Mo Mường được hình thành nên trên nền tảng văn hóa riêng biệt của người Mường. Dù vậy, trong dòng chảy lịch sử của tôn giáo, tín ngưỡng trên thế giới, ta lại có thể bắt gặp những nét tương đồng và khác biệt giữa nó và một số hình thức nghi lễ tín ngưỡng khác.
Đây là một nội dung quan trọng trong hội thảo quốc tế Mo Mường và những hình thức nghi lễ tín ngưỡng tương đồng trên thế giới, diễn ra tại Hòa Bình vào tuần qua. Hội thảo tổ chức với mục đích bổ sung thêm những thông tin khoa học để hoàn thiện hồ sơ quốc gia về Mo Mường và sớm trình UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Nghi thức tang ma đặc biệt
Tại hội thảo, GS-TSYves Defrance (Pháp) nhận định: Lịch sử và nhân chủng học cho chúng ta biết rằng mọi xã hội loài người đều có những nghi thức tưởng nhớ cuối cùng dành cho người đã khuất, dù chỉ là nghi thức cơ bản. Những nghi thức ấy nhằm bảo vệ linh hồn hoặc tinh thần của người chết và có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội.
Theo ông, để cho linh hồn của người quá cố không gặp nguy hiểm, nghi thức tang ma luôn cần được tiến hành một cách trọn vẹn.
Để chia sẻ, GS-TS Kim Hyong Keun, Đại học Jeonbuk (Hàn Quốc) nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của nghi thức tang ma tại đất nước ông. Linh hồn sau khi trải qua các nghi thức tang ma sẽ cư trú tại "thế giới kia" dưới âm phủ, không gian tồn tại diễn ra song song với "thế giới này" - nơi cư trú, sinh hoạt của người sống. Dẫu có sự cách biệt giữa hai cõi âm dương, nhưng trong tâm thức người Hàn Quốc, khoảng cách giữa hai thế giới của người sống và người chết không xa xôi, mà rất gần.
Còn với người Mường của Việt Nam, hai thế giới Mường Người (Mường Pưa) của người sống và Mường Ma (Mường Chạ Đống) của hồn người chết cùng tồn tại trong tầng giữa của hệ thống vũ trụ 3 tầng - 5 thế giới. Trong vũ trụ "đa tầng", qua đánh giá của GS Kim, bên cạnh tầng giữa còn có tầng trên cùng là Mường Trời - nơi có Vua Trời, các vị thần phò tá và mây sấm, chớp, trăng, sao,...; tầng dưới cùng phân thành thế giới trong lòng đất của những người tí hon Te Te Ống Khút gọi là Mường Pưa Đín và thế giới dưới nước của những loài thủy quái gọi là Mường Vua Khú.
Nghi thức Mo dẫn hồn người chết tuy tiến hành trong bầu không khí đượm buồn trước sự ra đi của người thân, nhưng lại gợi cho TS George Athanasopoulos, Đại học Humboldt (Đức) liên tưởng đến lễ hội Cawmos - lễ hội ăn mừng lớn nhất trong năm sau khi mùa màng đã được thu hoạch và dự trữ cho mùa Đông của người Kalash cư trú tại biên giới Tây Bắc Pakistan và Afghanistan, được tổ chức trong hai tuần vào ngày Đông chí.
Trong lễ hội này, người đàn ông lớn tuổi nhất trong làng đảm nhiệm việc dâng đồ ăn lên mời linh hồn tổ tiên về ăn. Ông đi lên nóc ngôi nhà gần đền thờ Jes'tak Han, hướng mặt về phía nghĩa trang và cất tiếng gọi lớn: "Xin tổ tiên hãy đến và rời đi sau khi ăn uống xong", để thỉnh mời linh hồn về cùng ăn với người sống. Sau đó, ông ta chạy vào ngôi đền gần nhất và đóng cửa lại. Điểm đặc biệt trong nghi thức dẫn hồn của người Kalash sẽ giúp hồn người quá cố xích lại gần hơn với người đang sống - con cháu của họ - trong bữa ăn tại cùng một không gian.
Với Mo Mường, dẫu nghi thức dẫn hồn do thầy mo cử hành đưa hồn người quá cố về Mường Ma vĩnh viễn, không quay trở lại Mường Người như tổ tiên của người Kalash quay lại ăn uống cùng người sống, nhưng điều đó không báo hiệu cho sự đoạn tuyệt với con cháu đang sống ở Mường Người. Bởi khi cư trú ở Mường Ma, linh hồn của họ vẫn sẽ phù hộ, che chở, bảo vệ cho con cháu mình ở thế giới song song. Và chắc chắn, bằng lòng tưởng nhớ của người đang sống tới người đã khuất, hai thế giới Mường Người và Mường Ma luôn tồn tại sự kết nối vô hình.
"Mo Mường đã phản ánh sự đa dạng văn hóa trên toàn thế giới và minh chứng cho sự sáng tạo của con người" - GS-TS Wolfgang Mastnak, Đại học Âm nhạc và Sân khấu Munich (Đức).
Hành trình đặc biệt của linh hồn
Một phát hiện thú vị được GS-TS Kim Hyong Keun chỉ ra trong sự so sánh giữa tang lễ của người Mường và người Hàn Quốc: Với người Mường, toàn bộ quá trình từ khi khâm liệm đến khi chôn cất đều do thầy mo chỉ đạo mọi việc. Còn tại Hàn Quốc, thầy cúng tham dự với vai trò là người thực hành các nghi thức trong tang lễ, chứ không phải người chủ trì, mà trách nhiệm chủ trì được giao cho một người bình thường.
Từ vai trò quan trọng như vậy, Nghệ nhân ưu tú Bùi Huy Vọng (huyện Lạc Sơn, Hòa Bình) khẳng định: Thầy mo trở thành một trong ba thành tố không thể thiếu cấu thành nên nghi thức Mo Mường, bên cạnh lời mo (lời văn được diễn xướng trong nghi thức) và không gian thực hành nghi thức.
Theo nghiên cứu của TS Laurel Kendall (Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Mỹ), các hình thức nghi lễ gia đình Hàn Quốc - trong đó có thờ cúng tổ tiên và tang lễ giống với người Việt - đều mang ảnh hưởng mạnh mẽ của nghi thức gia đình trong Nho giáo được quy định trong sách hướng dẫn nghi lễ và được kết hợp với tập quán địa phương. Nhưng với người Mường,nghi thức tang lễ không chịu ảnh hưởng từ tôn giáo ngoại lai của dân tộc khác, nhất là của Trung Hoa, mà thuộc về văn hóa riêng biệt của tộc người họ, theo lời khẳng định của GS-TS Kim Hyong Keun.
Trên nền tảng văn hóa của riêng tộc người mình, người Mường đã sáng tạo ra hành trình phức tạp với nhiều khó khăn mà linh hồn người chết phải vượt qua trước khi về đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Hành trình ấy được nghệ nhân Bùi Văn Minh (huyện Lạc Sơn, Hòa Bình) diễn giải cụ thể: Sau khi chết, hồn người chết đi theo những con đường mà lời Mo chỉ dẫn, xuất phát từ Mường Người - nơi mà người đó đã sống cả cuộc đời; sau đó lên Mường Trời nghe Vua Trời xử kiện, đi xin lửa; rồi dùng lửa soi sáng để hồn người chết nhận họ hàng ở Mường Ma - một thế giới ở cùng tầng với Mường Người. Tiếp đến, lời Mo đưa hồn người chết xuống Mường Pưa Đín gặp những người tí hon và trải qua những chông gai ở Mường Vua Khú… Kết thúc hành trình dài, linh hồn người chết về với Mường Ma và hẳn nhiên sẽ định cư vĩnh viễn tại nơi đây. Sau khi sang Mường Ma, linh hồn người chết cũng phải lao động để có cái ăn, cũng có những sinh hoạt như ăn cơm uống rượu, kể chuyện cho họ hàng bên ma… như người sống ở Mường Người.
Cuộc hành trình "vừa cần thiết và vừa gian nan" (theo cách gọi của TS Kendall) từ Mường Người vượt qua các tầng, các thế giới,cho tới khi được "yên vị" ở Mường Ma của hồn người chết trong tang ma đã phản ánh tư duy sáng tạo của người Mường về hệ thống vũ trụ với kết cấu chặt chẽ. Từ đó, ThS Bùi Kim Phúc, (Sở VH,TT&DL tỉnh Hòa Bình) nhận định: "Trong đời sống của người Mường, có 23 nghi lễ có sử dụng đến diễn xướng Mo. Tuy nhiên, những giá trị đẹp đẽ nhất của Mo Mường lại được thể hiện trọn vẹn trong nghi lễ tang ma cổ truyền".
Với những giá trị độc đáo nêu trên, GS-TS Kim Hyong Keun bày tỏ sự kì vọng: "Việc bảo tồn Mo Mường, truyền lại cho các thế hệ tương lai và chia sẻ nó với mọi người trên khắp thế giới sẽ góp phần tạo dựng nên sự đa dạng về văn hóa của các nghi thức tang ma".
"Mo" là gì?
Về khái niệm Mo, TS Phạm Minh Hương, Viện phó Viện Âm nhạc (Học viện Âm nhạc Quốc gia) định nghĩa: "Mo" là tên gọi chỉ một loại hình nghi lễ tín ngưỡng trong đời sống của người Mường, được thực hành trong đám tang và một số nghi lễ cầu mạnh khỏe, trấn an tinh thần... "Mo" cũng là định danh cho nghề thầy cúng với môi trường hành nghề khởi điểm và chủ yếu là trong tang ma. Nội dung văn bản được thực hiện trong nghi lễ từ xưa cũng được gọi là "Mo". Ngoài ra, từ này còn dùng để chỉ một loại giọng dùng để thể hiện nội dung một số nghi thức trong nghi lễ, phân biệt với giọng khấn, đọc cúng.
Như vậy, Mo không đơn thuần chỉ là một cái tên, mà hàm chứa những biểu trưng văn hóa, nghệ thuật truyền thống đặc sắc của dân tộc Mường
Tags