Gác lại một số hạn chế mang tính muôn thuở, V-League 2022 để lại nhiều gam màu tích cực.
Đầu tiên, phải nhắc đến sự đón nhận của khán giả. Dịch Covid-19 đã khiến mùa giải 2020 liên tục bị hoãn. Riêng V-League 2021 phải hủy sau khi bóng đã lăn được 12 vòng.
Phải chờ 6 tháng (từ tháng 9/2021 đến tháng 2/2022), người hâm mộ bóng đá mới được đến sân để xem giải chuyên nghiệp. Cần phải nói thêm, khán giả có thời điểm "đói" bóng đá nội khi V-League 2022 đá được 4 vòng thì phải nghỉ đến gần 4 tháng, nhường sân cho ĐTQG và U23 Việt Nam.
Tất nhiên, dù "đói" bóng đá nội nhưng một khi khán giả không tìm thấy niềm vui mỗi cuối tuần, nếu giải chuyên nghiệp vẫn nhợt nhạt như nhiều năm trước, thì họ cũng tẩy chay. Sau hơn 2 năm "ngấm đòn" vì lương, thưởng, chuyển nhượng và đủ nguồn thu khác bị cắt giảm, hầu hết những ai đang tham gia hoạt động bóng đá đều như hồi sinh khi được cùng nhau chơi bóng.
So với mặt bằng khu vực Đông Nam Á, thu nhập từ giải chuyên nghiệp Việt Nam là rất lớn. Ngay cả trọng tài phải nghỉ việc cả năm cũng ảnh hưởng đến thể lực, chuyên môn và cả thu nhập của mình.
Các đội bóng V-League phải hiểu rằng mình cần phải tựa lưng vào khán đài để tồn tại. Sức sống đó trước hết phải được mỗi đội bóng, giới cầu thủ biết làm gì để không phụ lòng người hâm mộ.
Khán giả đến sân ngoài yêu cầu các cầu thủ phải thi đấu cống hiến, trung thực, chuyên môn cao, còn có nhu cầu để giải trí. Chính câu chuyện Than Quảng Ninh xóa sổ rồi cả Tây Ninh, An Giang bỏ cả giải hạng Nhất đã đánh động tư duy làm bóng đá của tất cả.
Ý thức về việc phải đầu tư nghiêm túc cho bóng đá, tôn trọng khán giả, yêu và trọng nghề đã được khơi gợi trong giới bóng đá. Đa số các CLB đều có sự lột xác về nhiều mặt ở V-League 2022.
Hà Nội FC đã vô địch rất xứng đáng trước 1 vòng đấu trong sự "tâm phục" của các đối thủ. Đây là là chức vô địch thứ 6 trong lịch sử còn non trẻ của đội bóng, chưa kể đội bóng Thủ đô cũng đã 5 lần giành ngôi á quân V-League. Sự thành công của Hà Nội FC còn chuyển tải thông điệp quan trọng: quyết tâm và vũ khí tinh thần là chưa đủ.
Các CLB chuyên nghiệp Việt Nam cần xây dựng hướng đi mới hơn, dựa trên nền tảng kinh tế vững mạnh, công tác đào tạo trẻ phải bền bỉ. Quan trọng hơn cả, cầu thủ phải xây dựng được tác phong chuyên nghiệp, cả trên sân cỏ lẫn ngoài đời.
Những lo ngại cho cầu thủ trẻ không được ra sân đã được xóa bỏ hoàn toàn. SHB Đà Nẵng thời điểm thăng hoa chính nhờ sự bừng khởi của 4, 5 nhân tố trẻ được tin dùng. Nhậm Mạnh Dũng, Phan Tuấn Tài được đá liên tục ở Viettel. Một làn sóng trọng dụng tài năng trẻ đã được các CLB áp dụng.
Đấy là một tư duy hết sức tích cực, bởi lâu nay vì áp lực thành tích, các đội bóng chủ yếu sử dụng các cầu thủ thành danh, cùng ngoại binh, làm ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ phát triển của nhiều người trẻ. Trên các khán đài, ông Park, ông Gong liên tục dự khán để tuyển nhân tài cho ĐTQG và U23 Việt Nam. Tất cả đã tạo thêm động lực thi đấu cho các cầu thủ hòng lọt vào mắt xanh các HLV.
Chúng ta có thể vui mừng trước rất nhiều biến chuyển tích cực của giải chuyên nghiệp. Tuy nhiên, những điểm yếu cốt tử vẫn còn đó, sẵn sàng đưa con thuyền chuyên nghiệp quay lại thuở ban sơ: sự yếu kém trọng tài; bạo lực sân cỏ; pháo sáng và biểu hiện côn đồ ở một số nhóm cổ động viên. Trong những nỗi lo thì khâu trọng tài vẫn là ám ảnh nhất. Ban trọng tài thuộc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam quản lý, nên họ không thể tiếp tục bàng quan, đổ lỗi sự yếu kém do hoàn cảnh.
Những nhà tổ chức phải nhận thức sâu sắc điều đó, để biến thành hành động tương ứng, nâng tầm V-League sánh vai với các giải chuyên nghiệp hàng đầu châu lục.