Chương trình nghệ thuật áo dài "Nơi tôi sinh ra" do Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám và NTK Minh Hạnh tổ chức sẽ diễn ra tối 5/1 tại khu Thái học.
18 NTK tham gia chương trình sẽ kể câu chuyện về nơi được sinh ra qua các BST áo dài. Họ là: NTK Minh Hạnh, Diệp Anh, Ngọc Hân, Cao Minh Tiến, Thanh Thuý, Trịnh Bích Thuỷ, Duy Nguyễn, Chế Quyết Tiến, Giang Đoàn, Phương Thảo, Laura, Trần Thiện Khánh, Viết Bảo, Huệ Thi, Nguyễn Thuý, Trung Beret.
"Nơi tôi sinh ra" là chương trình nghệ thuật đặc sắc, giới thiệu vẻ đẹp của tà áo dài là chủ đạo. Đặc biệt, lần đầu tiên, ê kíp sản xuất chương trình ứng dụng trình chiếu ánh sáng 3D mapping trong một chương trình biểu diễn thời trang áo dài. 18 NTK áo dài trong cả nước giới thiệu những bộ áo dài độc đáo, mang bản sắc quê hương nơi họ đã sinh ra và lớn lên.
Nhà thiết kế Minh Hạnh chia sẻ, với mỗi người dù sinh ra nơi đâu cũng để lại dấu ấn không thể quên. Khi người ta tìm về tận cùng thẳm sâu trong mỗi con người vào những giờ khắc cuối cùng của năm cũ để chuẩn bị đón năm mới thì giá trị đạo học, đạo lý tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám càng tôn lên ý nghĩa của chương trình. Bởi cái đẹp mà không có đạo lý thì không thể bền vững. Với không gian biểu diễn là Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám đậm sắc màu văn hóa, chương trình càng được tôn lên vẻ đẹp và giá trị cần biểu đạt.
Ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám - cho biết, đây là chương trình được mong đợi, gợi lại cho mọi người nhiều cảm xúc về nơi mình sinh ra, nhất là trước thềm năm mới. Thông qua các bộ sưu tập áo dài, trong tâm thức mỗi người ùa về những hình ảnh thân thương của quê hương Việt Nam từ Bắc tới Nam. Dù là những hình ảnh rất bình dị nhưng nó chứa đựng hồn cốt của dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử. Chương trình cũng là món quà đặc biệt, sự kết nối giữa đương đại với truyền thống, đem đến cho khán giả nguồn năng lượng mới khi năm mới sắp đến gần.
NTK Diệp Anh chia sẻ chị sinh ra và lớn lên ở trung tâm Hà Nội nhưng chị cảm nhận luôn có một mảnh quê hương chảy trong máu thịt, đó chính là làng Chuông - Thanh Oai, làng nhỏ nằm bên dòng sông Đáy hiền hoà thuộc đất Hà Tây cũ.
"Trong ký ức của tôi, mỗi lần được về quê là hình ảnh 2 bên bờ đê phủ kín nón lá. Những phiên chợ quê với nón trắng từng chồng cao ngất, trải khắp sân đình, bà con họp chợ trong tiếng cười nói, bán mua rộn rã. Từ xa xưa 2 bên bờ sông Đáy cũng từng là những bãi dâu rộng lớn, người dân làng Chuông từng trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Áo dài và nón lá luôn là những biểu tượng không thể trộn lẫn của người Việt Nam. Không biết có phải cái duyên của quê hương đã đưa đẩy tôi đến với nghề tơ tằm và hình thành nên SilkyVietnam 7 năm trước. Giờ đây, tôi luôn mong muốn được góp một phần nhỏ bé để nón làng Chuông, để áo dài tơ tằm Việt Nam vươn cao, vươn xa, mang tiếng quê hương của tôi đến với muôn người" – cựu MC Diệp Anh chia sẻ thêm.
NTK Laura (CHULA) cho biết toàn bộ BST lần này mô tả hành trình của Diego và Laura từ hai ngôi nhà thân yêu của họ là Tây Ban Nha và Việt Nam. Những chiếc áo lần đầu tiên đi qua các nhà thờ, công viên mang tính biểu tượng của Tây Ban Nha, bao gồm Santiago De Compostela, The Alhambra, Park Güell, The Sagrada Familia...
"Đối với Diego, sự kết hợp giữa màu sắc và hình khối từ những nơi khác nhau là nguồn cảm hứng lớn và là một trong những lý do khiến anh yêu quê hương đến vậy. Nhưng đó cũng chính là lý do khiến anh yêu Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội, một thành phố có môi trường kiến trúc khác biệt, vừa cổ kính vừa hiện đại, hỗn loạn và tĩnh lặng. Sự kết hợp giữa kiến trúc truyền thống phương Đông với các yếu tố Pháp và Liên Xô có thể được nhìn thấy ở cầu Long Biên... Tất cả những điều này tạo thành một phần ký ức hoài niệm đầu những năm 2000 ở Hà Nội khi Diego và Laura lần đầu tiên đến Việt Nam và tiếp tục sinh sống ở đó" - NTK cho biết.
Tags