Rashford cũng là nạn nhân xuất phát từ nỗi ám ảnh của MU về việc cố gắng ngụy trang những thiếu sót của họ bằng cách ký hợp đồng với các tiền đạo siêu sao để mua chuộc sự bất mãn của đám đông. Sự tiến bộ của Rashford đã bị cản trở bởi các HLV yêu thích các tiền đạo giàu kinh nghiệm như Zlatan Ibrahimovic, Cristiano Ronaldo và Edinson Cavani.
Không có gì ngạc nhiên khi giữa sự không chắc chắn, thiếu định hướng ở Old Trafford và phong độ sa sút của anh, đã có những gợi ý rằng Rashford đang cân nhắc về một tương lai rời xa MU.
Rashford chính xác là mẫu tiền đạo mà MU nên nuôi dưỡng và phát huy, một cầu thủ xuất sắc đang hướng tới đỉnh cao, một cầu thủ bản địa đã vươn lên đội 1 của CLB, một ngôi sao người Anh, một hình mẫu của thế kỷ 21. Thay vào đó, họ đang gạt anh ra ngoài lề. Ngay cả trong bối cảnh họ đã mắc vô số sai lầm trong suốt thập kỷ qua, mất Rashford sẽ là một trong những sai lầm lớn nhất.
Quý Dậu
Theo Oliver Holt/Daily Mail
Tags