Một 'bức tranh lịch sử Nam kỳ' của Nguyễn Quang Diệu

Thứ Năm, 19/10/2023 18:20 GMT+7

Google News

Cuốn biên khảo Khắc họa bức tranh lịch sử Nam kỳ của Nguyễn Quang Diệu (Omega và NXB Tổng hợp TP.HCM vừa phát hành) đã góp thêm một góc nhìn vào bức tranh văn hóa, xã hội của vùng đất còn nhiều bí ẩn và hấp dẫn này. Một số bài trong sách này được anh viết lúc TP.HCM đang chìm trong đại dịch Covid-19.

Nguyễn Quang Diệu sinh năm 1983 tại Tam Kỳ, Quảng Nam, hiện sống và làm việc tại TP.HCM. Anh đang đảm nhận vai trò biên tập viên của các dòng sách biên khảo, nhất là các biên khảo, nghiên cứu, hồi ký về lịch sử, văn hóa, xã hội, con người Việt Nam xưa. Công việc này giúp anh tiếp cận được nhiều tư liệu, công trình nghiên cứu, góp phần khơi gợi, tạo niềm cảm hứng cho anh viết tác phẩm này.

Nguyễn Quang Diệu dành cho Thể thao và Văn hóa (TTXVN) cuộc trò chuyện về cuốn sách đang thu hút độc giả.

Một 'bức tranh lịch sử Nam kỳ' của Nguyễn Quang Diệu - Ảnh 1.

Tác giả Nguyễn Quang Diệu

"Cơ duyên" từ công việc xuất bản

* Tác phẩm này được anh thai nghén từ lúc nào?

- Tôi quan tâm đến chủ đề Nam kỳ nói chung và Sài Gòn - TP.HCM nói riêng từ nhiều năm trước, trước hết là trong vai trò người đọc. Hơn 6 năm trước, tôi đã tổ chức một tủ sách có tên gọi là Ký ức Sài Gòn, xuất bản được 4 cuốn rồi dừng. Tiếp đó, tôi khai thác và tổ chức dịch cuốn Nam kỳ viễn chinh ký 1861 của Léopold Pallu, gần đây là bộ Nam kỳ và cư dân của bác sĩ J.C. Baurac và một số công trình nghiên cứu/tiểu luận khác về Sài Gòn nói riêng và Nam kỳ nói chung. Với tôi, làm xuất bản cho phép tôi được đọc và cập nhật kiến thức mỗi ngày.

Khi xâu chuỗi và giải mã được các nguồn sử liệu, tôi bắt tay viết từng tiểu luận riêng lẻ, đặt trong một mạch lịch sử nối tiếp về vùng đất Nam kỳ. Tôi lần lượt công bố các tiểu luận này trên báo Thanh niên gần ba năm trước. Khi đăng, tôi phải lược bớt một số chi tiết, một số trích dẫn cho phù hợp với khuôn khổ trang nhật báo. Có tiểu luận tôi viết lúc thành phố bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19, chứng kiến từng dòng người rời bỏ thành phố và những câu chuyện buồn vui khác về đời sống văn hóa, tinh thần của lớp lớp thị dân.

Một 'bức tranh lịch sử Nam kỳ' của Nguyễn Quang Diệu - Ảnh 2.

Từ trái sang, tác giả Nguyễn Quang Diệu, nhà nghiên cứu Lê Nguyễn và điều phối chương trình Duy Lê tại buổi ra mắt sách

* Tác phẩm phác họa bức tranh Nam kỳ kể từ thời vua Gia Long đến khoảng thập niên 1930. Anh có thể nêu ra những nhân vật theo anh là nổi bật trong đời sống văn hóa Nam kỳ?

- Với riêng tôi, một cách chủ quan, Tả quân Lê Văn Duyệt và chí sĩ Nguyễn An Ninh là hai trong số những nhân vật tiêu biểu cho vùng đất Nam kỳ xưa. Trong đó, Nguyễn An Ninh là nhân vật gần chúng ta nhất. Đó là một trí thức và nhà cách mạng hiện đại, am hiểu và thẩm thấu cả văn hóa Đông - Tây, có lý tưởng và mục tiêu hành động rõ ràng.

Nguyễn An Ninh là một nhà báo cấp tiến, thần tượng của giới trí thức trẻ thành thị, một "soái ca" theo cách nói của giới trẻ bây giờ, là "linh hồn của đám thanh niên bấy giờ". Những tuyên ngôn chính trị nghịch tai giới cầm quyền thuộc địa lúc bấy giờ của Nguyễn An Ninh, thông qua các bài báo hoặc bài diễn thuyết, thúc đẩy thanh niên thành thị thực thi các trách nhiệm công dân, xã hội của chính mình.

Một 'bức tranh lịch sử Nam kỳ' của Nguyễn Quang Diệu - Ảnh 3.

Biên khảo “Khắc họa bức tranh lịch sử Nam kỳ”

* Có một khoảng thời gian khá dài kể từ lúc các sự kiện trong sách xảy ra. Trong quá trình tìm kiếm tư liệu, xâu chuỗi các sự kiện, anh gặp những khó khăn gì?

- Thông qua cuốn sách, tôi muốn diễn giải, kể những câu chuyện văn hóa - lịch sử, về con người và vùng đất, mà đối tượng chính tôi hướng đến là độc giả phổ thông. Vì vậy, tôi đã cố gắng viết ngắn gọn, cô đọng nhất có thể. Tuy nhiên, tôi cũng ý thức được rằng dù kể một câu chuyện thuộc về quá khứ, dù ngắn hay dài, thì thao tác tra cứu và dẫn nguồn vẫn là điều bắt buộc.

Có chi tiết, khi trích dẫn nội dung và nguồn, tôi biết là có vấn đề, nhưng vì lúc viết tôi không thể tiếp cận được nguồn trực tiếp, nên đành chọn giải pháp "dẫn lại". Việc này khiến tôi trăn trở, dù đã liên lạc với nhiều nhà sưu tầm từ đầu năm 2021, nhưng không có ai sở hữu tờ báo gốc tôi cần, cụ thể trong trường hợp này là tờ Nông cố mín đàm số ra ngày 11/9/1919. Gần đây tôi tiếp cận được số báo trên và trả lời được câu hỏi.

Tôi dùng nhiều nguồn, trong khả năng hạn chế về năng lực cũng như tiếp cận các nguồn lưu trữ, tôi đã cố gắng phối kiểm tài liệu giữa quốc sử và các tài liệu khác. Ngoài ra, tôi cũng dùng tài liệu báo chí để bổ khuyết một số chi tiết, sự kiện, mà những tài liệu tôi đã đọc qua chưa thấy nhắc đến.

Một 'bức tranh lịch sử Nam kỳ' của Nguyễn Quang Diệu - Ảnh 4.

"Dữ liệu chỉ là một phần của vấn đề, còn lại là các thao tác dịch thuật, phê khảo và phối kiểm sử liệu, diễn giải..." - tác giả Nguyễn Quang Diệu.

"Dữ liệu chỉ là một phần của vấn đề"

* Cuốn sách có nhiều tranh, ảnh tư liệu quý giá. Nguồn tài liệu tranh ảnh xưa đóng vai trò thế nào trong nghiên cứu văn hóa, xã hội Nam kỳ?

- Tôi nghĩ rằng bên cạnh vài cái mới trong nội dung mang đến cho độc giả, tôi phải dụng công hơn nữa trong việc tổ chức một bộ tranh/ảnh giúp cho cuốn sách trở nên sinh động và dễ đọc.

Trong vai trò người đọc, tôi thường gặp một vấn đề như thế này: Một bức tranh khắc về Việt Nam xưa, nếu được in trong 3 cuốn sách khác nhau, kết quả thường cho thấy rằng có 3 nội dung chú thích tranh khác nhau, kể cả nguồn dẫn… Tôi cho đó là điều bất ổn.

Tôi hoàn thiện bản thảo từ khá sớm, tuy nhiên tôi mất quá nhiều thời gian để Việt hóa chú thích tranh, tra cứu tên người vẽ bản phác thảo ban đầu (nếu có), hình chụp của ai (nếu có), hình họa (dessin) của ai, cũng như tên người thợ khắc tranh.

Một 'bức tranh lịch sử Nam kỳ' của Nguyễn Quang Diệu - Ảnh 6.

Xin lưu ý rằng, kể từ năm 1896 hình ảnh mới lần đầu tiên được in trực tiếp trên tạp chí L'Illustration, trước đó báo chỉ in tranh khắc. Đối với riêng tôi, tranh khắc mang cái hồn của người nghệ sĩ, vì vậy vai trò của người thợ khắc là khá quan trọng. Chính vì muốn giới thiệu một cách đầy đủ danh tính những người liên quan đến một bức tranh in trên báo xưa nên tôi đã thực sự "sa lầy", bị chậm nhịp. Cũng may, cuối cùng tôi đã hoàn thành, dù có một số bức tranh tôi không tra cứu được, hoặc không đọc được chữ ký tắt, nên tạm chấp nhận một hiện trạng đang có.

Tôi nghĩ rằng, để "giải thực dân"/thuộc địa qua tư liệu tranh ảnh, để nghiên cứu nhân học hình ảnh… mà tôi nghĩ đó là xu hướng, điều cơ bản là phải truy xuất được nguồn gốc bức tranh hay ảnh chụp, không gian, bối cảnh và thời gian ra đời, công bố ở đâu... Một số bức tranh nếu xác định đúng các vai trò của người tham gia, sẽ mang đến những thông tin lịch sử thú vị.

* Theo anh, hiện nay công việc tìm hiểu, nghiên cứu, văn hóa, lịch sử, xã hội Việt Nam thời xưa đang có những thuận lợi gì?

- Trong thời đại số hóa phát triển như hiện nay, với việc dễ dàng tiếp cận các nguồn mở, giới nghiên cứu đang có những điều kiện thuận lợi nhất định. Nói thế không có nghĩa là bạn chỉ cần ngồi ở nhà kết nối Internet là mặc nhiên có thể tiếp cận được mọi thứ mình cần. Dữ liệu chỉ là một phần của vấn đề, còn lại là các thao tác dịch thuật, phê khảo và phối kiểm sử liệu, diễn giải...

Một trong những khó khăn lớn hiện nay khi muốn tìm hiểu và nghiên cứu về Việt Nam xưa, theo nhận định chủ quan của tôi, là việc khai thác và đọc hiểu nguồn tài liệu Hán - Nôm, cũng như tiếng Pháp, trong bối cảnh mà tiếng Anh trở thành ngôn ngữ chủ chốt.

Ngoài ra, sự thuận lợi trong việc tiếp cận tài liệu ở các trung tâm lưu trữ đôi khi dẫn đến tâm lý chủ quan, khi người dùng vội vàng khẳng định với các từ "đầu tiên", "duy nhất", "cuối cùng", hoặc "khuyết danh"... Đó là tính hai mặt của một vấn đề.

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Độc đáo "Phòng tuyến nhà chùa"

Sách tập trung chủ yếu vào giai đoạn lịch sử từ 1810 đến 1930. Một trong vài chủ đề chính là tái khẳng định công lao của Tả quân Lê Văn Duyệt với vùng đất Nam kỳ.

Sách cũng đề cập đến các bản hòa ước Sài Gòn, hòa ước Nhâm Tuất, hòa ước Giáp Tuất, đến bộ máy hành chính Nam kỳ thời Pháp thuộc, làng báo Sài Gòn đầu thế kỷ 20…

Đặc biệt, chương 4 là một phác thảo khá thú vị về "phòng tuyến nhà chùa" trong cuộc kháng Pháp của Nam kỳ. Chuyện các ngôi chùa hiền hòa như Khải Tường, Ao, Phước Kiểng, Cây Mai… thành cơ sở tác chiến, kháng Pháp là thông tin mới mẻ.

An Kha (thực hiện)

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›